Sau khi tham dự bài giảng về các khối u trên trẻ em châu Phi, nhà bệnh học người Anh Anthony Epstein đã bắt đầu nhiều năm tìm tòi và phát hiện ra virus Epstein-Barr, mở ra nghiên cứu về mối liên hệ của virus này với bệnh ung thư cùng nhiều căn bệnh mãn tính khác.

Nhà bệnh học Anthony Epstein (1921-2024).
Nhà bệnh học Anthony Epstein (1921-2024).

Virus Epstein-Barr

Epstein-Barr là một loại virus được cho là tồn tại ở hơn 90% dân số. Nó âm thầm lây qua đường nước bọt và các chất dịch cơ thể khác, thường người bệnh sẽ mắc phải nó từ hồi còn nhỏ. Con virus này sẽ yên vị tại cổ họng và các tế bào máu, có thể bùng phát dưới dạng bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn hoặc một cơn hôn mê, hay chẳng hề có triệu chứng nào xuất hiện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus gây chết người bằng cách nhân lên nhanh chóng trong tế bào chủ.

Các nhà khoa học nhất trí rằng virus Epstein-Barr tăng mạnh có liên quan tới một số căn bệnh ung thư dạ dày, hệ thống mũi và máu. Nhưng họ chưa rõ được mức độ virus này tạo điều kiện gây ra các căn bệnh ung thư khác, những chứng viêm nghiêm trọng như viêm màng não do virus cùng một loạt các bệnh tự miễn như viêm khớp.

Virus Epstein-Barr phổ biến tới nỗi các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong việc chứng minh mối quan hệ nhân quả trực tiếp. Nhưng loại virus này có thể phát triển và duy trì trong phòng thí nghiệm. Công lao này thuộc về nhà bệnh học Anthony Epstein. Nhờ thế, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về bệnh ung thư bằng cách quan sát virus này ảnh hưởng thế nào tới các tế bào và mô khỏe mạnh.

Những điều ngẫu nhiên

Nhiều thập kỷ trước, công việc nghiên cứu virus của tiến sĩ Epstein đã tình cờ bắt đầu. Năm 1961, ông nghe nói về một bài giảng tại Trường Y Bệnh viện Middlesex ở London của bác sĩ Denis Burkitt. Lúc đó, Burkitt sống tại Uganda và nghiên cứu khối u bí ẩn xuất hiện trên một số đứa trẻ nơi đây, thường ở hàm của chúng (sau đó căn bệnh này được gọi là ung thư hạch Burkitt). Vào thời điểm ấy, tiến sĩ Epstein đang nghiên cứu mối liên hệ giữa virus và bệnh tật ở chim cùng các loài động vật khác.Vì thế, ông quyết định tới nghe xem Burkitt sẽ nói gì. Ông ngồi ở cuối phòng, sẵn sàng đánh bài chuồn nếu thấy không thú vị. Ngờ đâu, những mô tả của Burkitt về khối u và sự xuất hiện của nó liên quan chặt chẽ thế nào tới khí hậu cùng những yếu tố khác đã thu hút Epstein. Ông ngay lập tức nghi ngờ rằng căn bệnh này có thể liên quan tới virus, có lẽ liên kết với một căn bệnh nhiệt đới khác như sốt rét. Những điều Burkitt phát hiện được tương tự với nghiên cứu ông đang tiến hành.

Đây là khởi điểm hợp tác giữa hai người. Tiến sĩ Epstein nhờ Burkitt gửi cho mình mô khối u từ những đứa trẻ ông từng điều trị ở Uganda. Trong nhiều năm liền, Epstein liên tục thất bại trong việc phát triển các mảnh khối u trong phòng thí nghiệm và tách virus. Thế rồi, vào tháng 12/1963, một mẫu vật trên chuyến bay của Tập đoàn hàng không hải ngoại của Anh tới London đã phải chuyển hướng tới Manchester do sương mù. Tới lúc mẫu u tới được tay tiến sĩ Epstein nhiều ngày sau đó, chuyến hàng này dường như đã vô dụng. Bao quanh mẫu vật là một chất lỏng đục được cho là vi khuẩn. Nhưng hóa ra, đó lại là hỗn hợp gồm các tế bào ung thư hạch trôi nổi tự do bong ra từ khối u. Thay vì vứt nó đi và nhờ Burkitt chuyển tới mẫu khác, tiến sĩ Epstein quyết định thử nuôi cấy những tế bào này trong môi trường nuôi cấy.

Cùng với nghiên cứu sinh Yvonne Barr, ông quan sát môi trường nuôi cấy tế bào dưới kính hiển vi điện tử, một công cụ mạnh mẽ gần đó mớixuất hiện trong phòng thí nghiệm của ông. Nhờ thế, những tế bào mới hé lộ bí mật: các hạt virus xuất hiện rõ ràng. Hình ảnh đầu tiên cho thấy trông nó giống như một loại trong họ virus herpes. Hóa ra đây là một thành viên mà trước đây chưa biết của họ virus này, và nó được đặt tên là virus Epstein-Barr.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC vào năm 2014, tiến sĩ Epstein hồi tưởng lại nỗi xúc động khi nhận ra mình đã tình cờ tìm ra một virus mới và mối liên hệ rõ rệt của nó với bệnh ung thư ở người. Để bình tĩnh lại, ông đã đi bộ một lúc lâu trong tuyết trước khi quay về kiểm tra lần nữa phát hiện này.

Năm 1964, tiến sĩ Epstein, Barr cùng trợ lý nghiên cứu Bert Achong cùng đăng bài báo trên tạp chí y học Anh Lancet, cho thấy bằng chứng đầu tiên về một virus ẩn trong khối u ở người. Phát hiện này vấp phải sự hoài nghi của cộng đồng khoa học, dù họ tiếp tục chứng minh rằng loại virus này gây ra khối u ở khỉ.

Nhờ các mẫu mà Epstein cung cấp, năm 1970 Werner và Gertrude Henle tại bệnh viện nhi ở Philadelphia đã phát hiện ra virus Epstein-Barr cũng gây ra sốt viêm tuyến bạch cầu. Nhờ thế mà các nhà khoa học thiết kế ra xét nghiệm tìm kháng thể của virus này để xác nhận chẩn đoán. Virus này hóa ra khá phổ biến, lây nhiễm cho hầu hết trẻ em trong giai đoạn đầu đời, mặc dù nó thường chỉ gây sốt tuyến ở thanh thiếu niên. Ngoài là tác nhân gây bệnh ung thư hạch Burkitt ở các khu vực tại châu Phi và Papua New Guinea, nó còn liên quan tới ung thư mũi - họng, loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới sống tại miền Nam Trung Quốc, cũng như các căn bệnh ung thư ở người có hệ miễn dịch bị tổn hại, chẳng hạn như người bị nhiễm HIV.

Nhiều nghiên cứu gần đây hơn cho thấy virus này cũng có thể liên quan tới một số trường hợp mắc bệnh đa xơ cứng, và những người trước đây từng bị sốt tuyến sẽ dễ mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng hơn.

Sau phát hiện, Epstein và nhiều nhà khoa học khác đã nỗ lực tìm hiểu xem trong trường hợp nào thì virus này sẽ gây ung thư. Mối quan hệ giữa virus, các bệnh khác, di truyền ở người và ung thư rất phức tạp, phải mất hàng thập kỷ thì cộng đồng y tế mới có thể tin rằng virus Epstein-Barr là nguyên nhân gây bệnh. Mãi tới năm 1997, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế mới xếp nó vào chất gây ung thư thuộc nhóm 1, chính thức thừa nhận vai trò của nó trong nhiều loại bệnh ung thư.

Việc phát hiện ra virus Epstein-Barr đã mở ra một lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới về virus gây ung thư. Điều này cũng nêu ra khả năng ngăn ngừa ung thư nhờ tiêm chủng, một tiến bộ hiện chúng ta đã đạt được trong trường hợp virus u nhú ở người, gây ung thư cổ tử cung và virus viêm gan B, gây ung thư gan. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa phát triển được vaccine cho virus Epstein-Barr. Đây là nỗi thất vọng suốt đời của tiến sĩ Epstein.

Michael Anthony Epstein sinh ra ở London vào ngày 18/5/1921. Ông học tại Trường Trinity thuộc Đại học Cambridge và Trường Y Bệnh viện Middlesex.

Sau khi phục vụ trong Quân y Hoàng gia hậu Thế chiến II, ông trở lại Bệnh viện Middlesex với vai trò trợ lý bệnh lý học. Nghiên cứu ban đầu của ông là tìm hiểu Rous sarcoma retrovirus, một loại virus gây ung thư lần đầu tiên được quan sát thấy ở loài chim.

Tiến sĩ Epstein là giáo sư bệnh lý học tại Đại học Bristol từ năm 1968 đến năm 1985, sau đó ông công tác tại Trường Wolfson thuộc Đại học Oxford cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2001. Tiến sĩ Epstein được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ vào năm 1991.

Ông qua đời tại nhà riêng ở London vào ngày 6/2/2024, thọ 103 tuổi.

Nguồn: washingtonpost.com, theguardian.com