Trong những ngày qua, bộ film tiểu sử Oppenheimer về nhà khoa học được mệnh danh là “cha đẻ của bom nguyên tử” đã khuấy đảo các rạp chiếu. Qua bộ film, chúng ta thấy được quá trình quả bom nguyên tử ra đời cùng những con người đã góp phần vào đó.

Song, thành quả này không chỉ thuộc về những người đàn ông đã xuất hiện trên màn ảnh, mà còn cả những người phụ nữ không được nhắc tên đã đảm đương vai trò quan trọng trong Dự án lịch sử này.

Ngô Kiện Hùng

Ngô Kiện Hùng là một nhân vật tiên phong và then chốt trong lịch sử vật lý. Bà đã có những đóng góp quan trọng cho ngành vật lý hạt, song lại bị ủy ban giải thưởng Nobel bỏ qua khi trao giải Nobel Vật lý năm 1957.

Bà sinh ngày 31/5/1912, lớn lên tại Thượng Hải, Trung Quốc. Năm 1934, bà là thủ khoa ngành Vật lý tại Đại học (ĐH) Trung ương Quốc gia ở Nam Kinh. Sau đó, bà làm việc trong phòng thí nghiệm vật lý ở Trung Quốc.

Nhờ người chú hỗ trợ tài chính, năm 1936, bà nhập học tại ĐH California Berkeley, dưới sự hướng dẫn của Ernest Lawrence, người sau này đoạt giải Nobel Vật lý với phát minh máy gia tốc hạt cyclotron vào năm 1939. Năm 1940, Ngô Kiện Hùng lấy được bằng Tiến sĩ vật lý.

Tiến sĩ Ngô Kiện Hùng.
Tiến sĩ Ngô Kiện Hùng.

Năm 1942, bà dạy vật lý tại ĐH Smith ở Northampton, Massachusetts và ĐH Princeton ở New Jersey. Bà là người phụ nữ đầu tiên được thuê làm giảng viên tại Khoa Vật lý ở Princeton. Hai năm sau, bà công tác tại ĐH Columbia ở thành phố New York và tham gia Dự án Manhattan. Tại đây, bà cải tiến bộ đếm Geiger để phát hiện bức xạ và làm giàu uranium với số lượng lớn.

Sau Thế chiến II, bà tiếp tục giảng dạy tại ĐH Columbia, trở thành giáo sư chính thức vào năm 1958 và giáo sư Vật lý Michael I. Pupin vào năm 1973. Một trong những đóng góp quan trọng với vật lý của bà là khẳng định đầu tiên đối với lý thuyết phân rã beta năm 1933 của Enrico Fermi (làm sao để các nguyên tử phóng xạ trở nên ổn định hơn và bớt phóng xạ).

Năm 1956, các nhà vật lý Lý Chính Đạo (ĐH Columbia) và Dương ChấnNinh (Viện Nghiên cứu Cao cấp tại Princeton) đã đề nghị TS. Ngô Kiện Hùng làm một thí nghiệm để kiểm tra lý thuyết của họ. Lý thuyết đó là việc bảo toàn tính chẵn lẻ không áp dụng được trong quá trình phân rã beta. TS. Kiện Hùng đã thực hiện thành công thí nghiệm này và nó được đặt theo tên bà. Tuy nhiên, vào năm 1957, hai nhà vật lý nhờ bà thí nghiệm đã được trao giải Nobel Vật lý cho công trình của họ, còn đóng góp của Ngô Kiện Hùng không hề được ghi nhận.

Không chỉ là nhà tiên phong trong lĩnh vực vật lý, bà còn chuyển hướng sang sinh học và y học. Bà đã nghiên cứu những thay đổi phân tử trong tế bào hồng cầu gây ra bệnh hồng cầu hình liềm. Tuy không được nhận giải Nobel, TS. Kiện Hùng đã nhận được nhiều vinh dự trong sự nghiệp của mình: bà là người phụ nữ thứ bảy được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (1958); nhận giải Comstock về Vật lý do Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia trao tặng; người phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ (1975); người đầu tiên nhận giải Wolf về Vật lý (1978); và bằng Tiến sĩ danh dự đầu tiên do ĐH Princeton trao cho một phụ nữ. Năm 1990, tên bà được đặt cho một tiểu hành tinh (2752 Wu Chien-Shiung).

Ngô Kiện Hùng qua đời ngày 16/2/1997, tro cốt của bà được chôn trong sân Trường Mingde ở Trung Quốc, nơi bà theo học thời thiếu nữ.

Leona Woods Marshall Libby

Leona Woods Marshall Libby là người trẻ nhất và là thành viên nữ duy nhất của nhóm nghiên cứu đã xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên trên thế giới Chicago Pile-1 (CP-1).

Leona Woods sinh ngày 9/8/1919 tại Illinois. Từ bé bà đã là một học sinh xuất sắc, mười bốn tuổi tốt nghiệp cấp ba, mười tám tuổi lấy bằng cử nhân tại ĐH Chicago. Bà tiếp tục học lên cao ở ngôi trường này và trở thành Tiến sĩ hóa học năm 1943. Nhờ giỏi sử dụng công nghệ chân không, bà được Enrico Fermi để mắt và tuyển dụng vào Dự án Manhattan.

TS. Woods đã làm ra bộ đếm boron triflorua. Thiết bị này phát hiện hoạt động của neutron và được sử dụng trong thí nghiệm CP-1 để xác định xem than chì và oxit urani được làm giàu cùng kim loại có thể tạo ra phản ứng phân hạch hạt nhân hay không. Nhờ thí nghiệm này, TS. Woods và Fermi đã hoàn thành được bước thứ nhất trong việc phát triển vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới.

Leona Woods Marshall Libby.
Leona Woods Marshall Libby.

Năm 1943, ngay sau bước đột phát, bà kết hôn với người chồng đầu tiên và nhanh chóng mang thai. Lo sợ các nhà quản lý sẽ không cho phép mình làm việc tại hiện trường, bà đã che giấu bằng cách mặc những bộ đồ rộng thùng thình và nhét đồ ở trong. Tại châu Âu, các nữ chuyên gia vật lý và hóa học đã đóng góp công sức trong nghiên cứu năng lượng hạt nhân thời kỳ đầu, và điều này cũng diễn ra tại các địa điểm thuộc Dự án Manhattan. Tuy nhiên, cơ hội thăng tiến của họ vô cùng hạn chế so với các đồng nghiệp nam. Gia đình bà sau đó chuyển tới Hanford, tại đây họ cùng các nhà khoa học khác luân phiên giám sát lò phản ứng B. Khi lò phản ứng ngừng hoạt động và mất điện vào năm 1944, TS. Woods và John Wheeler đã chẩn sự cố xảy ra là vì nhiễm độc xenon do sự hiện diện của xenon-135. Sau khi chẩn đoán, các nhà khoa học nơi đây đã bổ sung thêm các ống, giúp lò phản ứng có không gian để vượt qua chất độc. Điều này hết sức quan trọng vì đây là nơi sản xuất ra plutoniumđược dùng trong “Thử nghiệm Trinity” vào tháng 7/1945 và kích nổ quả bom “Fat Man” thả xuống Nagasaki, Nhật Bản vào tháng Tám cùng năm.

Sau chiến tranh, bà kết hôn lần hai, về làm giảng viên và nghiên cứu tại nhiều trường và phòng thí nghiệm. Năm 1973, bà cùng chồng đến ĐH California ở Los Angeles (UCLA), nơi ông là giáo sư hóa học. Thời đó, các nữ học giả đã kết hôn không được trọng dụng. Bà không được vào biên chế của trường UCLA, cũng không có nhiều danh tiếng. Bà dần quan tâm tới khoa học và kỹ thuật môi trường, thành quả của việc chuyển hướng nghiên cứu này là vô vàn bài báo cũng như nhiều giải thưởng. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1986 về Dự án Manhattan, khi được hỏi là liệu bà có tin rằng việc thả quả bom hạt nhân thứ hai xuống Nhật Bản là cần thiết hay không, bà đã trả lời: “Tôi không hối tiếc. Đó là thời kỳ tuyệt vọng trong chiến tranh. Tôi nghĩ chúng tôi đã làm đúng và không thể khác được”. Bà qua đời vào tháng 11/1986.

Liane Russell
Liane Brauch sinh ra ở Vienna, Áo vào năm 1923. Gia đình bà chạy trốn sang Anh vào năm 1938 khi Đức Quốc xã xâm chiếm quê hương. Ngay sau đó họ di cư tới Mỹ. Ban đầu Liane học viết văn tại ĐH Hunter ở New York, nhưng rồi chuyển sang hóa học vào năm 1943, sau khi làm trợ lý nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Jackson ở Bar Harbor, Maine. Liane lấy bằng cử nhân Hóa học vào năm 1945 tại ngôi trường này và bằng Tiến sĩ Động vật học tại Đại học Chicago năm 1949.

Năm 1947, bà cùng chồng là William Russell chuyển đến Oak Ridge, Tennessee. Tại đây, bà bắt đầu làm việc tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge và Y-12, nghiên cứu tình trạng quái thai, tổn hại phôi đang phát triển trên chuột. Phát hiện của bà đã dẫn tới những quy định liên quan tới phụ nữ mang thai.

Liane Russell.
Liane Russell.

Về sau, hai vợ chồng bà trở thành người bảo tồn môi trường. Năm 1966, bà thành lập tổ chức bảo tồn Tennessee Citizens for Wilderness Planning. Năm 1968, tổ chức này đã giúp thông qua Đạo luật Danh lam thắng cảnh sông Tennessee, giúp bảo vệ sông Cumberland gần đó.

TS. Liane Russell nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cho nghiên cứu đột phá của mình, gồm Giải thưởng Enrico Fermi năm 1994, vinh dự nghiên cứu cao nhất của Bộ Năng lượng. Bà qua đời ngày 20/7/2019.

Katherine (Kitty) Oppenheimer

Katherine Puening sinh ngày 8/8/1910 tại Recklinghausen, Đức. Khi bà hai tuổi, gia đình bà chuyển đến Mỹ. Tại đây, Katherine theo học ngành thực vật học và tốt nghiệp cử nhân tại ĐH Pennsylvania. Bà hoạt động chính trị sôi nổi, và trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản, như nhiều sinh viên thời đó. Vào tháng 11/1940, bà kết hôn với ông Robert Oppenheimer.

Katherine (Kitty) Oppenheimer.
Katherine (Kitty) Oppenheimer.

Hai năm sau, chồng bà trở thành giám đốc phòng thí nghiệm bí mật Los Alamos của Dự án Manhattan. Bà tạm dừng học lên cao và tới làm việc trong phòng thí nghiệm của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ tại ĐH California, Berkeley cho tới khi gia đình chuyển tới Los Alamos, New Mexico cùng các nhà khoa học. Tại đây, bà làm việc một năm dưới quyền TS. Louis Hempelmann, đảm nhiệm vị trí kỹ thuật viên, tiến hành xét nghiệm máu để xác định tác động của bức xạ đối với sức khỏe con người. Bà qua đời ngày 27/10/1972.

Lilli Hornig

Cũng giống như cảnh ngộ của nhiều nhà khoa học khác trong Dự án Manhattan, Lilli Schwenk đã rời bỏ quê hương để trốn chính quyền áp bức. Bà sinh ra tại Séc và tới Hoa Kỳ cùng gia đình năm 12 tuổi. Tại đây, bà lấy bằng Cử nhân hóa học ở ĐH Bryn Mawr.

Lilli Hornig.
Lilli Hornig.

Bà kết hôn cùng Donald Hornig, cũng là một nhà hóa học. Chồng bà được George Kistiakowsky tuyển vào làm tại phòng thí nghiệm bí mật ở Los Alamos. Lilli bắt đầu làm việc với plutonium, xác định khả năng hòa tan của nhiều loại muối plutonium khác nhau. Khi người ta phát hiện một đồng vị của plutonium có tính phóng xạ cao và nguy hiểm với phụ nữ mang thai, bà cùng các đồng nghiệp nữ được thuyên chuyển sang các dự án khác. Lilli là một trong số nhiều nhà khoa học ở Los Alamos đã ký vào bản kiến ​​nghị thả quả bom nguyên tử ở một địa điểm không người chứ không phải thành phố đông thường dân.

Sau chiến tranh, bà giảng dạy tại ĐH Brown và lấy bằng Tiến sĩ tại Harvard. Bà lên làm chủ nhiệm khoa Hóa tại Trường Trinity và là người ủng hộ quyết liệt cho phụ nữ trong giới học thuật. Bà cũng tham gia một số tổ chức và ủy ban về bình đẳng cơ hội. Bà qua đời ngày 17/11/2017.

Floy Agnes Lee

Floy Agnes Lee sinh ra vào năm 1922 ở Albuquerque, bà lớn lên học tập tại đây. Năm 1945, bà lấy bằng Sinh học tại ĐH New Mexico. Nghiên cứu của bà trong phòng thí nghiệm sinh học đã giúp bà được tuyển vào phòng thí nghiệm huyết học cho Dự án Manhattan vào năm 1945. Nhiệm vụ của bà là thu thập và kiểm tra các mẫu máu lấy từ một số nhà khoa học cụ thể trong dự án, bao gồm Louis Slotin và Alvin Graves, sau vụ tai nạn khiến ông Slotin nhiễm một liều phóng xạ gây tử vong.

Floy Agnes Lee.
Floy Agnes Lee.

Sau chiến tranh, Lee đăng ký chương trình Tiến sĩ sinh học tại Đại học Chicago. Mười bốn năm sau bà mới lấy bằng và công tác tại một số phòng thí nghiệm, trước khi trở lại làm việc tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos cho tới khi nghỉ hưu. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã tiến hành nghiên cứu về tác động của bức xạ lên nhiễm sắc thể. Floy Agnes Lee qua đời năm 2018 ở tuổi 95.

Những cô gái Calutron

Trong Dự án Manhattan, có khoảng 10.000 phụ nữ vận hành thiết bị tại Nhà máy tách đồng vị điện từ Y-12 ở Oak Ridge. Những người này được gọi là Các cô gái Calutron, họ không hề biết gì về việc mình đang làm, những ai quá tò mò thường sẽ bị cho nghỉ việc ngay lập tức.

Các cô gái Calutron tách uranium tại Y-12 ở Oak Ridge. Nguồn: Bộ năng lượng Hoa Kỳ
Các cô gái Calutron tách uranium tại Y-12 ở Oak Ridge. Nguồn: Bộ năng lượng Hoa Kỳ

Các cô gái Calutron bắt đầu tách uranium 235 nhẹ hơn khỏi uranium 238 nặng hơn và phổ biến hơn. Trong hai năm 1944 - 1945, họ đã vận hành 1.152 máy calutron, tạo ra 63.504 kg uranium 235. Số sản phẩm này đã trở thành nhiên liệu cho Little Boy, quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, Nhật Bản vào ngày 6/8/1945. Tới tận hôm đó, họ mới được thông báo về thứ mà mình cần mẫn thực hiện là gì.