Tại các tổ chức nghiên cứu kinh tế trên toàn cầu, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 1/3 các vị trí cấp dưới và 1/4 các vị trí cấp cao - theo một nghiên cứu mới.

Hầu hết các nghiên cứu về bình đẳng giới trong nghiên cứu kinh tế từ trước đến nay chỉ tập trung vào các quốc gia riêng lẻ. Vì thế nhà kinh tế học Emmanuelle Auriol tại Trường Kinh tế Toulouse, Pháp, và các đồng nghiệp đã quyết định khảo sát vấn đề này ở các tổ chức nghiên cứu kinh tế trên khắp thế giới. (Tuy nhiên nghiên cứu của nhóm Auriol không bao gồm nhiều tổ chức ở Châu Phi hoặc Đông Nam Á.) Kết quả công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences tháng này.

Để thu thập dữ liệu, nhóm Auriol tạo ra một thuật toán có thể thống kê giới tính và chức danh công việc của 96.044 nhân viên từ 1.383 tổ chức nghiên cứu kinh tế. Tất cả các chức danh công việc khác nhau từ khắp nơi trên thế giới được sắp xếp vào một hệ thống phân cấp: giáo sư (professor) và phó giáo sư (associate professor) được xếp vào vị trí cấp cao; giáo sư trợ lý (assistant professor) và giảng viên (lecturer)là vị trí cấp dưới; và nghiên cứu sinh là cấp khởi điểm.

Kết quả, trung bình trên toàn cầu, phụ nữ chỉ chiếm 32% tất cả các vị trí nghiên cứu kinh tế. Đáng lo ngại hơn, trong khi tỷ lệ nam nữ nhìn chung không chênh lệch quá lớn ở cấp khởi điểm và cấp dưới, thì càng lên vị trí cao hơn tỷ lệ phụ nữ càng thấp hơn rõ rệt. Tỷ lệ phụ nữ là 40% ở cấp khởi điểm và cấp dưới, nhưng lên đến cấp cao tỷ lệ này chỉ còn 27%.

Ngạc nhiên là mẫu hình bỏ qua phụ nữ này nhất quán ở các cơ sở nghiên cứu trên toàn cầu, theo Anusha Chari, nhà kinh tế học tại Đại học Bắc Carolina.

Một hội đồng toàn nam tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg, Nga, năm 2018.

Nếu chỉ tính riêng 300 tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầuthì phụ nữ cũng ít tham gia hơn nam giới. Cụ thể, Úc và New Zealand có tỷ lệ phụ nữ trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế cao nhất - 35%, Châu Âu 32%, Bắc Mỹ 26%, phần còn lại của thế giới có tỷ lệ 34%.

Ở nhóm các tổ chức hàng đầu xuất hiện một tình trạng đáng báo động khác: có ít phụ nữ ở các vị trí khởi điểm hơn so với các tổ chức xếp hạng thấp, cho thấy phụ nữ không thường được các tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu chú ý tuyển dụng như nam giới. Điều này đặc biệt rõ ở Mỹ. “Đây không phải là bằng chứng, nhưng dựa trên các nghiên cứu đã có đến nay, chúng tôi tin rằng đang có sự phân biệt đối xử,” Auriol nói.

Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng văn hóa làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế có thể không thân thiện đối với phụ nữ với các yếu tố như phân biệt đối xử, hành vi không phù hợp ở nơi làm việc, xu hướng chỉ trích phụ nữ, thiên vị tuyển dụng và thăng chức. Tất cả những điều này đều có thể góp phần vào khoảng cách giới và không có yếu tố nào là nguyên nhân duy nhất, theo các nhà nghiên cứu.

Tỷ lệ phụ nữ làm việc ở các vị trí nghiên cứu kinh tế theo từng khu vực (màu xanh: tất cả các vị trí; màu cam: các vị trí cấp cao).

Tình trạng mất cân bằng có thể tạo thành vòng lặp, vì sẽ càng có ít hình mẫu phụ nữ nghiên cứu kinh tế để tạo động lực cho những người khác, theo nhóm Auriol. So với nam giới, phụ nữ thường có xu hướng nghiên cứu nhiều về các chủ đề như sức khỏe và giáo dục hơn, vì vậy mất cân bằng giới tính có thể kéo theo tình trạng nghiên cứu kinh tế “nghiêng về các chủ đề được nam giới yêu thích, không nhất thiết là những chủ đề quan trọng nhất đối với xã hội”, Auriol nói.

"Cần phải ghi nhận đầy đủ tình trạng thiên lệch này, để không ai có thể phủ định hoặc cho rằng không tồn tại thiên lệch," theo nhóm Ariol.

Nguồn: