Việc các tạp chí khoa học trong nước tìm kiếm hợp tác với các tổ chức khoa học thế giới để công bố kết quả nghiên cứu là bước đi mới có tầm quan trọng, và rất đáng khuyến khích.

Song làm thế nào để những tạp chí này thật sự đạt tới chuẩn mực quốc và lấy đâu ra nguồn lực để duy trì chất lượng của tạp chí là những thách thức không dễ vượt qua.

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và xuất bản, mà trong đó các tạp chí khoa học Việt Nam tìm kiếm hợp tác với các tổ chức khoa học thế giới để công bố kết quả nghiên cứu là bước đi mới có tầm quan trọng, và rất đáng khuyến khích.

Ông Nguyễn Văn Chính (Khoa Nhân học, Đại học KHXH&NV Hà Nội).

Tôi nói hợp tác quốc tế trong xuất bản khoa học quan trọng bởi lẽ: 1) Nó là kênh cần thiết để truyền tải thông tin, đẩy mạnh trao đổi và tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế; 2) Nó tạo ra sự quan tâm và kích thích hợp tác nghiên cứu và công bố giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, mà ở đó tạp chí khoa học là một cây cầu nối. Xu hướng tăng lên của mô hình hợp tác này trong nước thời gian qua cho thấy rõ thay đổi nhận thức ở các cơ quan khoa học và đào tạo trong nước.

Những câu hỏi về sự sống còn

Tuy nhiên, vấn đề sống còn đối với các tạp chí hợp tác xuất bản đạt chuẩn mực quốc tế lại nằm ở chất lượng của bài vở. Một loạt câu hỏi cần được đặt ra: 1) Chất lượng bài vở của các nhà nghiên cứu cho loại tạp chí hợp tác này có ở tầm mức quốc tế không (?) bởi sẽ có những lo ngại rằng trình độ ngoại ngữ và chuyên môn của người bình duyệt (peer-review) trong nước không ở tầm mức quốc tế thì liệu có giúp cho chất lượng bài vở đạt tầm quốc tế? 2) Các nhà khoa học đã công bố ở các tạp chí danh tiếng trên thế giới liệu có quan tâm gửi bài đăng ở loại tạp chí hợp tác chưa có vị trí và xếp hạng quốc tế? Nếu chúng ta không hướng các tạp chí khoa học đến các chuẩn mực quốc tế, với những nhà khoa học có tiếng tăm tham gia biên tập và bình duyệt thì việc vươn đến chuẩn mực quốc tế xem ra còn lắm gian nan.

Vấn đề thứ hai là nguồn lực nuôi dưỡng tạp chí. Nguồn lực vật chất/tài chính của các tạp chí hợp tác quốc tế này sẽ được lấy ở đâu, ai cung cấp nguồn lực ấy để duy trì chất lượng khoa học của tạp chí? Liệu tạp chí khoa học có thể sống được bằng cách bán tạp chí? Hệ thống phát hành có thể tiếp cận được người đọc, và ai mua tạp chí ấy?

Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) thu thập dữ liệu cho dự án Nghiên cứu nước sạch nông thôn. Ảnh: MDRI
Nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) thu thập dữ liệu cho dự án Nghiên cứu nước sạch nông thôn. Ảnh: MDRI

Hiện nay, nhiều tạp chí khoa học uy tín quốc tế cũng đã bắt đầu phát hành phiên bản điện tử và miễn phí. Mục đích của các tạp chí này là phân phát tri thức đến đông đảo người đọc thay vì chỉ nhắm vào một số lượng nhỏ đọc giả trong chuyên ngành. Chúng ta từng chứng kiến nhiều tạp chí khoa học xuất bản tại Việt nam bằng tiếng nước ngoài chỉ ra được vài ba số rồi chết yểu do thiếu nguồn lực.

Cần lưu ý rằng công tác biên tập bài vở khoa học bằng tiếng nước ngoài cần người biên tập bản ngữ mới có hy vọng lan tỏa tri thức khoa học của tạp chí ra với thế giới. Tôi không đánh giá thấp năng lực ngoại ngữ của các nhà khoa học trong nước, nhưng văn chương khoa học, với những lập luận, khái niệm phức tạp và tinh vi, đòi hỏi người viết tư duy bằng bản ngữ thì mới có hy vọng người đọc hiểu được. Nhưng chế độ lương bổng của các biên tập viên chuyên nghiệp người nước ngoài chắc chắn không hề rẻ. Còn người Việt có giỏi ngoại ngữ thì cũng không đủ để làm cho người nước ngoài hiểu rõ ràng các khái niệm, lý luận khoa học và cảm thấy cần thiết phải đọc tạp chí ấy.


Trong trường hợp như vậy, liệu họ có bán được tạp chí để có nguồn thu đảm bảo tái sản xuất ra các số tạp chí mới tiếp theo không, trong khi đó, đọc giả tiếng nước ngoài ở trong nước rất hạn chế. Một tạp chí không có người đọc, hoặc chỉ vài người đọc liệu có sống được không? Không có gì đảm bảo cả! Hơn nữa, có một thực tế là nếu nhà nghiên cứu khoa học chỉ chú tâm xuất bản quốc tế, uy tín khoa học của họ trong nước bị giảm sút, thậm chí không được biết đến do ít người đọc và biết đến kết quả nghiên cứu của họ.

Vấn đề thứ ba là đòi hỏi bài viết khoa học phải có tính phê phán cao và có phát hiện mới. Ngược lại, nó sẽ chỉ còn là những bài vở có tính tuyên truyền một chiều, và chẳng nhà khoa học nào lại mất công đọc loại bài vở ấy.

Tóm lại, không phải tôi bi quan về xu hướng hợp tác xuất bản quốc tế, vì dù sao đi chăng nữa, hình thức này cũng có thể là một cách tốt để nâng đỡ các nhà nghiên cứu xã hội Việt Nam trong những bước đi chập chững hội nhập với sân chơi của cộng đồng khoa học thế giới. Nhưng tôi vẫn nghĩ còn nhiều thách thức quá lớn ở phía trước, mà những người đi tiên phong cần tìm được sự trợ giúp về nhiều mặt từ cả trong và ngoài nước để vượt qua.