“Ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan hiện sở hữu một lợi thế đặc thù. Đó là các kỹ sư vô cùng tận tụy với công việc”, ông Morris Chang (Trương Trung Mưu), nhà sáng lập công ty TSMC, đã nêu nhận định như vậy trong một hội thảo mới đây tại Đài Bắc.

Ông Trương Trung Mưu (92 tuổi), nhà sáng lập TSMC, xuất hiện trong một sự kiện mới đây tại Đài Bắc. Ảnh: CN
Ông Trương Trung Mưu (92 tuổi), nhà sáng lập TSMC, xuất hiện trong một sự kiện mới đây tại Đài Bắc. Ảnh: CN

Theo số liệu do ông Trương – người đã nghỉ hưu từ 2018 sau hơn 30 năm phục vụ TSMC ở cương vị chủ tịch – cung cấp, nhà sản xuất chip số một thế giới có tỷ lệ nhân viên rời bỏ hãng (turnover rate) rất thấp, chỉ khoảng 4 – 5 %/năm. Trong khi tỷ lệ này ở Mỹ lại giao động từ 15 đến 20% (trái ngược với thời hoàng kim của thập niên 1950 – 1960). Những công ty chế tạo bán dẫn lớn như TSMC thường mất vài năm để đào tạo các kỹ sư và cả công nhân vận hành dây chuyền sản xuất. Vì vậy, “làm thế nào một nhà cung cấp với tỷ lệ nhân viên rời bỏ công ty trên 10%/năm có thể đạt được thành tựu bền vững?”, ông Trương nói.

Được mệnh danh là “ông trùm” (godfather) của ngành công nghiệp bán dẫn, người đàn ông 92 tuổi này đã sáng tạo ra một mô hình kinh doanh độc đáo mang tên TSMC Open Innovation Platform (OIP hay Nền tảng Sáng tạo mở TSMC). Theo đó, các đối tác sẽ tập trung vào khâu thiết kế vi mạch và thuê ngoài (outsource) hoạt động sản xuất cho những xưởng đúc chuyên doanh (pure-play foundry) như TSMC; còn nhiệm vụ của TSMC là đầu tư nguồn lực để sở hữu các công nghệ sản xuất tiên tiến và làm ra những tấm wafer bán dẫn (cùng con chip) tốt nhất. Mô hình này đã cho thấy tính ưu việt của nó khi giúp TSMC nhanh chóng vươn lên trở thành nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới – chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu. Nhờ cách tiếp cận khôn ngoan (không cạnh tranh với khách hàng của chính mình) mà TSMC đã giành được sự tin tưởng tuyệt đối của các đối tác. Từ Apple, NVIDIA, Qualcomm, AMD, MediaTek, Broadcom,… cho đến Tesla, tất cả đều tin tưởng outsource mảng sản xuất (chip) cho TSCM để tập trung toàn bộ nguồn lực cho lĩnh vực thiết kế và thương mại hóa sản phẩm. Ông Trương mô tả OIP về bản chất chính là một hình thức làm việc nhóm (team work).

Tại Đài Loan, TSMC hiện đang vận hành các cơ sở sản xuất ở cả Tân Trúc (miền Bắc), Đài Trung (miền Trung) và Đài Nam (miền Nam). Nhờ cơ sở hạ tầng tốt cùng mạng lưới giao thông kết nối hoàn hảo mà hàng nghìn kỹ sư của công ty có thể di chuyển dễ dàng và nhanh chóng từ nhà máy này sang nhà máy khác để xử lý công việc, thông qua hệ thống tàu cao tốc (Shinkansen) có tốc độ trung bình lên tới 300km/h. So với Đài Loan thì nước Mỹ rộng lớn hơn nhiều và mô hình làm việc như vậy là bất khả thi – ông Trương nhận định.

.
.

TSMC từng thông báo sẽ đầu tư khoảng 40 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy (fab) bán dẫn tiên tiến tại tiểu bang Arizona (Mỹ). Fab đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt chip trên tiến trình 4nm từ năm 2025; còn fab thứ hai, dựa trên tiến trình 3nm phức tạp hơn, sẽ chính thức đi vào vận hành từ năm 2026. Tuy nhiên, tiến độ của fab đầu tiên hiện đang bị chậm so với kế hoạch do thiếu nhân lực đủ chuyên môn. Tháng sáu vừa qua, tạp chí Fortune đã trích dẫn lời phàn nàn của một số cựu nhân viên và cả những người đang làm việc cho TSMC tại Mỹ về văn hóa doanh nghiệp “khắc nghiệt” của công ty này trên Glassdoor (một diễn đàn cho phép các thành viên đánh giá doanh nghiệp ở chế độ ẩn danh). Một kỹ sư cho biết “nhiều nhân viên đã phải ngủ tại văn phòng trong suốt một tháng; ca làm việc tiêu chuẩn kéo dài 12 tiếng và việc tăng ca vào cuối tuần là chuyện hết sức phổ biến”. Một cựu nhân viên khác viết “phương thức TSMC gắn liền với sự vâng lời, và Mỹ chưa sẵn sàng cho điều đó”. Ông Mark Liu (Lưu Đức Âm) – người kế nhiệm ông Trương làm chủ tịch TSMC – cho rằng: “Những ai không sẵn lòng làm việc theo ca thì không nên tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn, bởi lĩnh vực này bên cạnh chuyên môn còn đòi hỏi sự đam mê”.

Ngày 6/12/2022, trong lễ khai trương nhà máy Phoenix (Phoenix Fab) của TSMC tại Arizona, ông Trương đã phát biểu: “Thế giới đang chứng kiến rất nhiều sự đổi thay về mặt địa chính trị trong suốt 25 năm qua. Toàn cầu hóa đang ngắc ngoải và thương mại tự do thì cũng gần như đã chết. Nhiều người vẫn mong sẽ sớm quay trở lại viễn cảnh cũ, nhưng tôi cho là sẽ rất khó”. Do chính sách của Mỹ nên TSMC gần đây đã phải mang nhà máy vượt Thái Bình Dương, bất chấp việc chi phí sản xuất có thể cao hơn tới 30%. Ông Trương cho biết công ty ông đã thuê 600 kỹ sư Mỹ rồi gửi họ sang Đài Loan đào tạo 1,5 năm, sau đó lại tiếp tục làm như vậy với một lứa nữa. Điều này cho thấy ngay cả Mỹ cũng không có đủ kỹ sư nắm vững know-how để làm ra những con chip tiên tiến nhất cho Apple.

Cũng trong thông cáo báo chí mới đây, Ủy ban Kiểm soát Đầu tư Đài Loan (TIC) cho biết đã phê duyệt hồ sơ của TSMC xin chuyển thêm 4,5 tỷ USD sang Mỹ để tăng cường quy mô vốn của công ty con TSMC Arizona Corp – lần thứ hai trong năm nay (lần thứ nhất là vào tháng ba, với khoản tiền lên đến 3,5 tỷ USD).


Việt Nam đang rất kỳ vọng vào sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn sau những chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Joe Biden (tới Hà Nội hôm 10 – 11/09/2023) và Thủ tướng Phạm Minh Chính (tới Mỹ mới đây), cùng với việc hai nước thống nhất nâng cấp mối quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, để viễn cảnh đó có thể trở thành hiện thực thì Việt Nam cần phải giải quyết được bài toán thiếu nhân lực chất lượng cao, như Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần khoảng 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay mới chỉ đáp ứng chưa tới 20%”.

Trong chuyến thăm và làm việc tại thung lũng Silicon vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân) – nhà sáng lập kiêm CEO NVIDIA, công ty bán dẫn có vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới (1000 tỷ USD, gấp hơn 7 lần Intel). Thủ tướng đã mời ông Hoàng sớm tới thăm Việt Nam và mong NVIDIA cân nhắc đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam. NVIDIA đang thuê 4000 kỹ sư Ấn Độ, còn tại Trung Quốc là 3000. Khi Thủ tướng nói kỳ vọng sẽ có khoảng 1000 kỹ sư Việt Nam làm việc cho NVIDIA thì ông Hoàng cho biết bản thân đang nghĩ đến con số 40.000 sau cuộc gặp với Thủ tướng. Câu nói của ông Hoàng có thể sẽ khiến người Việt Nam hết sức phấn khởi, nhưng đó đồng thời cũng là lời nhắc nhở rằng chúng ta hãy tập trung đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi hơn nữa.