Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NCAR) cho thấy rằng nồng độ oxy trong đại dương đang giảm nhanh do biến đổi khí hậu. Hiện tượng này sẽ mang đến những tác động xấu ở quy mô toàn cầu.

Cá voi và cá heo có thể nổi lên bề mặt nước để thở. Tuy nhiên, hầu hết các sinh vật biển khác đều phải sống phụ thuộc vào lượng oxy hòa tan trong nước biển. Và giờ đây, biến đổi khí hậu đang làm giảm nhanh nồng độ oxy trong các đại dương của Trái Đất.

Theo một nghiên cứu mới về chu trình sinh học và địa chất toàn cầu, thì các loài động vật sống ở biển như cá, sò, tôm, bạch tuộc sẽ không đủ lượng oxy để thở. Nếu không phát triển và thích nghi kịp, chúng sẽ chết hàng loạt ở mức độ toàn cầu.

"Sự mất đi oxy trong các đại dương là một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng do hiện tượng khí quyển ấm dần lên mang lại. Và điều này gây ra mối đe dọa lớn đối với cuộc sống của các sinh vật biển”, theo lời của tiến sĩ Matthew Long, tác giả của bài báo cáo và đồng thời là nhà khoa học đầu ngành đang nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NCAR).

Vì sao khí hậu nóng lên lại có thể tác động đến nồng độ oxy của đại dương?

Tài nguyên biển sẽ bị tổn hại rất lớn nếu đại dương tiếp tục mất đi oxy. Nguồn ảnh : Reuter
Tài nguyên biển sẽ bị tổn hại rất lớn nếu đại dương tiếp tục mất đi oxy. Nguồn ảnh : Reuter

Toàn bộ đại dương được cung cấp oxy từ mặt nước, tức hấp thụ khí oxy từ khí quyển thông qua những cơn sóng. Bên cạnh đó, thực vật phù du cũng có khả năng cung cấp một lượng lớn khí oxy vào trong nước thông qua quá trình quang hợp.

Khi trái đất nóng lên giống như hiện nay, khí oxy sẽ ít hòa tan hơn vào những tầng đại dương trên cùng. Bên cạnh đó, sẽ càng có ít oxy hơn nữa đi xuống các tầng biển sâu và lạnh bên dưới. Nước càng ấm thì sẽ càng nổi hơn so với nước lạnh. Trong khi đó, nước lạnh sẽ giữ được nhiều oxyhoà tanhơn so với nước ấm. Chính vì thế, khi Trái Đất càng nóng lên thì tầng nước bề mặt sẽ càng ấm và tạo thành một lớp ngăn chặn khí oxy hòa tan thâm nhập sâu vào đại dương.

"Rất nhiều loại hình sự sống dưới biển cả đều phải phụ thuộc vào oxy, chúng cần có oxy để tồn tại. Khi mức độ oxy giảm, các nguồn tài nguyên biển cũng sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng.

Các nhà nghiên cứu đã biết trước đó khá lâu về tác động xấu của việc sụt giảm mức độ oxy trong đại dương tác động đến đời sống biển cả. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là giả thuyết. Nghiên cứu của Tiến sĩ Long đã được thực chứng bằng cách sử dụng mô hình trên siêu máy tính nhằm mô phỏng tương lai của các đại dương nếu tình hình nóng lên toàn cầu tiếp tục tiến triển.

Bằng cách sử dụng các siêu máy tính của NCAR, nghiên cứu đã phát hiện rằng khoảng thời gian mức độ oxy trong đại dương bắt đầu bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu là vào thời điểm cách đây 15 năm, tức năm 2001. Tình trạng sụt giảm oxy sẽ tiếp tục lây lan sâu rộng ở mức độ toàn cầu trong 20 năm tiếp theo.

Điểm mấu chốt ờ đây là, chúng ta không có cách nào ngăn chặn được hiện tượng này nếu không chấm dứt được tình trạng nóng lên toàn cầu ngay lập tức.