Việc tiếp cận theo hướng kết hợp mật ong với hoa quả đã giúp một thương hiệu mật ong Việt Nam gia tăng giá trị trên thị trường quốc tế và góp phần tạo uy tín cho hàng nông sản Việt.

TỪ MẬT ONG TỰ NHIÊN SANG CHẾ BIẾN

Từ khi thành lập từ giữa năm 2002 đến nay, công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) đã phát triển hơn 20.000 đàn ong đi tìm kiếm nguồn mật hoa ở nhiều vùng rừng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Lục Ngạn (Bắc Giang), Mộc Châu, Sông Mã (Sơn La), Hưng Yên, Điện Biên, Hà Giang, Lâm Đồng, Bến Tre, Tây Ninh…và đã tạo ra được một số sản phẩm mât ong chất lượng tốt được người tiêu dùng trong nước đón nhận.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Honeco, dù Việt Nam luôn nằm trong top những nước có sản lượng mật ong xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu ‘thô’ nên giá trị kinh tế thấp. Chỉ có đưa khoa học công nghệ vào để chế biến mật ong thành những sản phẩm mới, kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuỗi cung ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế thì mới có thể nâng tầm thương hiệu Việt để hướng đến thị trường quốc tế rộng lớn.”

Sản phẩm mật ong chanh leo từ dự án. Nguồn: Honeco
Sản phẩm mật ong chanh leo từ dự án. Nguồn: Honeco

Để làm được điều này, cuối năm 2017, Honeco đã ký hợp đồng thực hiện dự án “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất các sản phẩm mới từ mật ong và hoa quả” với Bộ Khoa học và Công nghệ để nhận chuyển giao tri thức từ Viện Công nghiệp Thực phẩm (FIRI) thuộc Bộ Công thương. Dự án thực hiện trong vòng 2,5 năm - từ tháng 12/2017 đến tháng 6/2020 – với sự phối hợp chặt chẽ của nhà nghiên cứu và doanh nghiệp.

“Việt Nam có nguồn mật ong và hoa quả phong phú, thích hợp để phát triển các sản phẩm kết hợp có giá trị bổ dưỡng cho sức khỏe con người. Điều này cũng tận dụng được nguồn nguyên liệu phong phú sẵn có của nhiều địa phương và giúp người tiêu dùng không cần nhập ngoại,” TS. Trương Hương Lan, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Thực phẩm và Dinh dưỡng, Viện Công nghiệp Thực phẩm, chia sẻ.

Các nhà khoa học của Viện FIRI đã có sẵn công nghệ chế biến mật ong kết hợp với một số loại hoa quả ở quy mô phòng thí nghiệm. Họ đã nghiên cứu thành công công nghệ cô đặc chân không áp dụng với mật ong – tức làm giảm hàm lượng nước trong mật ong và hoa quả xuống còn 17-18% ở nhiệt độ thấp khoảng 45 độ C dưới điều kiện áp suất chân không. Khi đó, mật ong không bị mất đi những tinh chất quý báu như kháng sinh tự nhiên, còn hoa quả không bị mất đi các loại vitamin vốn dễ bay hơi. Chúng cũng giữ được màu sắc nổi bật như đỏ tím, vàng hổ phách mà không bị caramen hóa.

Thêm vào đó, nhờ quá trình cô đặc và sản xuất khép kín, vi sinh vật không thể phát triển trong các điều kiện này, khiến “trong vòng hai năm, sản phẩm sẽ hoàn toàn không xảy ra hiện tượng lên men”, TS. Trương Hương Lan cho biết. Trong quá trình cô đặc, các nhà khoa học cũng khéo léo bổ sung các bước đảo trộn với tần suất hợp lý khiến sản phẩm mật ong và dịch hoa quả không bị phân lớp như thông thường.

Đại diện Viện VIFI cho biết, mặc dù công nghệ cô đặc chân không đã được áp dụng trong một số lĩnh vực như thảo dược, sản xuất thuốc nhưng áp dụng với mật ong trên quy mô công nghiệp thì Ong Tam Đảo là công ty đầu tiên. Do vậy, khi thực hiện ở nhà máy, hai bên đã kết hợp chặt chẽ với nhau nhằm giải quyết nhiều thách thức liên quan đến nâng cấp quy mô (khoảng 30.000 - 100.000 lít/năm) với nguồn nguyên liệu mới và sẵn có của công ty trên trang thiết bị được đầu tư mới. Đối với mỗi loại nguyên liệu khác nhau, họ phải phân tích rõ thành phần, từ đó xác định mức điều chỉnh thời gian, nhiệt độ phù hợp. Bên cạnh việc đầu tư cải thiện dây chuyền sản xuất, Honeco cho biết họ cũng đầu tư thêm thiết bị và nhân lực phục vụ cho phòng nghiên cứu để đo đạc những chỉ tiêu cơ bản, trong khi liên kết với nhiều phòng thí nghiệm hiện đại bên ngoài để thực hiện phân tích những chỉ tiêu sâu hơn.

Trên nền công nghệ gốc được chuyển giao từ Viện Công nghiệp Thực phẩm, Honeco đã làm chủ quy trình và tự phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm chế biến khác với “hi vọng mỗi năm có thể đưa ra thị trường một sản phẩm mới”. Hiện nay, công ty có nhiều dòng sản phẩm từ mật ong như: mật ong chanh leo, mật ong dứa, mật ong dâu, mật ong quất, mật ong gừng sả, mật ong curcumin, mật ong quế… Từ năm 2019, công ty đã tung ra những sản phẩm thử nghiệm đầu tiên để thăm dò thị trường. Khi nhận được tín hiệu phản hồi tích cực, họ mới bắt đầu sản xuất đại trà từ đầu năm 2020.

Bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Honeco, đứng cạnh thùng nuôi ong theo kỹ thuật thùng kế. Nguồn: Honeco
Bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Honeco, đứng cạnh thùng nuôi ong theo kỹ thuật thùng kế. Nguồn: Honeco

Hiện nay, công ty đang kết hợp với các trang trại ong theo kiểu chuỗi cung ứng hàng hóa để tạo thành sân chơi có nhiều người tham gia nhằm đảm bảo sự bền vững trong chuỗi sản xuất và tạo việc làm ổn định cho nông dân. Tương tự với hoa quả và dược liệu, họ hợp tác với những công ty lớn có quy trình có khả năng truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có thể kiểm soát và đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào, chẳng hạn như sử dụng nước ép cô đặc của công ty Nafoods hoặc kết hợp với công ty Dược Bắc Ninh để chế tạo tinh bột nghệ curcumin. “Điều này giúp chúng tôi không phải đầu tư quá nhiều mà vẫn được hưởng lợi từ công nghệ của các đối tác uy tín để thu được đầu vào chất lượng. Khi đó, Ong Tam Đảo có thể tập trung vào thế mạnh của mình là chế biến mật ong”, bà Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Theo báo cáo từ thanh tra sở KH&CN Vĩnh Phúc, kinh phí dành cho R&D của doanh nghiệp này là gần 580 triệu đồng năm 2018, tăng lên 1,1 tỷ đồng năm 2019 và dự kiến đạt 1,5 tỷ đồng năm 2020. Đầu tháng 3/2020, công ty Ong Tam Đảo đã được cấp giấy chứng nhận trở thành một trong hai doanh nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Vĩnh Phúc và hưởng các ưu đãi với loại hình doanh nghiệp này.

TIẾP CẬN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Việc thay đổi công nghệ thực sự là bước ngoặt lớn về chiến lược kinh doanh đối với Honeco. Từ chỗ đa phần cung cấp sản phẩm thô, giờ đây sản phẩm chủ lực của công ty là chế biến. Khi được hỏi về các đối thủ cạnh tranh, tổng giám đốc công ty chia sẻ rằng hiện bà vẫn chưa nhìn thấy đối thủ ‘đáng gờm’ nào trong nước có khả năng tương tự về công nghệ cũng như thiết bị cho sản xuất những dòng sản phẩm chế biến từ mật ong.

Tuy nhiên, bà cũng lạc quan cho rằng “ngay cả khi người khác làm tốt trong lĩnh vực này thì đó cũng là điều đáng mừng bởi nó sẽ tạo ra thị trường lớn hơn, và điều đó quay trở lại cũng là cơ hội cho chúng tôi”. Ngay trong buổi sáng trao đổi với Báo KH&PT, Honeco cho biết đã đón tiếp hơn 45 người nuôi ong cùng Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Sơn Tây đến học hỏi kĩ năng nuôi ong và công nghệ sản xuất.

Với lợi thế đi đầu về công nghệ chế biến, công ty cũng mở rộng thị trường của mình - từ thị trường nội địa với dòng khách hàng bình dân sang nhóm khách hàng cao cấp và xuất khẩu đi các nước lớn trên thế giới. Không chỉ thay đổi thiết bị và công nghệ chế biến, họ còn cải thiện các loại bao bì, nhãn mác và truy suất nguồn gốc để phù hợp với đòi hỏi mới của tập khách hàng. Năm 2019, Honeco đã ghi dấu ấn khi xuất khẩu thành công 60 tấn mật ong vào thị trường Mỹ, và hiện đã thành công xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc cũng như xúc tiến để xuất khẩu sang thị trường Nga, Nhật Bản, Dubai vào quý IV năm 2020 và đầu năm 2021.

“Chúng tôi tin rằng phát triển sản phẩm chế biến là một hướng đi đúng đắn. Chẳng hạn, năm nay dù Covid-19 khiến doanh thu các sản phẩm mật ong thông thường của công ty bị sụt giảm nhưng sản phẩm chế biến lại tăng trưởng. Về tổng thể, trong khi nhiều công ty cùng ngành bị ảnh hưởng tiêu cực thì Ong Tam Đảo đến thời điểm này vẫn giữ được mức doanh thu như năm ngoái”, bà Nga chia sẻ.

Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất các sản phẩm mới từ mật ong và hoa quả”, mã số ĐM.32.DN/17, thực hiện từ 2017-2020 thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 do Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý.

Để biết thêm thông tin chi tiết về các Chương trình KH&CN, liên hệ Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia tại: http://vpctqg.gov.vn/