Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y Dược TPHCM nhận thấy các biến thể liên quan tới Parkinson ở Việt Nam tập trung phần lớn ở gene LRRK2, GBA1 và PRKN. Trong đó, biến thể R1628P trên gene LRRK2 chiếm tỷ lệ nhiều nhất.

Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ báo cáo kết quả nghiên cứu
Đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ báo cáo kết quả nghiên cứu tại buổi nghiệm thu đề tài do Sở KH&CN TPHCM tổ chức vào năm 2023. Ảnh: DOST

Là một loại rối loạn thoái hóa thần kinh, Parkinson đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 10 triệu người trên toàn thế giới. Dù các triệu chứng thường phát triển chậm trong nhiều năm và khác nhau ở mỗi người (chẳng hạn như run, cứng chân tay) và không gây tử vong, song căn bệnh này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như mất khả năng nhận thức, trầm cảm, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, đau đớn,...

Parkinson là bệnh đa yếu tố, có thể do sự tương tác bởi nhiều gene hoặc do sự thay đổi tính nhạy cảm của các allen, các yếu tố môi trường, hoặc do tương tác qua lại giữa môi trường và biểu hiện gene, từ đó làm ảnh hưởng não bộ.

"Với những nỗ lực trong việc xác định các đột biến gene gây bệnh bằng kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới [Next-generation sequencing: NGS], nhiều kết quả ghi nhận một số lớn trường hợp tuy có mang gene nhưng không biểu hiện bệnh", PGS.TS.BS Mai Phương Thảo (Đại học Y Dược TPHCM) cho biết.

Với mong muốn phân tích các thay đổi di truyền trên các gene liên quan đến bệnh Parkinson, khảo sát thay đổi di truyền trên người thân trực hệ của bệnh nhân Parkinson có mang biến đổi di truyền, phân tích mối liên quan kiểu gene - đặc điểm lâm sàng trên bệnh nhân Parkinson, PGS Mai Phương Thảo và nhóm cộng sự tại Đại học Y Dược TPHCM đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu khả năng ứng dụng lâm sàng của xét nghiệm gen trên bệnh nhân Parkinson”.

Theo thông tin được đăng tải trên trang chủ Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập 208 mẫu của bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, trong đó có 83 bệnh nhân EOPARKINSON (bệnh Parkinson khởi phát sớm) và 125 bệnh nhân LOPARKINSON (bệnh Parkinson khởi phát muộn). Sau đó, nhóm thực hiện tách chiết DNA của 208 mẫu máu (100% tiến độ) đạt chất lượng và độ tin sạch cần thiết; đồng thời chuẩn bị thư viện giải trình tự và lai-bắt giữ được thư viện trình tự 20 gene mục tiêu đạt yêu cầu.

Bước đầu, nhóm nghiên cứu ghi nhận 33 bệnh nhân Parkinson (15,9%) mang biến thể nhóm P/LP/R (biến thể gây bệnh/giống gây bệnh/nguy cơ); 47 bệnh nhân (22,6%) mang biến thể nhóm VUS (biến thể không chắc chắn gây bệnh); còn lại là các trường hợp bệnh nhân mang các biến thể lành tính hoặc chưa xác định chức năng.

Tiếp đến, nhóm thực hiện khảo sát bằng kỹ thuật MLPA trên 208 trường hợp bệnh nhân Parkinson, từ đó phát hiện 5 trường hợp có mang đột biến mất/lặp đoạn ở các gene LRRK2, PRKN, PINK1.

Song song với quá trình này, các nhà khoa học đã liên hệ và thu nhận được 50 mẫu người thân của bệnh nhân, trong đó thu được 31 mẫu thân nhân của 18 trường hợp bệnh nhân mang biến thể nhóm P/LP/R và 19 mẫu thân nhân của 7 trường hợp bệnh nhân mang biến thể nhóm VUS.

"Nghiên cứu cũng đã hoàn thành kiểm tra các biến thể có liên quan cho từng mẫu thân nhân", PGS.TS.BS Mai Phương Thảo báo cáo trước hội đồng nghiệm thu đề tài do Sở KH&CN TPHCM tổ chức.

Từ những dữ liệu thu thập được, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Y Dược TPHCM đã thiết lập quy trình kết hợp phương pháp giải trình tự thế hệ mới và kỹ thuật MLPA trong phát hiện các biến thể đáng quan tâm ở 20 gene mục tiêu.

“Theo đó, các biến thể có liên quan tới Parkinson ở Việt Nam tập trung phần lớn ở gene LRRK2, GBA1 và PRKN. Trong đó, biến thể R1628P trên gene LRRK2 chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Điểm đặc biệt là biến thể này không ghi nhận thấy ở người thân của bệnh nhân, qua đó cho thấy đây là biến thể dòng mầm tự phát (germline de novo variant) và có thể rất có ý nghĩa trong đánh giá nguy cơ cho dân số Việt Nam”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Vì thế, nhóm nghiên cứu kết luận rằng có thể sử dụng bảng 20 gene mục tiêu giải trình tự thế hệ mới và MLPA của đề tài này trong khảo sát di truyền bệnh Parkinson, đặc biệt trên đối tượng khởi phát sớm (tuổi khởi phát ≤ 50).

“Tại Việt Nam, hiện chưa có công bố nghiên cứu nào khảo sát toàn diện các gene liên quan đến bệnh lý Parkinson với số lượng bệnh nhân đủ lớn. Vì thế, số liệu của nghiên cứu này khi được công bố sẽ là tài liệu chính thống về phổ đột biến gene trong bệnh lý Parkinson của bệnh nhân Việt Nam, làm cơ sở ban đầu cho các chương trình quản lý bệnh nhân Parkinson. Các số liệu từ nghiên cứu cũng là nguồn tham khảo tốt cho các nhân viên y tế trong công tác tư vấn bệnh nhân Parkinson”, PGS.TS.BS Mai Phương Thảo nhận định.