Các nhà khoa học Anh và Mỹ hợp tác cho ra đời công cụ phát hiện ung thư cực nhạy và đơn giản nhờ một hóa chất tác động lên màu nước tiểu ngay khi bệnh "mới chớm".

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Natotech của Imperal College London (thuộc Đại học London, Anh) và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã trình làng một công cụ không xâm lấn, dễ dàng, độ nhạy cao, có thể phát hiện ung thư ruột kết ngay từ giai đoạn đầu.

Công cụ xét nghiệm mới sẽ khiến nước tiểu đổi màu xanh lam xám nếu có - ảnh minh họa từ internet

Người cần xét nghiệm sẽ được tiêm các hạt nano mang hóa chất, vốn gây phản ứng đặc biệt với các enzyme do khối u tiết ra. Nếu người đó có bệnh ung thư ruột kết, nước tiểu của họ sẽ chuyển sang màu xanh lam sáng thay vì màu vàng thông thường.

"Khi các khối u phát triển và lan rộng, chúng thường tạo ra các tín hiệu sinh học được gọi là dấu ấn sinh học mà các bác sĩ lâm sàng sử dụng để phát hiện và theo dõi bệnh" – các nhà khoa học giải thích.

Các bước để thực hiện xét nghiệm cực kỳ đơn giản, không cần đến các dụng cụ đắt tiền và phức tạp các phòng thí nghiệm. Giáo sư Molly Stevens từ Imperal College London, một trong các thành viên đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết họ muốn phát triển nó thành một dạng xét nghiệm có thể thực hiện từ xa. Bệnh nhân chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, chụp hình nước tiểu của mình và gửi cho chuyên gia để có được nhận định ban đầu.

Một phương pháp đơn giản và không xâm lấn cũng giúp bệnh nhân tiết kiệm, có thể thực hiện thường xuyên hơn và bớt phải chịu sự đau đớn, nguy cơ nhiễm trùng như các phương pháp xâm lấn cũ.

Công trình trên rất có ý nghĩa bởi ung thư ruột kết, còn gọi là ung thư đại tràng là dạng ung thư phổ biến và cũng thuộc loại dễ gây chết người nếu phát hiện trễ. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ung thư ruột, bao gồm ung thư ruột kết và ung thư trực tràng là nhóm ung thư phổ biến hàng thứ tư và cũng gây chết người hàng thứ tư tại đất nước này.