Trong tương lai gần, các nhà khoa học sẽ tiến hành thử nghiệm tử cung nhân tạo trên người. Song, mục đích của nó không phải là thay thế tử cung, mà để cứu sống những em bé sinh non.

Tử cung nhân tạo do Đại học Công nghệ Eindhoven giới thiệu vào năm 2019.
Tử cung nhân tạo do Đại học Công nghệ Eindhoven giới thiệu vào năm 2019.

Tử cung nhân tạo là gì?


Tử cung nhân tạo là một thiết bị y tế thử nghiệm, mục đích là cung cấp một môi trường giống tử cung cho các em bé sinh non. Trong hầu hết công nghệ, đứa bé trôi trong một “túi sinh học” trong suốt chứa đầy chất lỏng. Em bé sinh non sẽ ở trong thiết bị này vài tuần để tiếp tục phát triển cơ thể sau khi chào đời, như thế “khi các em bé được chuyển ra ngoài thiết bị thì chúng có khả năng sống sót và ít gặp biến chứng hơn với cách điều trị thông thường”, bác sĩ phẫu thuật nhi khoa George Mychaliska tại Đại học Michigan cho biết.

Một trong những yếu tố chính khiến trẻ sơ sinh ra đời quá sớm không thể sống sót là vì phổi chưa phát triển hoàn thiện. Thay vì hít thở không khí, lá phổi của các em bé trong tử cung nhân tạo sẽ chứa đầy nước ối tạo ra từ phòng thí nghiệm, mô phỏng lại hoàn cảnh giống như trong tử cung. Các chuyên gia về trẻ sơ sinh sẽ cắm ống vào mạch máu trên dây rốn để dòng máu của em bé có thể lưu chuyển thông qua một lá phổi nhân tạo nhằm thu về oxy.

Thiết bị sắp sửa sẵn sàng để thử nghiệm trên người có tên là EXTrauterine Environment for Newborn Development (Môi trường ngoài tử cung cho sự phát triển của trẻ sơ sinh), hay còn gọi tắt là EXTEND. Nó sẽ bao bọc đứa trẻ trong một bình chứa đầy nước ối nhân tạo. Đây là phát minh của hai nhà nghiên cứu Alan Flake và Marcus Davey tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, đang được công ty Vitara Biomedical phát triển.

Ngoài ra, có nhiều nhà khoa học khác đang nghiên cứu tử cung nhân tạo. Các nhà nghiên cứu tại Úc và Nhật Bản đang phát triển một hệ thống vô cùng tương đồng với EXTEND. Tại châu Âu, dự án Hỗ trợ sự sống chu sinh đang thử nghiệm trên công nghệ do chính họ tạo ra. Và ở Canada,các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phiên bản tử cung nhân tạo của họ với lợn con. Các nhà khoa học tại Đại học Michigancũng đang thử nghiệm trên công nghệ tương tự nhằm dùng nó cho những em bé sinh non mà những liệu pháp thông thường không giúp ích gì cho chúng. Đứa bé sẽ không nằm trong dung dịch, mà chỉ lá phổi của chúng mới chứa đầy nước ối. Hệ thống này có thể dùng trong các khoa hồi sức cấp cứu hiện nay mà không cần chỉnh sửa gì nhiều.

Công nghệ sử dụng trong hệ thống EXTENDđã được thử nghiệm trên 300 bào thai cừu và cho kết quả tốt. Các con cừu có thể sống sót và phát triển bên trong tử cung nhân tạo trong ba hay thậm chí bốn tuần.

Để tiến tới thử nghiệm trên người, công ty này cần FDA cho phép miễn trừ thiết bị nghiên cứu. Trong cuộc họp vào tháng sáu, ông Flakecho biết công ty Vitaracó thể sẵn sàng yêu cầu miễn trừ vào tháng chín hoặc tháng mười.Nhưng vào cuộc họp ủy ban cố vấn trong tháng chín vừa qua, khi được hỏi là công nghệ đã tiến bộ bao xa thì nhà nghiên cứu này từ chối trả lời. Ông cho biết sẽ thảo luận về vấn đề thời điểm với ủy ban cố vấn trong cuộc họp kín. Để bật đèn xanh cho thử nghiệm, các quan chức của FDAcần tin tưởng rằng em bé được đưa vào EXTENDnhiều khả năng sẽ phát triển thuận lợi và sống sót nhờ hệ thống này, ít nhất chúng cũng phải như những bệnh nhi được chăm sóc theo tiêu chuẩn hiện tại.

Cuộc thử nghiệm đầu tiên trên người sẽ thế nào?


Đầu tiên, em bé phải được lấy ra khỏi người mẹ bằng phương pháp sinh mổ. Ngay lập tức, người thực hiện thủ thuật phải nối ống vào dây rốn trước khi chuyển em bé vào bình chứa chất lỏng.

Nhiều khả năng công nghệ này sẽ được sử dụng đầu tiên ở những em bé sinh vào tuần thứ 22 hay 23, những trẻ không có nhiều lựa chọn khác. Khi thai nhi được 22 tuần, em bé vô cùng nhỏ, thường nặng chưa tới nửa cân, hai lá phổi vẫn đang phát triển. Theo số liệu trẻ sơ sinh ra đời trong giai đoạn 2013-2018, tỷ lệ sống sót của trẻ được hồi sức ở tuần tuổi 22 chỉ có 30%. Con số đó tăng lên gần 56% ở thai nhi ra đời vào tuần tuổi 23. Và những em bé ở thời kỳ đó nếu sống sót thì lại có nguy cơ mắc một số căn bệnh tăng lên, ví dụ như vấn đề phát triển thần kinh, bại não, vấn đề về vận động, khiếm thính và những dạng khuyết tật khác.

Việc chọn lựa đối tượng tham gia không hề dễ dàng. Một số chuyên gia cho rằng tuổi thai không nên là tiêu chí duy nhất. Một yếu tố phức tạp là tiên lượng bệnh ở mỗi trung tâm lại khác nhau, và điều này đang được cải thiện khi các bệnh viện học được cách điều trị tốt nhất cho em bé sinh non. Ví dụ, tại Bệnh viện Nhi đồng Stead của Đại học Iowa, tỷ lệ sống sót của trẻ cao hơn nhiều so với mức trung bình: 64% đối với trẻ sinh ra ở tuần thứ 22. Thậm chí, họ còn thành công cứu sống một số ít trẻ sinh ở tuần thứ 21.

Tiên lượng ở mỗi trẻ cũng khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố: bé gái có nhiều khả năng sống sót hơn bé trai, đứa bé nào nặng cân hơn thì có nhiều cơ hội hơn những đứa nhẹ hơn. Rất khó để xác định tiên lượng ở từng trường hợp phải xấu tới mức thì mới phù hợp để dùng tử cung nhân tạo, khi các liệu pháp hiện nay không cứu được em bé.

Nguy cơ sẽ là gì?

Một mối lo thường trực ở những em bé nhỏ nhất là xuất huyết não. Tình trạng này xảy ra vừa là do bộ não của chúng chưa phát triển hoàn chỉnh, phần nào lại liên quan tới phương pháp điều trị. Em bé được nằm trong tử cung nhân tạo sẽ cần dùng thuốc tan máu tụ để ngăn hình thành cục máu đông tại nơi đặt ống. Loại thuốc này có thể khiến trẻ sinh non chịu nguy cơ xuất huyết não cao.

Và rủi ro không chỉ xuất hiện ở em bé. Để đủ điều kiện dùng EXTEND, đứa trẻ phải được sinh mổ, điều này khiến người mẹ có nguy cơ nhiễm trùng và băng huyết. Sinh mổ cũng có thể ảnh hưởng tới việc mang thai sau này.

Nếu thành công thì em bé có thể phát triển hoàn toàn bên ngoài tử cung không?


Theo ông Flake và các đồng nghiệp, điều này là không thể. Đầu tiên, thai nhi phát triển là một quá trình phức tạp dựa trên sự giao tiếp hóa học giữa cơ thể người mẹ và thai nhi. Dù các nhà nghiên cứu có hiểu được mọi yếu tố góp phần vào sự phát triển này thì cũng không thể đảm bảo họ có thể tái tạo lại tình trạng đó.

Vấn đề thứ hai là kích thước. Hệ thống tử cung nhân tạo đang phát triển đòi hỏi các bác sĩ phải nối ống vào dây rốn em bé để truyền máu giàu oxy. Dây rốn càng nhỏ thì điều này càng khó thực hiện.

Còn những lo ngại về đạo đức?
Liệu có cách nào đảm bảo rằng cha mẹ trong hoàn cảnh tuyệt vọng có hiểu biết đầy đủ để đồng thuận với nhà nghiên cứu hay không? Đây là vấn đề nảy sinh với rất nhiều biện pháp cứu cánh chứ không riêng gì tử cung nhân tạo.

Nếu tử cung nhân tạo được áp dụng, nhiều câu hỏi quan trọng hơn nữa sẽ xuất hiện. Dĩ nhiên, đây là công nghệ tuyệt với nếu dùng để cứu sống trẻ sơ sinh. Song, sẽ thế nào nếu một phụ nữ muốn chấm dứt thai kỳ ở tuần tuổi 21 hay 22 và dùng công nghệ này để đứa trẻ phát triển? Công nghệ này sẽ ảnh hưởng thế nào với quyền của phụ nữ trong lựa chọn có nên mang thai đủ ngày đủ tháng hay không? Khi nói một phụ nữ có quyền chấm dứt thai kỳ, vậy tức là quyền tách bào thai ra khỏi cơ thể mẹ, hay là quyền không trở thành mẹ ruột? Tình huống đó có vẻ xa vời khi công nghệ này mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng chúng ta phải suy nghĩ tới những hệ lụy của nó.

Ngoài ra, còn những câu hỏi khác. Ví dụ, thai nhi là gì? Em bé là gì? Trẻ sơ sinh là gì? Sinh ra là gì? Khả năng sống sót là gì? Đây là những câu hỏi mang ý nghĩa đạo đức, nhưng đồng thời cũng có ý nghĩa pháp lý.

Nguồn: technologyreview