Đằng sau hành trình hồi sinh của trà Sông Cầu là nỗ lực đầy bền bỉ của những người dân Thái Nguyên gắn bó cả đời với loài cây đã trở thành thương hiệu quê hương.

Người dân thị trấn Sông Cầu chăm sóc và thu hái trên diện tích chè nguyên liệu.
Người dân thị trấn Sông Cầu chăm sóc và thu hái trên diện tích chè nguyên liệu.

Vị chát của thương hiệu qua thời hoàng kim


Giờ đây, khi những thương hiệu trà cổ truyền như trà shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái), trà Tà Xùa (Sơn La)… và cả thương hiệu trà mới nổi Cầu Đất (Đà Lạt) làm mưa làm gió thị trường trà Việt Nam, ít ai nhớ đến cái tên trà Sông Cầu một thuở. Và có lẽ, ít ai biết đến điều tự hào trong dĩ vãng: hơn nửa thế kỷ trước, đó là một đại diện cho trà Việt Nam xuất khẩu thành công.

Nhưng thật kỳ lạ là mỗi nhắc đến các vùng chè nổi tiếng ở nơi đây, hầu như mọi người đều nghĩ đến Tân Cương chứ chẳng mấy ai biết đến trà Sông Cầu? Rất đơn giản, “do định hướng sản xuất và thị trường khác nhau”, nghệ nhân trà Vũ Thị Thương Huyền, Giám đốc HTX Chè Thịnh An giải thích. Từ những năm 1960, khi trà đen vẫn còn xa lạ với nhiều người trong nước, nông trường chè Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã trở thành một trong những nguồn cung chủ lực trà đen cho Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) xuất khẩu sang Liên Xô, Ba Lan, Đức và một số nước Trung Đông.

Đó là giai đoạn hoàng kim của chè Sông Cầu. Là một trong những nông trường chè lâu đời nhất ở Thái Nguyên, Sông Cầu đã nếm trải mọi thăng trầm của ngành chè Việt Nam. Những biến thiên của thời cuộc, đặc biệt khi Liên Xô sụp đổ đã giáng đòn mạnh vào thị trường xuất khẩu trà, Sông Cầu nhanh chóng đánh mất vị thế. “Vào đầu những năm 1990, khi ngành chè đang trải qua giai đoạn khó khăn, Sông Cầu thậm chí còn có ý định chuyển sang trồng mía và nuôi lợn. Nhưng sau đó, kế hoạch này đã không thành hiện thực”, theo một báo cáo do Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM) công bố vào năm 2007.

Để vực dậy, thay vì sản xuất trà đen, Sông Cầu đã chuyển hướng sản xuất trà xanh xuất khẩu sang Nhật - một thị trường nổi tiếng “khó tính” với những tiêu chuẩn cao. “Khi đó, nhà máy chè Sông Cầu hợp tác với Nhật Bản, toàn bộ công nghệ, máy móc thiết bị, thậm chí cả giống chè cũng của Nhật Bản”, chị Huyền cho biết. “Trà xanh sản xuất cho thị trường Nhật Bản được kiểm soát chặt chẽ theo yêu cầu của thị trường này. Việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, tưới nước, thu hái chè đều được quy định chi tiết. Búp chè sau khi hái được phân loại cẩn thận, và chỉ những búp chè chất lượng cao mới được thu mua để chế biến”, theo báo cáo của CECEM. “Năm 2000, doanh thu chè sông Cầu đạt mức cao kỷ lục 24 tỷ đồng nhờ sản lượng cao và xuất khẩu sang Nhật Bản”.

Ít ai ngờ rằng, chỉ vài năm sau, cả vùng chè rộng lớn như vậy lại rơi vào cảnh “hoạt động cầm chừng”, rồi dần “đóng cửa để đấy”. Đây là kết cục khó tránh của những doanh nghiệp không vượt qua được thách thức trong quá trình cổ phần hóa như chè Sông Cầu. Do không quen với cách hoạt động mới, “khi cổ phần hóa xong, cả một vùng chè ngơ ngác, người ta cứ loay hoay, không có đầu ra, giá trà rớt thê thảm”, chị Huyền nhớ lại. “Mỗi lần chè đến lứa thì người dân rất khổ, không hái không được, hái xong thì nhà máy thu mua với giá quá rẻ, không bõ tiền công hái”. Cùng với “cơn sốt chè vàng” năm 2007 cũng khiến chè Sông Cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Vào giai đoạn đó, thương nhân Trung Quốc ồ ạt thu mua nguyên liệu để chế biến chè vàng, dẫn đến tình trạng thu hái “vô tội vạ”, làm suy kiệt nhiều vùng chè nguyên liệu của Việt Nam.

Sau những lần “thoi thóp”, người ta không còn mặn mà với cây chè. Họ đi theo những dự án chuyển đổi giống cây trồng khác: mơ, vải, xoài, nhãn, bưởi… Nhưng bao nhiêu lần chuyển đổi là bấy nhiêu lần thất bại. “Trước mỗi lần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, rất nhiều viễn cảnh được vẽ ra, nào là nhà máy sản xuất nước mơ, rượu mơ xuất khẩu, nhưng rồi quả mơ bán giá quá rẻ, quả rụng đầy gốc phải đổ bỏ đi. Đến lượt vải, vào thời điểm trồng, giá vải khoảng 18 nghìn đồng/kg, nhưng đến lúc thu hái, chỉ bán được khoảng 2 nghìn đồng/kg”, chị Huyền kể lại với nỗi day dứt về sự tàn lụi của một thương hiệu và hệ quả của nó. “Bài toán được mùa rớt giá cứ hiện hữu, và người dân thì rất nghèo”.

Chật vật hồi sinh


Trong bối cảnh đó, đề xuất tiếp tục theo đuổi cây chè của chị Huyền - khi đó là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu – đã thu hút nhiều sự chú ý. Chị tin rằng nếu biết cách khai phá, cây chè vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Nhìn đi nhìn lại, chị thấy “không có gì phù hợp hơn cây chè cả. Khi xây dựng nông trường chè Sông Cầu, đất đai ở khu vực này đã được khảo nghiệm rất kỹ, gồm các yếu tố về thổ nhưỡng, độ dốc, độ bao phủ, độ trôi màu… từ đó chọn ra những ngọn đồi phù hợp với trồng chè, khu vực nào không phù hợp thì mới trồng các loại cây khác như bạch đàn, dứa. Ngay từ đầu, vùng chè Sông Cầu đã được nghiên cứu rất bài bản”.

Những sản phẩm của hợp tác xã Chè Thịnh An. Nguồn: kinhtexaydung.petrotimes.vn
Những sản phẩm của hợp tác xã Chè Thịnh An. Nguồn: kinhtexaydung.petrotimes.vn

Con đường “mang lại một đời sống khác” cho cây chè chắc chắn không dễ đi. Những người dân Sông Cầu thấm thía điều này hơn ai hết, may mắn thay, họ vẫn ủng hộ chị. “Vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu?” Thắc mắc của những người trồng chè cũng là nút thắt mà chị Huyền phải tìm cách gỡ. “Trong một lần đưa bà con đến thăm quan học hỏi ở vùng chè Tân Cương, họ thẳng thắn chỉ ra, chúng tôi đang thua trên chính sân nhà. Bởi người làm chè ở Tân Cương vào vùng chè của Sông Cầu mua nguyên liệu về làm, bán chè giá 300 nghìn đồng/kg, trong khi chúng tôi chỉ bán được 30 nghìn đồng/kg”, chị phân tích. “Tại sao họ làm được mà chúng ta không làm được? Vì chúng ta đang sản xuất nhỏ lẻ, riêng rẽ, mạnh ai nấy làm”. Câu hỏi ấy dấy lên trong đầu những người yêu cây chè để rồi bật lên “điểm mấu chốt là phải liên kết cộng đồng cùng nhau sản xuất. Bây giờ không xuất khẩu được nữa thì phải nội tiêu, muốn nội tiêu được thì phải tạo ra sản phẩm chất lượng. Và điều này chỉ thành hiện thực khi có một cộng đồng cùng hợp tác sản xuất, cùng chịu trách nhiệm”.

Một cộng đồng như vậy sẽ xuất hiện dưới hình thức nào? Trong hình dung của chị Huyền, khi chưa nghĩ được nó là gì thì yếu tố đầu tiên đến với chị là “cái gì đó gần gũi với người dân”. Làng nghề là một lựa chọn phù hợp, bởi Sông Cầu hoàn toàn có thể đáp ứng được những tiêu chí của một làng nghề truyền thống: nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; nghề gắn với tên tuổi của các nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.

Ý tưởng mới, dù tốt nhưng không phải lúc nào cũng được chào đón. Nhiều người phản đối vì cho rằng “trong công ty chè không thể có làng nghề”, “trước đây làm chè là sản xuất công nghiệp chứ không phải là sản xuất truyền thống”, cùng vô số lý do khác. Sau rốt, những xung đột giữa tư duy cũ - mới cũng chấm dứt với kết quả là hai làng nghề được thành lập vào năm 2012. “Bắt đầu manh nha từ đó, người già truyền nghề cho người trẻ. Làng nghề giúp mọi người gắn kết với nhau hơn, bảo nhau cái này là tốt, cái này là xấu, người ta rủ nhau làm, nhìn nhau làm”, chị Huyền nói. Đến nay, sông Cầu đã có bốn làng nghề chè truyền thống.

Sự liên kết của làng nghề là bước đệm để tiến tới một mô hình chuyên nghiệp hơn: hợp tác xã. Năm 2016, hợp tác xã Chè Thịnh An ra đời. “Khi có hợp tác xã đồng nghĩa với việc có tư cách pháp nhân, việc triển khai các hoạt động sẽ thuận lợi hơn”, chị Huyền cho biết. Nhưng nhắc đến hợp tác xã, một số người vẫn nghĩ đến kiểu sản xuất tập thể “cha chung không ai khóc” nên ngần ngại không muốn tham gia. “Hợp tác xã bây giờ là kiểu mới, không còn như vậy nữa”, chị Huyền giải thích. “Mô hình hợp tác xã hiện nay vừa hỗ trợ các thành viên, vừa giúp họ phát huy thế mạnh để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đơn cử như khi người dân không có tiền mua phân bón, hợp tác xã có thể đứng ra thế chấp, làm việc với bên cung ứng phân bón, người dân có thể trả bằng sản phẩm cho hợp tác xã khi đến mùa thu hoạch. Hợp tác xã cũng đứng ra bao tiêu sản phẩm. Mỗi thành viên không cần thực hiện toàn bộ công đoạn sản xuất chè, mà chỉ làm việc họ mạnh nhất để đạt được giá trị tốt nhất”.

Trả lại vị ngọt cánh trà

Mỗi bước đi trên hành trình “hồi sinh” chè Sông Cầu của chị Huyền đều gắn liền với bài toán chất lượng. Bởi lẽ, khi bắt đầu, những làng nghề và hợp tác xã mới thành lập ở Sông Cầu chỉ có một vùng chè “ốm yếu”. “Sau một giai đoạn bị bỏ bê, vùng chè trở nên cực kì ô nhiễm. Do không được chăm sóc, cây chè kém năng suất, sâu bệnh nhiều, thấy vậy, người ta càng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu”, chị Huyền cho biết. Tình trạng này không chỉ làm giảm chất lượng chè mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của người dân.

Để thay đổi thói quen sản xuất, dù mới thành lập, hợp tác xã Thịnh An đã kết hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai dự án sản xuất chè an toàn với quy mô 50 ha. Những ai tham gia dự án sẽ được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chè an toàn, hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu. Đổi lại, họ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, đơn cử như chỉ sử dụng phân hữu cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, ưu tiên nhóm thuốc sinh học và thảo mộc, ghi chép nhật ký chăm sóc, phun thuốc, thu hoạch…

Nhưng lợi ích hứa hẹn từ chè an toàn vẫn chưa đủ hấp dẫn. Cũng giống như nhiều dự án nông nghiệp sạch khác, người dân vốn quen sản xuất tự do không muốn vướng phải ràng buộc. “Vào rồi lại bắt tôi phải làm thế này thế kia, nay kiểm tra mai kiểm tra. Vào rồi thì có khác hơn không, thu nhập sẽ như thế nào…”, chị Huyền nhớ lại những lo ngại của người dân lúc đó.

“Để thay đổi thói quen khó lắm”, chị thừa nhận. “Cách dễ nhất là cho họ thấy điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính họ”. Đơn cử như về phun thuốc diệt cỏ, sau đủ biện pháp thuyết phục, giải thích về tác hại, “tôi xin bà con ngừng phun thuốc đúng ba tháng, sau này muốn tiếp tục phun nữa hay không là quyền của bà con”, chị Huyền nói. Biện pháp tưởng chừng đầy mạo hiểm này lại phát huy hiệu quả: “Trước đây, người ta phun thuốc thành thói quen nên thấy bình thường, nhưng sau một thời gian ‘thanh lọc’, họ thấy khó chịu với mùi đó. Dần dần, người dân cũng tẩy chay việc phun thuốc diệt cỏ bừa bãi”.

Nỗ lực thay đổi cách làm đã mang lại trái ngọt: “Giá trị của chè Sông Cầu đã tăng cao so với trước, đời sống của người dân cũng được cải thiện”, chị Huyền tự hào. Từ khoảng 30 nghìn đồng/kg trà búp khô năm 2016, đến nay đã tăng lên 150 nghìn đồng, thậm chí loại cao cấp có giá 5 triệu đồng/kg. “Tôi thấy sản xuất trà hữu cơ đem lại nhiều lợi ích, trước mắt là đảm bảo môi trường sống, bảo vệ sức khỏe cho người trồng chè vì không sử dụng thuốc hóa học. Sản phẩm trà hữu cơ cũng cho chất lượng tốt, nước uống đậm vị, hương thơm tự nhiên và giá thành cao hơn so với trà thông thường”, anh Nguyễn Đức Trọng, một trong những hộ trồng chè ở Sông Cầu, chia sẻ trên Báo Thái Nguyên vào năm 2021.

Hành trình hồi sinh cây chè được đánh đấu bằng những thách thức liên tiếp. Khi đã thuyết phục được mọi người vun trồng cây chè theo tiêu chuẩn hữu cơ thì một vấn đề khác nổi lên: Làm thế nào để đảm bảo chất lượng ổn định trên 50 ha chè VietGAP và 20 ha chè hữu cơhiện có ở hợp tác xã Chè Thịnh An? Ở đây, quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra. Sau mỗi đợt thu hoạch, sản phẩm chè của các thành viên sẽ được mang ra kiểm nghiệm. “Mẫu chè ở đất nhà ai thì ghi tên người đấy. Nếu có gì bất thường, chúng tôi sẽ yêu cầu họ giải trình, đối chiếu với quy trình sản xuất, lịch sử bón phân, phun thuốc như thế nào… Bất cứ mẫu nào test ra vấn đề sẽ phải thu hồi, thành viên đó cũng sẽ bị phạt tiền. Việc chịu trách nhiệm với sản phẩm như vậy sẽ giúp chúng tôi tạo ra những sản phẩm tốt hơn”, chị giải thích.

Không ai thấy tất cả những câu chuyện “bếp núc” như vậy nhưng chúng là nền tảng để hình thành những hộp chè trang nhã, giờ được bày ngay ngắn trên những kệ hàng ở hệ thống siêu thị GO (BigC), trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông sản an toàn Việt Nam (số 489 Hoàng Quốc Việt) và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Giờ thì trà Sông Cầu đang thực sự “sống lại”.

“Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thứ phải làm”, chị Huyền, một người luôn đặt ra những mốc mới phát vượt qua phía trước, nói. Từ việc tiếp tục mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thêm nguồn lực đầu tư cho sản xuất… “Dĩ nhiên là những cái đó thì mình cứ làm dần dần thôi chứ không thể làm ngay một lúc. Mình đi chậm cũng được, điều quan trọng là phải chắc chắn và chất lượng”, chị nói đầy hạnh phúc và tự tin. Chẳng phải tất cả những điều chị làm để khôi phục thương hiệu trà một thuở là vì quá đỗi yêu cây chè và những người trồng chè trên quê hương Sông Cầu ư?/.