Việc nghiên cứu hóa thạch gỗ giúp tìm hiểu về môi trường hình thành của thời tiền sử và tiến hóa của chúng trên vỏ Trái đất.

v
Mẫu gỗ tuổi Creta thu được ở Bình Dương. Các đặc điểm mô gỗ này thể hiện mối quan hệ gần gũi với các loài ở chi Eucalyptus L’Her trong họ Myrtaceae. Tại Việt Nam, chi Eucalyptus có khoảng 24 loài phân bố khắp từ miền Bắc tới miền Nam. Ảnh: VAST

Hóa thạch gỗ là một dạng hóa thạch đặc biệt của giới thực vật. Nghiên cứu định loại gỗ hoá thạch không chỉ dựa trên đặc điểm mô gỗ hoá thạch mà còn kết hợp của các nghiên cứu hóa thạch lá, hoa, quả, bào tử phấn,… nhằm xác định một cách đầy đủ nhất tính chất của gỗ. Việc nghiên cứu hóa thạch gỗ giúp tìm hiểu về môi trường hình thành của thời tiền sử và tiến hóa của chúng trên vỏ Trái đất.

Hóa thạch gỗ ở Việt Nam được tìm thấy ở nhiều mức địa tầng thuộc các kỷ Devon (từ. 419,2 đến 358,9 triệu năm trước), Trias (251 đến 200 triệu năm trước), Jura (200 đến 146 triệu năm trước), Creta (145 đến 66 triệu năm trước), Paleogen (65,5 đến 23 triệu năm trước), Neogen (23 đến 2,6 triệu năm trước), Đệ tứ (2,58 triệu năm trước đến nay). Chỉ một số ít được các nhà cổ sinh vật người Pháp nghiên cứu, hầu hết các hóa thạch gỗ chưa có kết quả phân tích, giám định.

Trong đề tài "Nghiên cứu, thu thập một số loại gỗ hóa thạch ở Việt Nam phục vụ trưng bày cho hệ thống Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam", TS. Doãn Đình Hùng và nhóm nghiên cứu Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã thu thập mẫu ở Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn), Hòn Gai (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Suối Bàng (Sơn La), Bình Dương, Chư A Thai (Gia Lai)...

Mục đích của nghiên cứu này nhằm phân loại một số mẫu gỗ hóa thạch ở Việt Nam theo hệ thống phân loại nhân tạo dựa trên đặc điểm giải phẫu mô gỗ hóa thạch; xác định thành phần vật chất, điều kiện cổ môi trường cũng như ý nghĩa khoa học và giá trị kinh tế của gỗ hóa thạch ở Việt Nam; đồng thời sưu tập bộ mẫu gỗ hóa thạch phục vụ công tác nghiên cứu, chế tác và trưng bày của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam.

Lát mỏng thể hiện các mô gỗ mẫu
Lát mỏng thể hiện các mô gỗ thu thập được ở, núi Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Ảnh: VAST

Đề tài đã tổng quan được phân bố địa lý, địa tầng và đặc điểm địa tầng chứa gỗ hóa thạch ở Việt Nam; phân loại và định loại được 16 taxon (đơn vị phân loại) cho 16 mẫu hóa thạch thực vật thân gỗ gồm 1 taxon tuổi Devon, 3 taxon tuổi Trias, 2 taxon tuổi Paleogen và 10 taxon tuổi Neogen – Đệ tứ.

Nhóm nghiên cứu đã xác định được thành phần vật chất cho 5 mẫu gỗ hóa thạch gồm 1 mẫu tuổi Trias, 1 mẫu tuổi Jura, 1 mẫu Creta, 1 mẫu Paleogen và 1 mẫu tuổi Đệ tứ. Nhóm đồng thời thu thập được bộ mẫu gồm 22 mẫu gỗ hóa thạch trong các địa tầng Devon, Trias, Jura, Creta, Paleogen, Neogen và Đệ tứ phục vụ công tác trưng bày.

Một phần kết quả nghiên cứu đã được các nhà khoa học công bố trong bài báo Leaf fossils of Sabalites (Arecaceae) from the Oligocene of northern Vietnam and their paleoclimatic implications trên tạp chí Plant Diversity. Đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam xếp loại Xuất sắc.