Đây có phải là thời điểm thích hợp để đặt ra câu hỏi đó?

Dữ liệu mới nhất về kết quả khảo sát PISA từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn đồng trang lứa ở Malaysia và Thái Lan mà còn cả ở Anh và Canada. Ảnh: The Economist
Dữ liệu mới nhất về kết quả khảo sát PISA từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn đồng trang lứa ở Malaysia và Thái Lan mà còn cả ở Anh và Canada. Ảnh: The Economist

Tờ The Economist mới đây có bài viết “Vì sao các trường học tại Việt Nam rất tốt?”. Bản thân tác giả bài viết cũng thừa nhận rằng câu hỏi này thoạt nghe có vẻ lạ lùng, bởi bất chấp nhiều năm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 3.760 USD, thấp hơn so với các nước cùng khu vực là Malaysia và Thái Lan, và chỉ đủ để một người Việt Nam bình thường cảm thấy mình được nuôi nấng đầy đủ.

Tuy nhiên, theo tác giả, học sinh Việt Nam đang được hưởng một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, điều này được thể hiện qua thành tích xuất sắc trong các bài kiểm tra thuộc Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA về đọc, toán và khoa học. [PISA được xây dựng và điều phối bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khảo sát học sinh ở độ tuổi 15, ba năm một lần.] Dữ liệu mới nhất về kết quả khảo sát PISA từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn đồng trang lứa ở Malaysia và Thái Lan mà còn cả ở Anh và Canada. Đáng chú ý, điểm số của học sinh Việt Nam không thể hiện mức độ bất bình đẳng giới tính và vùng miền như nhiều quốc gia khác.

Xu hướng học tập của một đứa trẻ là kết quả của nhiều yếu tố - khởi đầu từ gia đình với cha mẹ và môi trường xã hội mà các em lớn lên. Nhưng nhiêu đó không đủ để giải thích thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trong các bài đánh giá quốc tế. Tác giả bài viết cho rằng bí quyết làm nên sự khác biệt của giáo dục Việt Nam nằm ở lớp học: trẻ em học nhiều hơn ở trường, đặc biệt là trong những năm đầu đời.

Trong một nghiên cứu vào năm 2020, PGS kinh tế Abhijeet Singh thuộc Trường Kinh tế Stockholm đã xem xét dữ liệu từ các bài kiểm tra PISA của học sinh Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam - các nước đối tác của OECD. Ông nhận thấy trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 5 đến 8 bật lên hẳn so với phần còn lại. Mỗi năm học ở Việt Nam giúp tăng khả năng giải một bài toán nhân đơn giản 21 điểm phần trăm; ở Ấn Độ, mức tăng là sáu điểm phần trăm.

Theo tác giả, trong khi nền giáo dục ở nhiều quốc gia đang phát triển vẫn giậm chân tại chỗ, thì “trường học Việt Nam đã được cải thiện theo thời gian”. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2022 của các nhà khoa học tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC, phát hiện, ở 56 trong số 87 quốc gia đang phát triển, chất lượng giáo dục đã xuống cấp kể từ những năm 1960. Việt Nam là một trong số ít nơi thể hiện xu hướng ngược lại.

Điều này phần lớn là nhờ năng lực của các giáo viên trong nước. Họ không nhất thiết phải có trình độ cao hơn, chỉ đơn giản là họ giảng dạy hiệu quả hơn. Một nghiên cứu so sánh học sinh Ấn Độ với học sinh Việt Nam đã phát hiện sự khác biệt về điểm số trong các bài kiểm tra toán phần lớn là do chất lượng giảng dạy.

Hằng ngày, vừa phụ giúp bố mẹ, Hảng Thị Lia, dân tộc Mông, học sinh lớp 10A3 K62 – Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, vừa tranh thủ thời gian để học tập. Ảnh: Fanpage Đoàn Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc
Hằng ngày, vừa phụ giúp bố mẹ, Hảng Thị Lia, dân tộc Mông, học sinh lớp 10A3 K62 – Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, vừa tranh thủ thời gian để học tập. Ảnh: Fanpage Đoàn Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc

“Giáo viên Việt Nam hoàn thành tốt công việc của mình vì họ được quản lý tốt”, tác giả nhận định. Giáo viên được tập huấn thường xuyên và có thể tự do sáng tạo để làm cho buổi học trở nên hấp dẫn hơn. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục giữa các vùng miền, giáo viên vùng sâu vùng xa được trả lương cao hơn. Quan trọng nhất, theo tác giả, giáo viên được đánh giá, khen thưởng dựa trên kết quả học tập của học sinh.

Một trong những lý do khác mà tác giả đưa ra nhằm giải thích chất lượng của giáo dục Việt Nam, đó là sự quan tâm của nhà nước dành cho lĩnh vực này. Chính phủ đã yêu cầu các tỉnh/ thành phố dành ít nhất 20% ngân sách của họ cho giáo dục, từ đó tác động tích cực đến sự bình đẳng trong giáo dục giữa các vùng miền.

Sự quan tâm sâu sắc như vậy cũng giúp đảm bảo rằng các chính sách liên tục được điều chỉnh để cập nhật chương trình giảng dạy và chuẩn giảng dạy. Ông Ngô Quang Vịnh, chuyên gia tại Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB, cho rằng các gia đình Việt Nam xem trọng giáo dục vì tư tưởng Nho giáo - vốn đề cao việc học và tinh thần tôn sư trọng đạo - đã bắt rễ trong suy nghĩ của người dân. Các bậc phụ huynh dù không giàu có, vẫn cố gắng chắt chiu để cho con đi học thêm. Ở thành phố, nhiều phụ huynh hỏi han, tìm kiếm những trường có giáo viên giỏi để gửi con vào học.

Những nỗ lực này đã thu về trái ngọt. Khi chất lượng các trường học được cải thiện, nền kinh tế Việt Nam cũng đi lên. Mặt khác, bài báo trích dẫn ý kiến của TS Phùng Đức Tùng, giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRD), cho rằng tăng trưởng đang thử thách hệ thống giáo dục. Các công ty ngày càng đòi hỏi người lao động có các kỹ năng tinh vi hơn, chẳng hạn như quản lý nhóm - những kỹ năng mà học sinh, sinh viên Việt Nam không được chú trọng đào tạo. Tăng trưởng kinh tế cũng đã thu hút dòng người di cư đến các thành phố, gây quá tải các trường học đô thị. Năm 2016, khi MDRI tiến hành nghiên cứu về hộ khẩu trong cả nước, họ phát hiện 36% dân TPHCM là di cư, còn Hà Nội có khoảng 18%, nên sức ép lên các khu đô thị, khu công nghiệp rất lớn. Số trường mầm non của hai thành phố này trong năm 2019 chỉ đạt khoảng 47 trường/10.000 dân, tức chỉ bằng khoảng một nửa so với mức trung bình gần 84 trường/10.000 dân trong cả nước. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều giáo viên bỏ nghề để làm những công việc được trả lương cao hơn trong khu vực tư nhân. “Để đảm bảo Việt Nam vẫn là quốc gia có nền giáo dục chất lượng, chính phủ sẽ phải giải quyết những xu hướng này”, tác giả bài viết nhấn mạnh.

Còn một bức tranh khác

Nhìn chung, bài viết trên The Economist tập trung lý giải “chìa khóa” đằng sau thành tích xuất sắc trong các bài kiểm tra PISA về đọc, toán và khoa học của học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, từ lâu, nhiều nhà giáo dục trên khắp thế giới đã đặt câu hỏi rằng liệu những bài kiểm tra quốc tế này thực sự đo lường điều gì và có đánh giá được chất lượng của các hệ thống giáo dục hay không, nhất là khi chất lượng của một hệ thống giáo dục không chỉ nằm ở điểm số học tập.

GS Yong Zhao, Đại học Kansas, lập luận rằng các hệ thống giáo dục Đông Á có thể vui với việc đứng đầu trong các bài kiểm tra PISA song họ không hài lòng chút nào với kết quả của nền giáo dục nước nhà. GS Zhao thậm chí tuyên bố rằng rằng cốt lõi của giáo dục Trung Quốc, bao gồm cả điểm số PISA cao của Thượng Hải, nằm ở ba điều cơ bản: “Kỳ vọng cao của các gia đình Trung Quốc, sự chăm chỉ cần cù, và hệ thống thi cử.”

Quay trở lại với bức tranh giáo dục Việt Nam, công bằng mà nói, một trong những điểm sáng đặc biệt nhất của nền giáo dục trong suốt 10 năm qua, đó là gần như không còn bất bình đẳng về giới trong tiếp cận giáo dục. Theo trình bày của GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, tại hội thảo “Giáo dục Việt Nam 2011-2020” tổ chức vào tháng 8/2021, ở bậc mầm non và tiểu học, tỷ lệ trẻ em gái nhập học thấp hơn trẻ em trai, nhưng do năng lực học tập tốt hơn, các em gái chiếm tỷ lệ học THPT cao hơn và đến bậc đại học, tỷ lệ sinh viên nữ nhập học thậm chí chiếm hơn 50%.

Tuy nhiên, những khía cạnh khác về bình đẳng trong tiếp cận giáo dục lại không tươi sáng được như thế, thậm chí tình trạng bất bình đẳng đối với nhóm trẻ khuyết tật, trẻ dân tộc thiểu số, trẻ ở khu vực khó khăn, trẻ di cư… còn có xu hướng tăng theo các bậc học. “Học sinh ở những vùng khó khăn hơn như vùng miền núi Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… có thể bị thiếu hụt về lượng kiến thức, trải nghiệm thời gian học là 1 năm so với học sinh ở những vùng thành thị”, GS Lê Anh Vinh nhấn mạnh. Trong đó, khoảng cách đến trường, trở ngại về ngôn ngữ là những rào cản đặc biệt với học sinh vùng dân tộc thiểu số. Còn khoảng cách giàu nghèo có thể dẫn tới chênh lệnh lên tới 2 năm học. Càng lên lớp hay bậc học cao hơn thì khoảng cách về thiếu hụt kiến thức càng nới rộng, và tỷ lệ học sinh không có điều kiện kinh tế bỏ học càng tăng.

Tương tự, theo PGS.TS Phạm Đức Quang (Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục phổ thông – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), một nhóm đặc thù khác đang phải đối diện với tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục là trẻ em các gia đình di cư, “có khoảng 13,4% con của người di cư chưa có cơ hội đến trường”.

Với nhóm trẻ khuyết tật, những số liệu về khả năng tiếp cận giáo dục càng cho thấy một bức tranh khá u ám. Theo một báo cáo của World Bank, cơ hội được đi học của trẻ khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật, ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp. Đến bậc THPT, chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi (so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật đi học đúng tuổi).

Chúng ta tưởng như đã đạt được nhiều thành tựu về phổ cập giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học với tỷ lệ đến trường ở mức khá đồng đều giữa các nhóm dân tộc và giữ ở mức trên 90%. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu tại MDRD đã thực hiện một cuộc đánh giá cả bất bình đẳng về kinh tế, tài sản và ba lĩnh vực – gồm y tế, giáo dục, và sự tham gia người dân vào các chính sách xã hội, và nhận ra rằng trẻ em dân tộc thiểu số luôn có xuất phát điểm thấp hơn. Ngay từ số học liệu, sách, truyện mà một học sinh thuộc nhóm nghèo nhất hoặc nhóm dân tộc thiểu số có cũng không thể sánh với học sinh thuộc nhóm giàu hoặc nhóm người Kinh. Tương tự, chi tiêu giáo dục cho một học sinh của hộ gia đình dân tộc Kinh cũng cao gấp khoảng 4 lần của hộ dân tộc thiểu số. Đó là chưa kể trình độ học vấn của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới kết quả học tập của học sinh. Đây là điều mà hầu như trẻ em dân tộc thiểu số khó được hưởng, vì tỷ lệ học cao đẳng và đại học trong độ tuổi 18-22 có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm dân tộc, tỷ lệ này cao nhất ở dân tộc Kinh với khoảng 46%; trong khi ở người Khmer, H’mông và Dao chỉ dưới 10%.

Như vậy, xét trên nhiều phương diện, giáo dục Việt Nam đang dần được cải thiện với những tín hiệu tích cực, nhưng rõ ràng chặng đường mà chúng ta phải đi còn rất dài để có thể nói rằng “học sinh Việt Nam đang được hưởng một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới”.
-----
Nguồn tham khảo:
https://www.economist.com/asia/2023/06/29/why-are-vietnams-schools-so-good?fbclid=IwAR0mZDijM_ja4RD6vAbFDdAyJSoc5Bk0QbENLUOP1XsqsKdmIdkg94KH-3Q
https://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/cong-bang-trong-tiep-can-giao-duc-o-viet-nam/20210827053454522p1c785.htm
https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/qua-tai-giao-duc-o-do-thi-nhin-tu-quy-hoach-do-thi/
https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/co-hoi-vuon-len-cua-nguoi-ngheo-26688/