Một sao chổi không đuôi và thành phần vật chất của nó có thể giúp giải đáp những câu hỏi về sự hình thành và tiến hóa của hệ Mặt Trời.


Giới thiên văn phát hiện C/2014 S3, tên của sao chổi không đuôi, vào năm 2014 nhờ hệ thống kính thiên văn Pan-STARRS, Science Advances đưa tin. Tuy nhiên, các nhà khoa học thường gọi nó là "Manx", tên của một loài mèo không đuôi. Những sao chổi như thế thường xuất hiện gần địa cầu.

Băng và các hợp chất hữu cơ đóng băng khác là thành phần chính của đa số sao chổi. Chúng hình thành ở rìa Thái Dương Hệ và có đuôi sáng khi chúng tiến về phía mặt trời. Đuôi sao chổi xuất hiện do băng bốc hơi khỏi sao chổi và phản xạ ánh sáng mặt trời. Nhưng Manx lại là thiên thể tối và không có đuôi.
Hình minh họa
Đá là thành phần chính của Manx, sao chổi không đuôi tới từ rìa hệ Mặt Trời. Ảnh: ESO

Kết quả phân tích cho thấy Manx không có băng mà chứa những dạng đá giống như các thiên thạch nằm trong vành đai vật chất giữa sao Hỏa và sao Mộc.

“Chúng ta đã biết nhiều thiên thạch, nhưng do chúng gần mặt trời nên nhiệt từ mặt trời thiêu chúng trong suốt hàng tỷ năm qua. Đây là viên đá trời chưa từng bị mặt trời thiêu đốt đầu tiên mà con người phát hiện”, Karen Meech, một nhà thiên văn của Đại học Hawaii, phát biểu.

Giới nghiên cứu tin rằng Manx ra đời gần địa cầu. Sau đó nó văng ra rìa hệ Mặt Trời trong quá trình các hành tinh chuyển động.

Karen Meech và những cộng sự phát hiện Manx tin rằng rất nhiều sao chổi giống như nó đang tồn tại. Thực tế đó có thể giúp các nhà khoa học chấm dứt tranh cãi về cơ chế và thời điểm hệ Mặt Trời biến đổi để có trạng thái như ngày nay.

“Tùy thuộc vào số lượng sao chổi giống như Manx, chúng ta sẽ biết các hành tinh khổng lồ di chuyển khắp hệ Mặt Trời khi chúng mới ra đời, hay chúng phát triển một cách lặng lẽ và không di chuyển nhiều”, Olivier Hainaut, một nhà thiên văn của Đài thiên văn Nam Âu ở Đức, tuyên bố.