Từng là nơi đóng tàu chiến, Xưởng Hải quân giờ đây đã chuyển mình thành một địa điểm lý tưởng để các startup có thể thử nghiệm những giải pháp bảo vệ môi trường của mình.


TS. Brendan Hermalyn - người sáng lập và cũng là giám đốc điều hành của Thalo Labs - đứng bên cạnh bộ lọc lắp đặt trên mái nhà của mình. Ảnh: Hiroko Masuike/New York Times
TS. Brendan Hermalyn - người sáng lập và cũng là giám đốc điều hành của Thalo Labs - đứng bên cạnh bộ lọc lắp đặt trên mái nhà của mình. Ảnh: Hiroko Masuike/New York Times

Vào năm 2021, Brendan Hermalyn quyết định thành lập startup Thalo Labs để hiện thực hóa mong muốn mà mình hằng ấp ủ: giảm lượng khí thải carbon từ các tòa nhà. Anh chế tạo một bộ lọc đặc biệt có thể thu giữ khí nhà kính và chuyển đổi chúng thành vật liệu dạng bột có thể tái chế. Nhưng khi anh bày tỏ mong muốn thử nghiệm hệ thống thu giữ carbon của công ty mình ở thành phố New York, một số chủ sở hữu các tòa nhà đã bày tỏ nỗi e ngại về tính khả thi của bộ lọc.

“Chẳng khác gì câu hỏi về con gà và quả trứng”, TS. Hermalyn, người sáng lập và cũng là giám đốc điều hành của Thalo Labs, cho biết. “Ai cũng muốn là người đầu tiên - nhưng phải là sau khi đã có người khác thử nghiệm nó”.

Vì vậy, anh đã đến Xưởng hải quân Brooklyn, trước đây là một xưởng đóng tàu hải quân và giờ đã trở thành khu liên hợp sản xuất rộng lớn trên một vịnh ngoài khơi sông Đông (New York), để chứng minh những gì công nghệ của anh có thể làm được. Ở đó, Thalo Labs đã thiết lập một bộ lọc - có kích thước bằng bốt điện thoại - trên mái nhà. Bộ lọc hút khí thải từ ống khói gần đó và tiến hành chuyển đổi dưới sự quan sát của Hermalyn.

Thaco Labs không phải là startup duy nhất hoạt động tại xưởng. Xưởng hải quân Brooklyn - do Yard Labs điều hành - quy tụ các công ty công nghệ xanh đến để thử nghiệm các ý tưởng và sản phẩm của họ dưới sự kiểm soát của thành phố. Đằng sau cánh cổng của khu phức hợp rộng 300 mẫu Anh là 60 tòa nhà công nghiệp, mạng lưới đường đi, siêu thị Wegmans và nhà máy điện.

“Họ cần đánh giá hiệu suất của dự án, họ cần một nơi để thử nghiệm và tìm ra lỗi hòng sửa chữa”, Lindsay Greene, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Tổ chức Phát triển Xưởng Hải quân Brooklyn, một tổ chức phi lợi nhuận quản lý khu vực thuộc sở hữu của thành phố, cho biết. Theo bà, ở đây, các công ty “có thể di chuyển từ khu phòng thí nghiệm hoặc một khu vắng vẻ nào đó” sang khu đô thị mà không phải vướng bận về đường xá đông đúc.

Yard Labs là một phần trong phong trào đang phát triển trên khắp thành phố New York nhằm tạo ra một hệ sinh thái công nghệ xanh. “Khủng hoảng khí hậu là điều có thật, cần phải nhanh chóng thúc đẩy các công nghệ phục hồi”, Maria Torres-Springer, phó thị trưởng phụ trách phát triển kinh tế và lực lượng lao động của thành phố, nhận định.

Năm ngoái, hơn 200 công ty khởi nghiệp đã đăng ký tham gia một cuộc thi thường niên tại Phòng thí nghiệm Tương lai Đô thị thuộc Trường Kỹ thuật Tandon của Đại học New York, nơi điều hành một vườn ươm hỗ trợ tối đa 20 công ty công nghệ khí hậu. Hai startup chiến thắng, mỗi startup nhận được khoản trợ cấp 50.000 USD và được nhận hỗ trợ tại vườn ươm.

“Tôi muốn nhiều startup hơn nữa tham gia vào hệ sinh thái công nghệ xanh, vì đây là thời điểm đòi hỏi tất cả chúng ta cùng phải chung tay”, Pat Sapinsley, giám đốc điều hành của Sáng kiến ​​Công nghệ Sạch tại Phòng thí nghiệm Tương lai Đô thị, chia sẻ về chương trình thử nghiệm mới. “Tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động để ngăn chặn biến đổi khí hậu”.

Chuyển mình thành khu đất thử nghiệm

Xưởng hải quân Brooklyn, nơi ra đời của các thiết giáp hạm như USS Missouri, từ lâu đã là một trung tâm sản xuất quan trọng. Trong suốt Thế chiến thứ hai, nơi đây có đến 70.000 công nhân đóng tàu. Khi căn cứ đóng cửa vào năm 1966, nền kinh tế của Brooklyn nhanh chóng suy thoái, bất chấp những nỗ lực của thành phố. Ông Ehrenberg, 39 tuổi, lớn lên ở Brooklyn, cho biết vào đầu những năm 1980, chỉ có 100 người làm việc ở đó.

Chính quyền thành phố sau đó đã dỡ bỏ một số bức tường ngăn cách Xưởng với cộng đồng, đồng thời xây thêm một siêu thị, khu ẩm thực và công viên. Để thay đổi bộ mặt của Xưởng, thành phố đã phát triển dự án căn hộ chung cư và nhà liền kề với giá cả phải chăng. Các công ty bắt đầu chuyển đến thuê địa điểm tại những khu phức hợp để khởi động công việc sản xuất. Ngay cả trong thời kỳ đại dịch, nhịp sống nơi đây vẫn vô cùng sôi động khi một số công ty ở đó xoay sở để sản xuất nước rửa tay, tấm chắn giọt bắn và quần áo bệnh nhân.

Nơi đây cũng đã trở thành địa điểm thử nghiệm không chính thức của các công ty công nghệ. Cách đây một thập kỷ, Citi Bike, chương trình chia sẻ xe đạp phổ biến, đã khởi đầu với một trạm xe tại Xưởng Hải quân trước khi mở rộng ra khắp thành phố. Vào năm 2019, startup Optimus Ride đã đưa các phương tiện không người lái của mình đến đó để chở công nhân và khách tham quan di chuyển quanh xưởng.

Hiện tại, khoảng 30 trong số hơn 550 đơn vị thuê tại Xưởng Hải quân Brooklyn là các công ty công nghệ xanh.

Sau khi khảo sát một vòng các địa điểm ở Manhattan, Queens và Brooklyn, Thalo Labs đã thuê một không gian rộng 4.000 foot vuông tại Xưởng vào tháng tám năm ngoái để thiết kế và chế tạo thiết bị cho hệ thống thu giữ carbon của mình. Chúng ta không chỉ ứng dụng công nghệ này cho các đường ống phát thảo, mà còn có thể dùng để loại bỏ carbon dioxide khỏi không khí trong các hành lang và phòng hội nghị.

“Trên khắp thành phố, khó có thể tìm đâu ra một không gian nào tương tự như nơi đây”, TS. Hermalyn nhận định, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ có thêm nhiều địa điểm tất-cả-trong-một trên khắp đất nước để các công ty công nghệ xanh có cơ hội “tăng tốc quá trình hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm”.

Bà Greene, nguyên cố vấn chính sách kinh tế cho cựu Thị trưởng Bill de Blasio, cho biết Xưởng Hải quân mang đến một giải pháp thay thế khép kín, hợp lý cho các công ty đang gặp phải khó khăn trong việc thử nghiệm. “Đôi khi các công ty không biết nên tìm đến ai để có câu trả lời”, bà nói. “Bạn không thể chỉ đi dạo quanh phố và đoán”.

Xưởng Hải quân chấp nhận hỗ trợ cho tối đa 16 công ty công nghệ xanh mỗi năm. Mỗi đơn vị sẽ chỉ trả phí từ vài nghìn USD để trang trải chi phí hành chính và giám sát. Mặc dù quy trình phê duyệt rất nghiêm ngặt, nhưng bà Greene động viên các công ty rằng không nên nản lòng trước bộ hồ sơ dài 12 trang chưa kể các yêu cầu khác kèm theo. “Toàn bộ 12 trang này đã được thiết kế hợp lý để các công ty chia sẻ nhiều nhất có thể về bản thân”.

Xưởng Hải quân đã thu hút sự quan tâm của 18 công ty, tám trong số đó đã điền đơn đăng ký. Bà Greene tiết lộ đã có ba công ty được chấp thuận, trong khi những công ty khác đang chờ quyết định, hoặc đã có công ty chọn không tiếp tục sau khi cả hai bên đồng ý rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp.

Một trong những công ty được phê duyệt là Connected Curb, có trụ sở tại London và đang tìm cách mở rộng quy mô thị trường bộ sạc xe điện của mình tại thành phố New York. Công ty đã hợp tác với một đơn vị thuê Xưởng, Newlab, và chính quyền thành phố để thử nghiệm hai bộ sạc trong khu vực đậu xe. Họ tuyển dụng các tài xế thử nghiệm thông qua hình thức truyền miệng.

Bộ sạc có kiểu dáng đẹp - một lợi thế để được phép lắp đặt trên lề đường thành phố đông đúc - vì chúng không đi kèm với dây sạc cồng kềnh (người lái xe phải tự mang theo). Các thiết bị điện tử của bộ sạc được chôn bên dưới, giúp chống hư hỏng và ngăn chặn tình trạng trộm cắp.

Mặc dù Xưởng Hải quân mở cửa chào đón bất kỳ công ty nào muốn thuê địa điểm, nhưng nó đặc biệt hữu ích đối với các công ty khởi nghiệp đang làm việc tại Xưởng, chẳng hạn như những công ty có liên hệ với Newlab - đơn vị điều hành một “studio đổi mới” ở đó với hơn 200 công ty khởi nghiệp.

“Đây là bước đệm để các startup đưa sản phẩm ra thị trường và mở rộng với quy mô lớn hơn”, Shaina Horowitz, phó chủ tịch phụ trách sản phẩm và chương trình của Newlab, cho biết về sáng kiến ​​thử nghiệm mới. Cô ấy giải thích rằng các doanh nhân và nhà phát triển hoàn toàn có thể “bộc lộ các điểm yếu ở đây trên quy mô nhỏ”, sau đó nhanh chóng khắc phục mọi sự cố tiềm ẩn trước khi tiếp tục “phát triển rộng khắp”.

Xưởng Hải quân cũng có thể được hưởng lợi trực tiếp từ công nghệ xanh đang được thử nghiệm ở đó. Orenda, một công ty công nghệ lưu trữ năng lượng có trụ sở gần Brooklyn đã đăng ký chương trình thử nghiệm, sẽ thu thập dữ liệu từ tất cả các tòa nhà, một số tòa nhà có từ những năm 1800, để tạo ra mô hình mô phỏng thời gian thực về mức độ sử dụng năng lượng trong một tòa nhà tại khu đô thị đông đúc.

Được thành lập vào năm 2020, Orenda đang trong quá trình chuyển đổi 20 lô đất trống trong thành phố và Quận Westchester thành các địa điểm lưu trữ năng lượng, nơi điện được lưu trữ trong pin và bán lại cho công ty năng lượng Con Edison suốt mùa hè để giúp ngăn chặn tình trạng mất điện. Bill Grinstead, giám đốc điều hành và là nhà sáng lập của Orenda, tiết lộ rằng hiện tại họ muốn phát triển một kế hoạch chi tiết để xây dựng trung tâm công nghiệp nhằm quản lý nguồn cung cấp năng lượng hiệu quả hơn.

Dự án thử nghiệm tại Xưởng sẽ là cơ hội để họ có được bằng chứng cần thiết cho thấy mức độ tiềm năng của công nghệ này. “Những bằng chứng này vô cùng quan trọng”, ông nhấn mạnh.