Richard Phillips Feynman (1918-1988) là nhà vật lý Mỹ gốc Do Thái, nổi tiếng vì không chỉ là một nhà khoa học thiên tài, mà còn là một nhà sư phạm tuyệt đỉnh.

Khi còn sống, Feynman được rất nhiều người mến mộ nhờ khả năng giải thích các vấn đề mang tính phức tạp nhất của vật lý theo cách mà hầu hết mọi người đều có thể hiểu.

Những năm sau Chiến tranh Thế giới II, Feynman đã tìm ra một phương pháp mới rất hiệu quả trong nhận thức về cơ học lượng tử, mang lại cho ông giải Nobel Vật lý 1965.

Ông còn áp dụng thuyết lượng tử để giải thích tính siêu chảy của helium lỏng, cơ sở cho việc xây dựng lý thuyết siêu dẫn sau này.

Ông còn đưa ra biểu đồ Feynman, rất hữu ích trong việc tính toán tương tác của các hạt trong không-thời gian và là cơ sở cho thuyết dây lẫn thuyết M. Năm 1959, Feynman có bài phát biểu nổi tiếng “Còn những khoảng trống ở cấp vi mô” (There is a plenty room at the bottom), mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực nano, vì thế mà ông cũng được xem như là người khai sinh ra ngành khoa học và công nghệ nano.

Richard Feynman là người đầu tiên đặt nền móng cho công nghệ nano, nhưng phải tới 20 năm sau người ta mới thực sự nghiên cứu và phát triển công nghệ này. Ảnh: Forbes.com

Richard Feynman là người đầu tiên đặt nền móng cho công nghệ nano, nhưng phải tới 20 năm sau người ta mới thực sự nghiên cứu và phát triển công nghệ này. Ảnh: Forbes.com

Các tác phẩm tổng hợp, bài viết, cuộc trò chuyện và bản viết tay ngẫu hứng của ông đã mang tới một nguồn tri thức phong phú và nhiều lời khuyên giàu ý nghĩa cho nhân loại, nhờ những hiểu biết sâu sắc trên nhiều lĩnh vực: khoa học tự nhiên, xã hội và trải nghiệm cuộc sống.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Richard Feynman (11/5/1918 – 11/5/2018), chúng ta cùng tưởng niệm nhà vật lý vĩ đại qua 10 câu nói nổi tiếng nhất của ông:


10) “Nếu tất cả tri thức khoa học cùng bị hủy diệt, như một trận đại hồng thủy nào đó, và chỉ có thể để lại duy nhất một câu nói cho các thế hệ mai sau, làm sao để truyền đạt được nhiều thông tin nhất với số chữ tối thiểu? Tôi tin đó là thuyết nguyên tử …. rằng tất cả mọi thứ đều được cấu tạo từ nguyên tử – những vật chất chuyển động không ngừng, hấp dẫn lẫn nhau ở khoảng cách rất nhỏ, nhưng nhất quyết không để để bị chèn lẫn vào nhau.”

9) “Chẳng có bất cứ hành động nào của các sinh vật sống là không thể hiểu được, khi tất cả đều được cấu tạo từ các nguyên tử và hoạt động tuân theo các quy luật vật lý.

8) “Để một công nghệ thành công, thực tiễn luôn phải đi trước công chúng một bước, bởi tự nhiên vốn không thể bị dối lừa.

7) “Bằng kiến thức về thế giới xung quanh, tôi cho rằng các báo cáo liên quan đến đĩa bay chắc chắn chỉ là kết quả phi lý của những kiến thức vốn có về Trái đất, hơn là những nỗ lực để đi tìm kiếm tri thức chưa từng được biết đến bên ngoài Trái Đất nhờ lý tính.

6) “Rất có thể những thứ mà bạn nghĩ rằng khả thi lại là không đúng. Thực ra đây chỉ là một quy tắc chung trong các thuyết vật lý: bất kể thứ gì mà một người đang nghĩ thì nó thường luôn sai”.

5) “Cái gì là cần thiết cho “sự tồn tại của khoa học”, và tính chất của tự nhiên thường không thể được quyết định bằng những tiên đề hoa mỹ, mà luôn phải bằng việc làm của chúng ta, và bởi chính bản thân tự nhiên.”

4) “Còn những khoảng trống ở cấp vi mô.”

3) “Tự nhiên không chỉ có thuyết lượng tử và thuyết tương đối. Và nếu bạn muốn làm một bản mô phỏng của tự nhiên, thì tốt hơn hãy làm cơ học lượng tử đi."

2) “Tôi nghĩ mình có thể nói, rằng không ai thực sự hiểu cơ học lượng tử."

1) “Nguyên tắc đầu tiên là đừng tự lừa dối bản thân, bởi bản thân chính là người dễ bị lừa nhất.”