Dù kết quả tăng trưởng năng suất của Việt Nam hiện nay đang có những tín hiệu khả quan, nhưng tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại. Vì sao lại như vậy?

“Trong những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ”, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận định tại Hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam – Nguồn gốc và thách thức cho sự tăng trưởng” do VCCI phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức, nhằm phác họa bức tranh về năng suất lao động của Việt Nam hiện nay.

Công nhân sản xuất phụ kiện xe máy, xe hơi và thiết bị công nghiệp tại Khu công nghiệp Thăng Long 2, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu và tham khảo từ Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động năm 2020 của Việt Nam tăng 5,4% so với năm 2010, đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động). Mức tăng này ở mức thấp nhất trong năm năm gần đây nhưng vẫn cao hơn so với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, bình quân giai đoạn 2016 – 2020, năng suất lao động Việt Nam tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).

Những con số ấy dù rất tích cực, nhưng có đủ để chúng ta có thể yên tâm?

Cũng chính tại buổi hội thảo này, TS. Lộc thừa nhận dù đó là những tín hiệu khả quan nhưng Việt Nam vẫn cần nhiều hơn thế. Mặc dù có mức tăng trưởng năng suất lao động cao, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của ILO, vẫn thấp hơn 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore. Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng cho thấy, năng suất lao động Việt Nam tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia và 10 năm với Thái Lan.

Theo ông Lộc, không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng lên rất nhanh về năng suất, cho phép một nền kinh tế cất cánh đến thu nhập cao.

Về giá trị tuyệt đối (tính theo giá so sánh năm 2010), năng suất lao động toàn nền kinh tế đã tăng từ 18,29 triệu đồng/lao động năm 1990 lên mức 68,40 triệu đồng/lao động năm 2019, hay 3,74 lần. Trung bình hằng năm, tăng trưởng đạt 4,65% trong giai đoạn 1991-2019. Theo Báo cáo Năng suất Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (VESS) và Viện Chính sách Quốc gia Nhật Bản phối hợp thực hiện, bất kỳ nền kinh tế nào đang trong quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng cũng được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng năng suất lao động cao hơn như vậy trong vòng một phần tư thế kỷ. Đạt mức năng suất lao động tương tự Việt Nam trong năm 1990, Trung Quốc đã tăng trưởng 8,98% mỗi năm hay 9,4 lần vào năm 2017. Do vậy, kết quả tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong quá khứ dù tốt nhưng chưa đủ và tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại. “Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện năng suất quốc gia”, ông Lộc nói.

Thất bại trong chính sách với doanh nghiệp FDI

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VESS, một trong những vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình cải thiện năng suất quốc gia, đó là năng suất tuyệt đối của khu vực chế biến chế tạo - cốt lõi của khu vực công nghiệp lại không tăng theo thời gian mà kẹt lại trong suốt 20 năm từ năm 2000 đến nay.

Dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, nhóm nghiên cứu của ông tính toán, năng suất lao động khu vực chế biến chế tạo của nước ta vào năm 2000 xấp xỉ đạt 70 triệu đồng/lao động - con số này sụt giảm liên tục kể từ đó, và chỉ mới phục hồi về lại mức cũ trong thời gian gần đây. Đây là điều khó hiểu trong một nền kinh tế đang công nghiệp hóa nhanh như Việt Nam. Cùng với đó, tăng trưởng năng suất của khu vực FDI cũng chững lại, trong khi khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước tăng ổn định. “Năng suất lao động trong khu vực FDI đến năm 2001 tăng lên, sau đó giảm mạnh và đình trệ. Điều này là bất thường bởi chúng ta thường kỳ vọng FDI có hiệu quả cao và cạnh tranh, thâm dụng vốn và công nghệ”, ông cho biết.

Theo ông, ngành công nghiệp chế biến – chế tạo và khu vực FDI có liên quan đến nhau. Lý do chính cho sự đình trệ của năng suất lao động trong các khu vực này là do sự thay đổi nội dung hoạt động. Trước năm 2000, FDI thâm dụng vốn và công nghệ chiếm đa số (khai thác mỏ, năng lượng, xe máy, ô tô, khuôn đúc, v.v.). Sau đó, FDI quy mô lớn, thâm dụng lao động, định hướng xuất khẩu chiếm ưu thế (may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử, v.v.). Các hoạt động này có giá trị gia tăng trong nước thấp và năng suất lao động thấp. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI lựa chọn áp dụng ở Việt Nam những công nghệ, cách thức hoạt động chú trọng về mở rộng quy mô nhân công giá rẻ, thay vì cải thiện năng suất lao động. “Điều này có nghĩa chiến lược các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam là dựa trên sử dụng lao động giá rẻ với các quy trình giản đơn. Tất cả cho thấy Việt Nam vẫn nằm ở phần trũng, giá trị thấp”, ông lưu ý.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, hiện tượng này thể hiện sự thất bại của chính sách khi không thể nâng cấp khu vực này theo hướng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao hơn. “Thất bại của chính sách và thái độ của doanh nghiệp FDI là hai mặt của cùng một vấn đề liên quan đến năng suất lao động thấp”, ông nhận xét.

Dù việc tạo ra giá trị nội địa thấp là một đặc điểm chung của bất kỳ nền kinh tế đi sau nào trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa do FDI dẫn dắt, nhưng theo Báo cáo Năng suất Việt Nam, hầu hết các chính phủ đều giới thiệu các chính sách để thu hút các doanh nghiệp FDI tạo ra nhiều giá trị nội địa hơn. Malaysia và Thái Lan đã chuyển sang chiến lược đó từ lâu (chiến lược Manufacturing++ của Malaysia trong thập niên 1990 và chính sách FDI mới của Thái Lan vào năm 2015). “Ngược lại, đã thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong hơn một phần tư thế kỷ, Việt Nam vẫn chưa tiến hành một chiến lược quốc gia như vậy hay triển khai các biện pháp chính sách cần thiết theo cách tổng hợp”, báo cáo cho biết.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Đức Thành cảnh báo, nếu không có một chính sách phù hợp để khắc phục tình trạng trên, khi giá nhân công ngày càng tăng, các doanh nghiệp FDI sẽ không thay đổi cách thức hoạt động hay nâng cấp mà chỉ đơn giản là rời khỏi Việt Nam – dẫn đến một tình huống “bẫy thu nhập trung bình” điển hình.

Thiếu hụt nhân lực trình độ cao

Nếu muốn giải quyết bài toán về tăng trưởng năng suất của khu vực FDI và khu vực chế biến chế tạo, trước tiên cần giải đáp câu hỏi vì sao các doanh nghiệp FDI lựa chọn áp dụng ở Việt Nam những công nghệ, cách thức hoạt động chú trọng về mở rộng quy mô nhân công giá rẻ, thay vì phát triển công nghệ cao? Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, việc các doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam vì lao động giá rẻ có thể bắt nguồn từ chính sự thiếu hụt nghiêm trọng và lâu dài nguồn nhân lực trình độ cao (các nhà khoa học, nhà quản lý, kỹ sư) ở thị trường lao động Việt Nam. Người lao động có xu hướng không muốn học hỏi, thể hiện ở tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo nghề đang tăng lên trong giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2013. Tỷ lệ này tăng từ 55,5% lên 65,5% trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng; tăng từ 30,5% lên 56,4% trong lĩnh vực dịch vụ.

Đồng tình với ý kiến này, theo ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, các doanh nghiệp hiện nay bỏ tiền ra đầu tư cho thiết bị rất nhanh nhưng năng lực của cán bộ vận hành lại không theo kịp hệ thống này. Trước thực trạng đó, Viện Năng suất đã và đang tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên gia năng suất Việt Nam nhằm có được một đội ngũ chuyên gia đủ năng lực đánh giá tổng thể, toàn diện, ‘bắt bệnh’ cho các doanh nghiệp và đưa ra đơn thuốc. “Chúng tôi xác định nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đầu tư về con người là điểm mấu chốt để phát triển năng suất lao động trong thời gian tới”, ông cho biết.

Thời gian qua, Viện Năng suất Việt Nam cũng đã phối hợp với VCCI tổ chức hàng trăm khóa huấn luyện liên quan đến năng suất cho doanh nghiệp, và trong thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp thêm với IPO và các mạng lưới năng suất do IPO thành lập trên thế giới để tổ chức các khóa tập huấn và chương trình tư vấn, cũng như có một chiến lược phối hợp dài hạn với JICA, IPO… trong tương lai để đẩy mạnh vấn đề này.

Bổ sung cho ý kiến trên, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, phải chú trọng phát triển đổi mới sáng tạo và KH&CN cho doanh nghiệp, “hai yếu tố tác động lớn nhất đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”. Trong thời gian tới, Việt Nam cần thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề tăng năng suất, bởi các cơ quan hoạch định chính sách về năng suất hiện nay hoạt động lẻ tẻ ở các Bộ như Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN. “Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về vấn đề năng suất, và bên cạnh đó, đây cũng là cơ quan hình thành nên một hệ sinh thái gắn kết và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông đề xuất.