"Nhân văn số" là một thuật ngữ khá mới mẻ và không dễ để hiểu đúng, không chỉ bởi độ phức tạp mà còn bởi nó bao phủ một diện rộng rất nhiều trạng huống - theo GS Dominique Vinck, tác giả cuốn sách “Nhân loại thời kỹ thuật số” vừa ra mắt phiên bản tiếng Việt.

Tác giả Dominique Vinck (1959) hiện là giáo sư tại Đại học Lausanne (Thụy Sỹ).
Tác giả Dominique Vinck (1959) hiện là giáo sư tại Đại học Lausanne (Thụy Sỹ). Nguồn: L'Espace

GS Dominique Vinck cho biết, trên thế giới đã có hai làn sóng “nhân văn số”, trong đó làn sóng đầu tiên chủ yếu liên quan đến việc số hóa các tài liệu, văn bản, đối tượng lưu trữ. Số hóa, ngoài việc đơn thuần tạo thêm các bản sao của những gì từng tồn tại, còn có khả năng thêm vào dữ liệu các bình chú dưới dạng văn bản, giọng nói hay hình ảnh, tạo ra những siêu liên kết và làm phong phú thêm tài liệu theo cách mà ta không thể thực hiện bằng các biện pháp vật lý. Và đó chính là làn sóng thứ hai của “nhân văn số”.

Ông lấy ví dụ, một tòa biệt thự được xây cất ở TPHCM từ thời kỳ thuộc địa và giờ đây, người ta cần dỡ bỏ nó để thay thế bằng một trung tâm thương mại. Tuy nhiên ngôi biệt thự lại mang kiến trúc đặc trưng của một thời kỳ, vậy làm thế nào lưu giữ được ký ức về tòa nhà, dù nó sẽ biến mất. Các nhà nghiên cứu đã nỗ lực số hóa nó dưới dạng hình ảnh ba chiều để mọi người có thể tham quan trong thế giới ảo. Và việc làm này không chỉ góp phần phục dựng mà còn tạo ra một đối tượng nghiên cứu mới. Một ví dụ khác liên quan tới nguy cơ biến mất của truyện kể dân gian, dân ca, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số hay tiếng địa phương - do quốc ngữ hay ngôn ngữ chính thống ngày càng trở nên áp đảo trong môi trường giáo dục lẫn môi trường công việc. Mối lo đó khiến các nhà nghiên cứu tiến hành một chuỗi công việc để thâu tóm, ghi lại và phục dựng dưới dạng số những di sản sắp biến mất để chúng vẫn có thể được truy cập và được sống. Nói tóm lại, “nhân văn số”, một thuật ngữ mới ra đời chừng hơn chục năm nay, liên quan đến việc sử dụng hoặc phát minh các công cụ máy tính để tìm hiểu, xử lý - chủ yếu dưới dạng trữ liệu - các vận động, tình huống xã hội cả trong quá khứ và hiện tại, thậm chí những vấn đề mới khởi sinh, những nhóm xã hội mới xuất hiện, của các nhà nghiên cứu khoa học nhân văn, khoa học xã hội, và khoa học máy tính - - GS Dominique Vinck giải thích trong cuộc trả lời phỏng vấn với Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace.
âdsd
"Nhân loại thời kỹ thuật số" được xuất bản trong khuôn khổ Dự án “Con người với máy móc” do L’Espace thực hiện từ năm 2021. Sách do dịch giả Nguyễn Sỹ Nguyên chuyển ngữ, Sao Bắc Media và Nxb Hồng Đức ấn hành. Ảnh: Sao Bắc Media

Nhân dịp cuốn sách Nhân loại thời kỹ thuật số ra mắt phiên bản tiếng Việt, L’Espace và Công ty Sao Bắc Media tổ chức tọa đàm về chủ đề "nhân văn số" với sự tham gia từ xa của tác giả Dominique Vinck cùng sự hiện diện trực tiếp của các khách mời: Tiến sĩ Văn học Trần Ngọc Hiếu; Tiến sĩ Vật lý Đinh Trần Phương; ông Dương Thắng, nguyên giảng viên Toán, ĐH Quốc gia Hà Nội; và dịch giả Nguyễn Trí Dũng. Thông qua thảo luận tại tọa đàm, các diễn giả sẽ góp phần làm rõ những thay đổi về nhiều mặt của khoa học xã hội và nhân văn khi công nghệ trí tuệ nhân tạo bùng nổ.

Thông tin chi tiết:

Thời gian: 18 giờ, thứ Tư ngày 16/3/2022
Địa điểm: Thư viện L’Espace (24 Tràng Tiền)
Vào cửa tự do