Nghiên cứu mới, đã được đăng trên tạp chí The Lancet, tiết lộ quy mô thực sự của tình trạng kháng thuốc kháng sinh trên toàn thế giới.


Hai đĩa nuôi cấy vi khuẩn, trên đó đặt nhiều loại kháng sinh khác nhau (chấm màu trắng). Đĩa bên phải chứa vi khuẩn kháng kháng sinh.

Dựa trên hơn 470 triệu hồ sơ cá nhân từ các nghiên cứu, hệ thống bệnh viện, hệ thống giám sát, v.v... nghiên cứu Toàn cầu mới về Kháng thuốc (Gram) ước tính các trường hợp tử vong liên quan đến 23 mầm bệnh và 88 tổ hợp thuốc - mầm bệnh kháng thuốc ở 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2019.

Đây là nghiên cứu toàn diện nhất cho đến nay về tác động toàn cầu của AMR, ước tính được cả tác động của AMR ở những nơi có không có dữ liệu. Trước đây đã có các ước tính nhưng chỉ ở một số quốc gia và khu vực, hoặc chỉ ước tính tác động của một số tổ hợp thuốc - mầm bệnh kháng thuốc nhất định.

Cụ thể, Gram cho biết, năm 2019, AMR là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 1,27 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, và liên quan đến ước tính 4,95 triệu ca tử vong. (Để so sánh, cùng năm, HIV/AIDS và sốt rét được ước tính đã gây ra lần lượt 860.000 và 640.000 ca tử vong.) AMR đe dọa mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ nhỏ là nhóm gặp nguy cơ đặc biệt cao, 1/5 số trường hợp tử vong do AMR xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Rất nhiều trường hợp tử vong đang xảy ra do các bệnh nhiễm trùng thông thường, đáng nhẽ có thể điều trị được, nhưng vi khuẩn gây ra các bệnh này đã trở nên kháng thuốc.

Theo khu vực, tử vong trực tiếp do AMR xảy ra nhiều nhất ở khu vực châu Phi cận Sahara và Nam Á. Cụ thể, cứ 24 trường hợp tử vong trên 100.000 dân ở đó là do AMR. Ở Nam Á, tỷ lệ này là 22/100.000.

Ở các nước có thu nhập cao, AMR trực tiếp dẫn đến 13 trường hợp tử vong trên 100.000 dân và liên quan đến 56 trường hợp tử vong trên 100.000 dân. Ở Tây Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, hơn 51.000 người đã chết do hậu quả trực tiếp của AMR trong năm 2019.

“Những dữ liệu mới tiết lộ quy mô thực sự của tình trạng kháng thuốc kháng sinh trên toàn thế giới và là một tín hiệu rõ ràng rằng chúng ta phải hành động ngay bây giờ để chống lại mối đe dọa này”, đồng tác giả của báo cáo, Giáo sư Chris Murray thuộc Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe tại Đại học Washington, cho biết.

Cụ thể, các nước cần nhanh chóng tối ưu hóa việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh hiện có, tìm cách theo dõi và kiểm soát nhiễm trùng sát sao hơn trên diện rộng, đồng thời đầu tư để phát triển các loại thuốc kháng sinh và phương pháp điều trị mới.

Các chuyên gia cho biết có thể ứng phó với AMR như cách thế giới đã ứng phó với COVID-19, đưa ra các biện pháp kiểm soát lây nhiễm, chẳng hạn như rửa tay và truy vết, và nhanh chóng đầu tư vào các phương pháp điều trị AMR. “Giống như COVID-19, chúng ta biết cần phải làm gì để ứng phó với AMR, nhưng điều cần thiết là phải hợp tác với tinh thần cấp bách và đoàn kết toàn cầu nếu muốn thành công," Tim Jinks, người đứng đầu chương trình nhiễm trùng kháng thuốc tại Quỹ Wellcome, nói.


Nguồn: