Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang càn quét khắp châu Á, và các nhà nghiên cứu lo ngại rằng Delta sẽ lan đến những vùng nông thôn vốn chưa bị ảnh hưởng bởi các đợt dịch trước đây và ít có khả năng thực hiện xét nghiệm, chăm sóc sức khỏe và tiêm vaccine.

“Nếu các biến thể đáng lo ngại, cụ thể là Delta, lây nhiễm đến các khu vực xa xôi, đó sẽ là thách thức cho hệ thống chăm sóc sức khỏe," Cynthia Saloma, nhà sinh học phân tử tại Đại học Philippines Diliman, Thành phố Quezon, người đứng đầu Trung tâm bộ gen Phillipines, nói. Saloma cho biết, đến nay mới chỉ có một số trường hợp mắc biến thể Delta được phát hiện ở Philippines, nhưng quốc gia này đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất.

Nghiên cứu từ Ấn Độ hiện chỉ ra, trong làn sóng COVID thứ hai ở nước này hồi đầu năm nay, virus đã lây lan rộng hơn rất nhiều so với làn sóng đầu tiên vào năm 2020, vượt ra ngoài phạm vi đô thị. Nguyên nhân phần lớn là do biến thể Delta, được các nhà khoa học ở Ấn Độ phát hiện vào tháng 12/2020.

“Biến thể này dễ lây lan hơn nhiều, khiến hệ thống y tế bị quá tải và không còn thời gian để chuẩn bị. Làn sóng thứ hai đã hoàn toàn tàn phá vùng nông thôn Ấn Độ," Ramanan Laxminarayan, nhà dịch tễ học tại Đại học Princeton, New Jersey, đang làm việc tại New Delhi, cho biết.

Các nhân viên y tế của chính phủ khiêng quan tài đến một nghĩa trang ở Jakarta, Indonesia.

Sự hoành hành của biến thể Delta

Từ Indonesia và Malaysia đến Thái Lan và Bangladesh, các quốc gia trên khắp châu Á đã phát hiện Delta trong cộng đồng và nhiều quốc gia đang trải qua đợt bùng phát lớn nhất từng thấy. Tại Indonesia, nơi có 50.000 trường hợp được xác nhận mỗi ngày vào giữa tháng 7, số ca tử vong hằng ngày hiện đã vượt qua 1.700.

Các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ chỉ mới bắt đầu ước tính được quy mô đầy đủ của làn sóng thứ hai ở nước mình: số ca nhiễm mỗi ngày đạt mức cao nhất là 391.000 ca vào đầu tháng 5 - dữ liệu của Ấn Độ là thông tin rất quan trọng để các quốc gia láng giềng hiểu được nguy cơ từ biến thể Delta.

Trong một cuộc khảo sát trên toàn Ấn Độ trên khoảng 28.000 người vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua, các nhà nghiên cứu phát hiện, 68% số người tham gia có kháng thể SARS-CoV-2 trong máu (những người này đều chưa được tiêm chủng và do đó có kháng thể do đã từng nhiễm bệnh). Tỷ lệ này tăng hơn hẳn so với mức 21% số người tham gia khảo sát có kháng thể, được ghi nhận trong một cuộc khảo sát tương tự từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2021, trước khi có làn sóng thứ hai.

Ngoài ra, cuộc khảo sát trước đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở khu vực thành thị cao hơn, nhưng khảo sát mới cho thấy không có khác biệt lớn về tỷ lệ mắc bệnh giữa khu vực thành thị và nông thôn (65% dân số Ấn Độ sống ở các vùng nông thôn). Kết quả này cho thấy, COVID “hiện đã xâm nhập rất mạnh ở các vùng nông thôn”, Manoj Murhekar, giám đốc Viện Dịch tễ học Quốc gia Ấn Độ ở Chennai, đồng dẫn đầu cuộc khảo sát hồi tháng 6, cho biết.

Số người chết ở Ấn Độ rất lớn và có lẽ cao hơn nhiều so với con số ghi nhận chính thức. Các nghiên cứu về tỷ lệ tử vong dư ra (đối chiếu tỷ lệ tử vong trong bối cảnh đại dịch với tỷ lệ tử vong thông thường trong các năm khác) cho thấy số người đã chết ở Ấn Độ kể từ khi đại dịch bắt đầu có thể lên đến 4,9 triệu - cao hơn nhiều so với con số 425.000 ca tử vong do COVID-19 chính thức được ghi nhận. Các nhà nghiên cứu cho biết một nửa số ca tử vong này có thể đã xảy ra chỉ trong ba tháng của làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Theo Laxminarayan, “Ấn Độ chắc chắn đã có những sai sót trong việc báo cáo tử vong do COVID-19, vấn đề này hiện đã được công nhận rộng rãi, và phần lớn những trường hợp tử vong không được ghi nhận là ở nông thôn."

Các nhân viên y tế tiêm vaccine COVID ở nông thôn Ấn Độ.

Các nhà nghiên cứu lo ngại, một kịch bản tương tự có thể nhấn chìm nhiều quốc gia có thu nhập thấp ở châu Á và các khu vực khác, chẳng hạn như châu Phi - phần lớn dân số nông thôn ở những quốc gia này chưa được tiêm chủng và không tiếp cận được hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Ở Bangladesh, các trường hợp nhiễm biến thể Delta đầu tiên được xác định ở những du khách Ấn Độ đến Dhaka và các huyện nông thôn phía tâyDhakavào cuối tháng 4. Kể từ đó, biến thể Delta đã lây nhiễm nhanh hơn hẳn các biến thể khác. Senjuti Saha, nhà di truyền học phân tử tại Quỹ Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em ở Dhaka, cho biết: “Khi Delta bắt đầu lây nhiễm, gần như các biến thể khác bị thế chỗ".

Số ca nhiễm hằng ngày ở Bangladesh hiện đã đạt mức trung bình khoảng 14.000 ca, với số ca tử vong hằng ngày cao hơn 230. “Con số này rất đáng lo ngại,” Saha nói.

Điều đáng ngạc nhiên nhất đối với cô là tình trạng bùng phát hiện nay ở các vùng nông thôn. “Nhóm dân số hoàn toàn mới này đang bị ảnh hưởng, trong khi bằng một lý do nào đó họ chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong suốt thời gian qua,” cô nói.

Saha cho biết các đợt bùng phát trước đây ở Bangladesh phần lớn chỉ giới hạn ở các thành phố lớn như Dhaka và Chittagong, mặc dù mọi người vẫn thường xuyên di chuyển từ các thành phố về các vùng nông thôn. Có thể là do mật độ dân số ở nông thôn thấp hơn, và lối sống ngoài trời ở nông thôn, Saha suy đoán. Nhưng trong đợt dịch mới nhất này, các vùng nông thôn cũng bị biến thể Delta lây nhiễm.

Theo Saha, xu hướng lây nhiễm ở nông thông sẽ làm cho Bangladesh khó kiểm soát đại dịch, vì ở nước này, các cơ sở xét nghiệm và chăm sóc sức khỏe tập trung ở các thành phố lớn.

Tại Indonesia, nơi cũng đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai, các nhà nghiên cứu có mối lo tương tự rằng COVID-19 sẽ lây lan đến các vùng xa xôi của đất nước.

Henry Surendra, nhà dịch tễ học tại Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Eijkman – Oxford ở Jakarta, lo ngại về nguy cơ tử vong ở trẻ em ở các vùng nông thôn của Indonesia. Trong một nghiên cứu năm ngoái, Surendra phát hiện, khoảng 10% trẻ nhỏ nhập viện vì COVID-19 ở Jakarta đã chết vì căn bệnh này. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, tỷ lệ tử vong ở trẻ em nông thôn vốn đã cao hơn vì suy dinh dưỡng và các bệnh như sốt rét và lao; khi đã mắc các vấn đề sức khỏe khác, nguy cơ tử vong do COVID-19 sẽ cao hơn.

Bình ôxy cho bệnh nhân COVID-19 được nạp lại tại một nhà máy ở Dhaka, Bangladesh.

Khả năng giải trình tự hạn chế và khoảng trống vaccine

Delta đã được phát hiện ở hầu hết các tỉnh ở Indonesia và hiện chiếm khoảng 80% tổng số mẫu virus được giải trình tự. Tuy nhiên, với khả năng giải trình tự gen hạn chế - đặc biệt là ở các vùng nông thôn - các nhà khoa học rất khó theo dõi sự lây lan của biến thể này, Safarina Malik, nhà sinh học phân tử tại Viện Sinh học phân tử Eijkman, Jakarta, cho biết.

Phần lớn trong số 3.900 mẫu virus được giải trình tự đầy đủ của Indonesia (mới chỉ bằng một phần rất nhỏ trong số các ca nhiễm) đến từ Jakarta và Java; các tỉnh phía đông bắc như Maluku Utara và Papua Barat mỗi tỉnh chỉ có 1 mẫu virus được giải trình tự. Malik cho biết việc gửi các mẫu tới Java để giải trình tự có thể rất phức tạp, vì các hãng hàng không đôi khi từ chối vận chuyển virus sống.

Khả năng giải trình tự ở một số quốc gia khác thậm chí còn hạn chế hơn. Ví dụ, ở Bangladesh, mới có khoảng 2.000 mẫu virus đã được giải trình tự. Và Delta chiếm 89% trong số 203 mẫu được thu thập kể từ tháng 6, theo Marufur Rahman, nhà sinh học phân tử và bác sĩ tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Y tế ở Dhaka. Rahman cho biết thêm, Bangladesh đã phát hiện biến thể Delta ở 43 trong số 64 quận, nhưng trên thực tế biến thể này có thể đã lây nhiễm rộng hơn, vì nhiều quận không thu thập được mẫu virus.

Các nhà nghiên cứu nhận định, biến thể Delta không phải là lý do duy nhất khiến đại dịch lây lan ra ngoài các đô thị. Djaafara cho rằng những hạn chế đi lại nghiêm ngặt ở Indonesia trong tháng lễ Ramadan và lễ Eid năm ngoái đã giúp ngăn không cho COVID-19 lây lan đến các vùng nông thôn. Nhưng số ca nhiễm năm nay tăng cao, trong khi chính phủ lại nới lỏng hạn chế di chuyển trong kỳ nghỉ lễ Eid vào tháng 7 vừa qua, Djaafara nói.

Ở Bangladesh cũng vậy, năm nay một số lượng lớn người đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ Eid, bất chấp những hạn chế đi lại, Rahman nói.

Theo Laxminarayan, sự hoành hành của biến thể Delta ở Ấn Độ và các quốc gia châu Á làm nổi bật vai trò quan trọng của tiêm chủng trong việc ngăn chặn đại dịch: “Delta cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương của các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp."

Ở Bangladesh, gần 6% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Ở Philippines, con số đó là 11%. Indonesia đã tiêm phòng khoảng 17% dân số, chủ yếu ở các đảo Java và Bali, và việc tiêm chủng cho người dân sống trên hàng nghìn hòn đảo nhỏ hơn ở quốc gia này sẽ rất khó khăn về mặt hậu cần, các nhà nghiên cứu cho biết.

Malaysia, nơi có hơn 16.000 ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày, có vị thế tốt hơn một chút. Theo Yoke-Fun Chan, nhà virus học tại Đại học Malaya ở Kuala Lumpur, nước này đang “tích cực tiêm chủng”: cho đến nay, 45% dân số được tiêm ít nhất một mũi. “Thay vì tìm kiếm virus, chúng tôi đang tìm kiếm các giải pháp để ngăn chặn nó," Chan nói.

Nguồn: