Là một nền tảng tạo chatbot nắm bắt được xu hướng thị trường từ sớm, Mindmaid cho biết mục tiêu của mình là góp phần làm cho chatbot tiếng Việt trở nên phổ biến và mọi người sẽ sử dụng chatbot để làm công việc của họ một cách tốt hơn.

Đặng Hải Lộc (áo xanh), đồng sáng lập Mindmaid
Đặng Hải Lộc (áo xanh), đồng sáng lập Mindmaid

Tự tạo chatbot AI

Bạn có thể đã nghe nói về chatbot và nhanh chóng bỏ ngoài tai vì chúng có vẻ “phô trương” hoặc “đắt đỏ”. Nhưng khi không chỉ các công ty lớn như VNPT hay Vinschool đang phát triển chatbot của riêng mình mà cả những shop thời trang online hay các tiệm bánh sinh nhật cũng đang xây chatbot riêng thì bạn nên nghiêm túc xem xét việc tạo cho mình một chatbot nhanh nhất có thể.

Đó không phải là viễn cảnh quá xa lạ, đặc biệt khi ChatGPT của OpenAI đã bùng nổ toàn cầu vào năm ngoái. Trái với những gì nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tin tưởng, chatbot AI không chỉ dành cho giới thượng lưu công nghệ mà đang tạo ra một sự bình đẳng đáng kinh ngạc. Đặng Hải Lộc, đồng sáng lập Mindmaid nói rằng các chi phí sử dụng chatbot AI sẽ “rẻ như các công nghệ phổ thông". Sớm thôi, người ta sẽ dùng nó phổ biến như việc có một chiếc smartphone hay chạy xe máy ngoài đường.

Vậy chatbot AI là gì và tại sao bạn lại muốn có chúng? Thực tế thì “chatbot AI” là cách gọi dân dã để người mới tiếp cận dễ hiểu đây là sản phẩm chat (trò chuyện) được vận hành bởi AI (trí tuệ nhân tạo). Nhưng thực tế thì “chatbot AI” đang tiến hóa rất xa so với chatbot truyền thống về khái niệm lẫn kĩ thuật.

Trong khi chatbot truyền thống chỉ là những kịch bản sẵn có được tự động hóa, không thực sự “hiểu” người chat nói gì, cũng không biết “nghĩ” để tìm ra câu trả lời, lại càng không giỏi “ăn nói” để biết tùy biến nội dung theo tình huống và từng người hỏi thì chatbot AI hoạt động dựa trên các mô hình AI phức tạp, điển hình là các mô hình ngôn ngữ lớn (Large language model - LLM), để duy trì một cuộc hội thoại tự nhiên với con người. Yếu tố hội thoại tự nhiên này rất quan trọng và là điểm khác biệt chính giữa hai loại chatbot. Nó khiến cho chatbot AI có vẻ "giống như người" hơn.

Thật may, các chatbot AI như vậy đã xuất hiện và ngày càng phổ biến. Tidio gần đây đã tiến hành nghiên cứu để xem có bao nhiêu người sẽ quan tâm đến việc sử dụng chatbot và62% khách hàng nói rằng họ sẽ lựa chọn tương tác với chatbot thay vì phải chờ đợi nhân viên để được hỗ trợ. Nguyên nhân là do chatbot AI có khả năng xử lý gần như mọi tác vụ thường gặp với thời gian đợi chỉ dưới một giây.

Vậy làm thế nào để ta có được chatbot AI một cách nhanh chóng? Nền tảng Mindmaid có thể là câu trả lời. Mindmaid không trực tiếp xây từng chatbot AI cho mỗi khách hàng nhưng họ hướng dẫn khách hàng của mình cách chuẩn bị dữ liệu huấn luyện và cách dạy cho chatbot làm theo yêu cầu mà họ mong muốn, tất cả chỉ trong vòng 10 phút.

Sau khi dạy xong, khách hàng có thể thêm chatbot đó vào website, Facebook Messenger, Zalo để tương tác với bên ngoài hoặc dùng nội bộ trong chính công ty mình. Các chatbot không đòi hỏi cấu hình tính toán quá cao, thậm chí có thể chạy được trên các laptop/PC hoặc điện thoại di động thông thường. Chúng có thể được triển khai trên các đám mây công cộng (cloud) hoặc hạ tầng riêng của doanh nghiệp (on-premises) để đảm bảo an toàn dữ liệu.

Với Mindmaid, chi phí để khởi tạo và duy trì một chatbot AI như vậy hiện vào khoảng 130.000 – 180.000 đồng/tháng. Theo nhiều người đánh giá, chi phí như vậy đã đủ thấp để có thể áp dụng đại trà với bài toán chăm sóc khách hàng. Với một số bài toán khác, chi phí của những giải pháp cũ còn đắt hơn và chatbot AI, dù chưa quá hoàn mỹ, cũng là một lựa chọn không tồi.

Công ty khởi nghiệp này hiện có khoảng 5.000 người dùng, trong đó khoảng 100 người dùng đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và bộ phận kỹ thuật hoặc chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp lớn. Anh Lộc tiết lộ, các chatbot mà khách hàng tạo ra trên nền tảng của họ chủ yếu dành cho công việc chăm sóc khách hàng (đa số), đào tạo nội bộ, gia sư cá nhân, tuyển dụng tự động, bán hàng tự động và trợ lý ảo nghiên cứu.

Họ đã gặp một số trường hợp tạo chatbot khá thú vị, chẳng hạn một chatbot gia sư tên là “Học cùng con”. Chatbot này giúp cha mẹ hướng dẫn con làm bài tập và giải thích dễ hiểu các khái niệm. Ba mẹ có thể chụp hình bài tập của con gửi lên (ví dụ phân tích phép tu từ trong câu thơ) và chatbot sẽ đưa ra cách giải thích phù hợp (chẳng hạn, đó là phép tu từ gì và nó nhấn mạnh những cảm xúc nào).

Họ cũng có một khách hàng là công ty cung cấp phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang hướng tới việc tạo ra một chatbot có thể thực hiện các tác vụ chuyên sâu. Công ty này sẽ cung cấp cho chatbot các tài liệu ảnh về bệnh trên lá/thân để khi người nông dân chụp cây trồng gửi lên hỏi thì chatbot có thể chẩn đoán bệnh và tư vấn thuốc. Nếu chatbot không thể phát hiện được bệnh, nó sẽ chuyển cho chuyên viên.

Điều gì đằng sau?

Nếu nhìn lại tất cả, Mindmaid đang hoạt động theo đúng nghĩa là một nền tảng. Họ không nắm trong tay các mô hình AI, vốn là “xăng” cho các cỗ máy chatbot. Họ là “trạm xăng”, nơi đổ xăng cho các cỗ xe ứng dụng khác nhau. Trên thực tế, Mindmaid kết nối với ChatGPT thông qua cổng API để cung cấp sức mạnh cho các chatbot AI của mình, đồng thời sử dụng thêm mã nguồn mở của các mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt khác để tạo thêm lựa chọn cho khách hàng.

Theo anh Đặng Hải Lộc, bài toán về chatbot AI giờ không nằm ở công nghệ mà ở việc đưa công nghệ đó ra thị trường thế nào. Công nghệ của ChatGPT đã hoàn thiện từ năm 2020 nhưng phải đến đầu năm 2023, ChatGPT mới có sự bùng nổ về người dùng. Vì mỗi một giai đoạn công nghệ sẽ có những bí quyết thành công khác nhau và giai đoạn hiện nay, chatbot AI đã trải qua đỉnh điểm thổi phồng kỳ vọng, vượt qua sự vỡ mộng về một sức mạnh “thay thế hết con người”, và những gì còn sót lại là một ứng dụng thực tế khá an toàn, bớt rủi ro và hiệu quả.

.

Đội ngũ sáng lập Mindmaid đã nhìn thấy cơ hội của chatbot từ cách đây bốn năm, khi bắt đầu nương theo làn sóng AI. Qua phân tích, họ biết rằng các động cơ AI kỳ diệu sẽ cần được tích hợp vào tất cả thiết bị xung quanh và sẽ xuất hiện nhu cầu đưa những dữ liệu riêng của doanh nghiệp, cá nhân vào để tùy biến cho những mục tiêu cụ thể. Họ cũng thấy trước tiềm năng của công nghệ AI tạo sinh, khi công nghệ này có thể “làm hết mọi thứ” tốt hơn cả các startup SaaS đang làm và sẽ đe dọa sự tồn tại của những công ty phần mền như vậy. Do đó, khi làm sản phẩm, Mindmaid quyết định tập trung vào xu hướng chứ không phải giải pháp công nghệ cụ thể.

Trong cuộc cạnh tranh tạo chatbot cho thị trường nội địa, điều mà Mindmaid làm tốt hơn các đối thủ hiện có là đi nhanh hơn và tạo được hệ sinh thái sớm hơn.

Mindmaid đã tung ra các sản phẩm của mình ngay khi ChatGPT tạo sóng. Cùng với sự giảm chi phí của công nghệ ChatGPT và sự lên ngôi của các LLM nguồn mở, họ nhanh chóng mở rộng được tệp người dùng. Thực tế, chi phí là vấn đề cân nhắc lớn nhất khi khách hàng lựa chọn dùng chatbot hay không. Nhiều khách hàng thấy trước doanh số có thể tăng lên mười lần nếu dùng chatbot, nhưng đến khi tính ra chi phí áp dụng trên tập người dùng lớn thì họ thường bỏ chạy vì quá đắt. Mindmaid đánh cược vào chi phí AI sẽ giảm và quả thực điều này đã xảy ra.

“Chi phí API ChatGPT đã rẻ đi khoảng 10-20 lần chỉ trong một năm qua. Chạy qua mã nguồn mở có thể giảm thêm 5-10 lần. Thêm các giải pháp tối ưu của Mindmaid nữa thì khách hàng sẽ giảm thêm cả vài chục phần trăm.”, anh Lộc cho biết.

Hệ sinh thái cũng góp phần cho thành công của Mindmaid. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có thể dễ dàng hiểu và áp dụng chatbot AI vào hoạt động của mình thì các doanh nghiệp Việt Nam cần hỗ trợ rất nhiều, thậm chí là “cầm tay chỉ việc”.

Do vậy, startup này đã tạo ra các hướng dẫn, khóa đào tạo, nhóm cộng đồng và chương trình tài trợ cho học sinh, sinh viên để mọi người có thể hiểu và xây dựng chatbot trên nền tảng. Trên thực tế, họ đang nhân rộng ra các tỉnh bằng cách chuyển giao kinh nghiệm với 40 đối tác khác nhau. “Mọi người sẽ giới thiệu nhau khi họ dùng thấy có ích”, anh Lộc nói.

Mindmaid đặt mục tiêu sẽ phủ khắp thị trường Việt Nam trong vòng sáu tháng tới với khoảng 20.000-30.000 người dùng.