Các chuyên gia về phân tử nano, gồm giáo sư vật lý học Wei Chen (Đại học Texas tại Arlington) và các cộng sự từ Đại học Rhode Island và Đại học Brown, đã thử nghiệm dùng tia X-quang và các phân tử đồng-cysteamine (Cu-Cy) trên các khối u di căn và đạt kết quả khả quan.

Kích thước các khối u được giảm đáng kể đã hứa hẹn phát triển các phương án điều trị ung thư tập trung, hiệu quả hơn trong tương lai. Tế bào T cytolytic bao quanh có nhiệm vụ tiêu diệt tế bào ung thư (giữa). Ảnh: NIH

Nghiên cứu lần này đã tiếp nối thành quả của Chen phát triển các phân tử nano cảm quang sử dụng trong liệu pháp điều trị ung thư quang động học (photodynamic therapy). Trong đó, các gốc tự do có oxy (reactive oxygen species -ROS) sẽ được hoạt hóa để tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây tổn thương các tế bào khỏe mạnh xung quanh. ROS là sản phẩm phụ sinh ra trong quá trình trao đổi oxy, dù có khả năng diệt các chất độc toxin song nếu đạt tới mức độ nguy hiểm thì vẫn gây hại tới tế bào trong cơ thể.

Giáo sư Chen cho biết, các phân tử nano được sử dụng phổ biến trong liệu pháp động quang học chỉ có thể được kích hoạt bằng ánh sáng. Nhưng ánh sáng lại không thể thâm nhập sâu vào tế bào, khiến việc điều trị khối u hiện tại rất hạn chế. Cu-Cy, trong khi đó, lại là phân tử độc đáo với khả năng hoạt hóa được bằng phóng xạ, nhờ đó có thể tiếp cận sâu hơn tới vị trí của khối u trên khắp cơ thể.

Các thí nghiệm đã được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của các phân tử nano Cu-Cy đến kích thước khối u sau điều trị xạ trị. Dựa trên phân tích từ chuyên gia Jing Wu (ĐH Rhodes Island), các nhà khoa học tự tin khẳng định tiềm năng điều trị ung thư hiệu quả của phương pháp này.

Công trình nghiên cứu huy động công sức của 10 nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu khác nhau, tổng hợp kiến thức liên ngành từ vật lý, thống kê và y tế. Góp mặt trong nhóm nghiên cứu còn có nhà khoa học đạt giải Nobel Leon Cooper (ĐH Brown). Nghiên cứu được đăng tải trên PNAS (Proceedings of the National Academy of Sciences – tập san của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ).

Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ xem xét một số nhân tố quan trọng có ảnh hưởng đến hiệu quả liệu trình trong môi trường điều trị lâm sàng nhằm thực hiện hóa mục tiêu đưa các phân tử nano nghiên cứu được vào liệu trình điều trị rộng rãi trên bệnh nhân ung thư.

Nguồn: https://phys.org/news/2019-09-scientist-explores-nanoparticles-size-deep-seated.html