Được coi là một món ăn đặc sản ở Trung Quốc và Việt Nam, ba ba yếm đốm phải đối mặt với những mối đe dọa từ việc săn bắt làm thực phẩm và mất môi trường sống. Các nhà bảo tồn đã khởi xướng các chương trình nhân giống ở Việt Nam để phục hồi quần thể ba ba này.

f
Một chú ba ba yếm đốm con được các nhà khoa học nhân giống. Ảnh:C. T. Pham and T. Ziegler

Ba ba yếm đốm (Pelodiscus variegatus) thuộc chi Pelodiscus, phân bố rộng rãi từ miền đông nam Siberia qua Trung Quốc đến Việt Nam. Tuy nhiên, phạm vi sống của chúng hiện đã mở rộng đến Indonesia, miền bắc Australia, Tây Âu, Bắc Mỹ, Hawaii và Mauritius do hoạt động vận chuyển và chăn nuôi của con người.

Loài ba ba yếm đốm đã được các nhà khoa học Hungary, Đức và Việt Nam mô tả năm 2019 trên tạp chí Zookeys (tháng 2/2019) với mẫu chuẩn thu được ở Việt Nam và các mẫu tham khảo thu ở đảo Hải Nam, Trung Quốc. Loài này có đặc điểm hình thái rất giống với loài ba ba trơn, một loài được nuôi khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, ba ba yếm đốm có những đặc điểm hình thái và di truyền khác biệt so với các loài khác trong chi Pelodiscus.

Do sự giống nhau tương đối về hình thái, lối sống dưới nước của chúng và phải đối diện với tình trạng bị khai thác quá mức, các nhà khoa học thường gặp khó khăn trong việc nghiên cứu chúng trong môi trường sống tự nhiên để hiểu rõ hơn về sự phân bố cũng như quần thể và tình trạng bảo tồn của chúng.

Nhóm công tác phân loại rùa, cơ quan toàn cầu về tình trạng phân loại và bảo tồn loài rùa trên toàn thế giới, đã tạm thời phân loại loài này là Cực kỳ nguy cấp, cấp độ dành cho các loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở mức cao nhất.

Dựa trên việc nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực địa khắp Việt Nam và sàng lọc di truyền các mẫu thu thập được, các nhà nghiên cứu như GS.TS. Nguyễn Quảng Trường, TS Phạm Thế Cường (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam); TS. Lê Đức Minh (ĐH Quốc gia Hà Nội); PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo (Viện Nghiên cứu hệ Gene, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã phối hợp với các nhà khoa học quốc tế nhằm ước tính phạm vi và tình trạng bảo tồn của loài ba ba yếm đốm Pelodiscus variegatus. Sau đó họ đã sử dụng mô hình vào việc mô hình hóa phạm vi sống tiềm năng của loài này ở Việt Nam. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Conservation.

Điều đáng báo động là mặc dù một số khu bảo tồn ở Việt Nam có những đặc điểm phù hợp để trở thành môi trường sống cho ba ba yếm đốm, nhưng tuyệt nhiên họ tìm thấy bất kỳ quần thể ba ba yếm đốm nào ở những khu vực này, chứng tỏ loài ba ba yếm đốm đặc biệt dễ bị tuyệt chủng.

Để phục hồi quần thể tự nhiên của loài, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và Vườn thú Cologne, Đức, đã khởi xướng một chương trình nhân giống trong nước. Cụ thể, các nhà khoa học đã triển khai chương trình nhân nuôi bảo tồn tại Trạm Đa dạng sinh học Mê Linh và một cơ sở nuôi khác tại tỉnh Hải Dương với mục đích tạo nguồn con giống để thả lại tự nhiên khi cần thiết. Chương trình nhân nuôi bước đầu đã thành công với những cá thể đầu tiên được sinh ra trong môi trường nuôi nhân tạo và các cá thể ba ba thế hệ F1 đang sinh trưởng và phát triển tốt. Cuối năm 2023, họ đã thả 50 chú ba ba con khỏe mạnh ở một địa điểm có khí hậu và môi trường sống phù hợp ở miền Bắc Việt Nam.

Nghiên cứu này dựa trên phương pháp Tiếp cận Một Kế hoạch (One Plan) của Nhóm chuyên gia lập kế hoạch bảo tồn thuộc IUCN. Nghiên cứu không chỉ hướng đến cải thiện môi trường sống của loài ba ba, mà còn nhằm gia tăng số lượng loài bị đe dọa ở các trạm nhân giống và vườn thú để duy trì quần thể phù hợp.

Các nhà khoa học hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều cá thể ba ba yếm đốm được đưa đến các khu bảo tồn ở Bắc Trung Bộ Việt Nam nói chung, khu bảo tồn ba ba yếm đốm nói riêng, từ đó giúp đảo ngược chiều hướng suy giảm cá thể, và góp phần hiện thực hoá Phong trào Reserve the Red. Đây là một phong trào toàn cầu nhằm khơi gợi nỗ lực hợp tác và hành động chiến lược nhằm đảm bảo sự tồn tại của các loài hoang dã và hệ sinh thái, đồng thời đảo ngược xu hướng mất đa dạng sinh học. Reverse the Red hướng đến áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu và dựa trên cơ sở khoa học để đánh giá, lập kế hoạch và hành động để bảo tồn loài.