Một nghiên cứu ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - trong đó có Việt Nam - đã hé lộ những tác động tiêu cực có thể xảy đến với trẻ em gái trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

f
Nữ sinh 14 tuổi ở Bangladesh chụp ảnh cùng bạn bè và hàng xóm trong ngày cưới. Một báo cáo vào tháng 6 năm nay của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh chúng ta sẽ cần khoảng 300 năm nữa để loại bỏ hoàn toàn nạn tảo hôn. Ảnh: Sultan Mahmud Mukut/SOPA/LightRocket via Getty Images

Khủng hoảng khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn. Trong số những tác động tiêu cực do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra, có một tác động mà hầu hết mọi người có thể chưa từng nghĩ tới: nạn tảo hôn gia tăng.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio đã tiến hành đánh giá có hệ thống 20 nghiên cứu liên quan đến hạn hán, lũ lụt và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác với tỷ lệ tảo hôn, cưỡng bức hôn nhân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Theo Fiona Doherty, tác giả chính của nghiên cứu, hiện là nghiên cứu sinh lĩnh vực công tác xã hội tại Đại học Bang Ohio, các nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng thuyết phục về vấn đề này. Thực chất, hiện tượng thời tiết cực đoan không phải là tác nhân trực tiếp gây ra nạn tảo hôn. “Các thảm hoạ tự nhiên thực chất đã làm nghiêm trọng thêm các vấn đề hiện có về bất bình đẳng giới và nghèo đói, dẫn đến nhiều gia đình phải lựa chọn tảo hôn như một cơ chế đối phó.”

Các tác giả đã công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí International Social Work.

Trên toàn thế giới, 20% em gái kết hôn trước 18 tuổi, và ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là 40%.

Đồng tác giả nghiên cứu Smitha Rao, phó giáo sư về công tác xã hội tại Đại học Bang Ohio, cho biết những con số này có thể tiếp tục tăng lên trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Chỉ riêng từ năm 2000-2019, lũ lụt, hạn hán và bão đã ảnh hưởng đến gần 4 tỷ người trên thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người. Các hiện tượng thời tiết ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên hơn: tần suất lũ lụt đã tăng 134%, bão tăng 40% và hạn hạn tăng 29% trong hai thập kỷ qua. Những con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trước tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét 20 nghiên cứu được công bố từ năm 1990 đến năm 2022 để phân tích mức độ liên quan giữa thời tiết cực đoan với các cuộc hôn nhân liên quan đến trẻ em, chủ yếu là các bé gái dưới 18 tuổi. Hầu hết các nghiên cứu được thực hiện ở các nước có thu nhập thấp và trung bình ở châu Á và châu Phi - gồm Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Kenya, Nepal v.v.

Hạn hán và lũ lụt là những thảm họa phổ biến nhất, nhưng các nghiên cứu cũng xem xét tác động của các hiện tượng thời tiết khác như lốc xoáy và những cú sốc nhiệt độ cao.

Trường hợp Việt Nam, các nhà khoa học đã phân tích nghiên cứu “Adverse shocks, household expenditure and child marriage: Evidence from India and Vietnam” của TS. Trịnh Trọng Anh (Đại học Monash, Úc) và các cộng sự. Nghiên cứu được đăng tải trên Empirical Economics vào năm 2021.

Lý do kinh tế, bất bình đẳng giới

Doherty cho biết 20 nghiên cứu đã tiết lộ tác động của thảm họa đối với nạn tảo hôn trong nhiều bối cảnh khác nhau. Một nghiên cứu ở Bangladesh cho thấy trong những năm có đợt nắng nóng kéo dài hơn 30 ngày, khả năng kết hôn của các bé gái từ 11 đến 14 tuổi cao hơn 50%, và các bé gái từ 15–17 tuổi có khả năng kết hôn cao hơn 30%.

Một lý do quan trọng đó là kinh tế.

“Tảo hôn thường được coi là một chiến lược đối phó trước những khó khăn về kinh tế, lương thực mà một gia đình đang phải đối mặt do thiên tai”, Doherty nói. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy con gái ở Bangladesh kết hôn sớm sau Bão Aila để giảm bớt gánh nặng kinh tế và lương thực cho các hộ gia đình.

Kết hôn sớm đôi khi cũng được khuyến khích để gia tăng nhân công lao động cần thiết cho các gia đình. Khi hạn hán đe dọa nguồn nước và vật nuôi ở Kenya, một nghiên cứu cho thấy nhiều gia đình săn đón các cô dâu trẻ để giúp đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng, chẳng hạn như đi bộ quãng đường dài để tìm thức ăn và nước uống.

t
Nhiều cô dâu trẻ ngay sau ngày cưới đã phải tham gia vào các công việc như đi bộ quãng đường dài để tìm thức ăn và nước uống cho gia đình chồng. Ảnh: Pixabay

Các phong tục địa phương như sính lễ, tiền thách cưới và của hồi môn được cho là những yếu tố then chốt trong mối liên hệ giữa nạn tảo hôn và thời tiết khắc nghiệt.

Các nghiên cứu cho thấy ở những khu vực như châu Phi cận Sahara và Việt Nam, nơi áp dụng thực hành sính lễ - nhà trai mang lễ vật đến cho nhà gái để hỏi cưới, các cô gái có nguy cơ bị buộc phải kết hôn cao hơn trong thời gian hạn hán và mưa lớn.

Ngược lại, nghiên cứu cho thấy ở những khu vực như Ấn Độ, nơi phổ biến của hồi môn - khoản tài sản mà mỗi cô dâu cần mang theo khi về nhà chồng, các cô gái ít kết hôn trong thời gian diễn ra hạn hán, có thể vì nhà cô dâu không đủ khả năng chi trả hồi môn.

Ngoài vấn đề kinh tế, các nghiên cứu còn cho thấy các thảm họa thời tiết còn gây ra nhiều vấn đề khác dẫn đến tỷ lệ tảo hôn tăng cao. Chẳng hạn, khi người dân phải di dời do lũ lụt, lốc xoáy và các thảm họa khác thường, họ sẽ đến trú tạm tại một khu vực tập trung, đây là nơi các cô gái trẻ trở thành mục tiêu bị quấy rối và cưỡng bức. “Các gia đình đôi khi buộc phải gả sớm con gái của họ trong những tình huống này để bảo vệ các em khỏi bị quấy rối và cưỡng bức”.

Nhưng có một yếu tố then chốt giúp bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng tảo hôn. “Chúng tôi nhận thấy rằng giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các bé gái”, Doherty nhận định.

Nghiên cứu cho thấy những bé gái được học hành ít có khả năng kết hôn sớm hơn. Ngoài ra, các nghiên cứu cho thấy khi trình độ học vấn của cha mẹ tăng lên, họ ít có khả năng ép cưới con gái mình.

Mặc dù chúng ta đã biết giáo dục là một cách giúp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, Doherty và Rao cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Một trong những phương án hiển nhiên đó là chính phủ các nước cần ban hành chính sách cấm tảo hôn. Ngoài ra, chính phủ cần hỗ trợ các gia đình gặp khó khăn về kinh tế, để họ không lâm vào cảnh phải dựng vợ gả chồng cho con mình từ sớm.

“Chúng tôi nhận ra một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tảo hôn là sự bất bình đẳng giới”, Doherty cho biết. "Chúng ta cần tìm phương án để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua giáo dục và hướng dẫn kiểm soát tài chính để họ có thể tự đưa ra quyết định."

Các nhà nghiên cứu lưu ý tất cả nghiên cứu mà họ phân tích đều được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình - chỉ vì họ không thể tìm thấy bất kỳ nghiên cứu nào được tiến hành ở các quốc gia có thu nhập cao. Tuy nhiên, họ cho rằng hiện tượng thời tiết cực đoan cũng có thể làm gia tăng nạn tảo hôn ở các nước có thu nhập cao, trong đó có Mỹ.

“Chúng tôi cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ sự khác biệt và các yếu tố liên quan có thể ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và tảo hôn ở các nơi khác trên thế giới, bao gồm cả các nước có thu nhập cao”, Rao đề xuất.

Nguồn: