Ông và GS. Gurdev Singh Khush (Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, Philippin và Đại học California, Davis,Mỹ) vừa nhận Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

f
GS Gurdev Singh Khush và GS Võ Tòng Xuân nhận giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển trong Lễ trao giải VinFuture 2023 diễn ra vào tối 20/12. Ảnh: VinFuture Prize

Giải thưởng VinFuture 2023 đã khép lại vào tối qua (21/12) tại Nhà hát Hồ Gươm với sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD được trao cho GS. Martin Andrew Green (Đại học New South Wales, Úc), GS. Stanley Whittingham (Đại học Binghamton, Đại học Bang New York, Hoa Kỳ), GS. Rachid Yazami (KVI Holdings, Singapore), GS. Akira Yoshino (Tập đoàn Asahi Kasei và Đại học Meijo, Nhật Bản) với phát minh đột phá kiến tạo nền tảng bền vững cho năng lượng xanh thông qua việc sản xuất bằng pin mặt trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion.

Bên cạnh Giải thưởng Chính, VinFuture 2023 cũng trao 3 giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.

Giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới Châu Á

Đáng chú ý, đây là lần đầu giải Đặc biệt của VinFuture được trao cho người Việt Nam. Cụ thể, GS Võ Tòng Xuân (ĐH Nam Cần Thơ) và GS Gurdev Singh Khush (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) được trao Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển vì những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.


jv
GS Khush đã đi tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, và cho năng suất cao, như IR8, IR36, IR64. Ảnh: theagrotechdaily

Cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ nỗ lực của hai ông trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.

Trong đó, GS Khush đã đi tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, và cho năng suất cao, như IR8, IR36, IR64… Trong số các giống lúa mới mang tính đột phá này, giống IR64, do GS Khush và các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) phát triển, được chú ý nhiều nhất. Sự kết hợp độc đáo giữa hàm lượng amyloza trung gian, độ đặc gel mềm, nhiệt độ hồ hóa trung bình, độ trong mờ, và dáng hạt thon dài đã khiến nó trở thành một giống lúa được trồng phổ biến ở hầu hết các nước sản xuất lúa gạo. Không chỉ có thành công này, IR64 còn đóng vai trò là giống bố mẹ cho hàng ngàn giống lai trong nhiều thập kỉ cho tới ngày nay, điều minh chứng cho đóng góp to lớn của công trình này đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Một trường hợp điển hình đó là câu chuyện của Việt Nam những năm 1970. Trong bối cảnh các cánh đồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bị tàn phá nghiêm trọng do rầy nâu, GS Khush đã gửi 5 gram hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện cho GS Võ Tòng Xuân. Từ đây, GS Xuân đã phối hợp với các nhà khoa học trong nước phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Nhờ các sáng kiến này, ông đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.

h
GS-TS Võ Tòng Xuân trong lần đến Châu Phi hướng dẫn người dân trồng lúa. Ảnh: Tư liệu VTX

Đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu héc-ta. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn. Ngoài IR36, IR64 đã được trồng rộng rãi trên 10 triệu ha trong vòng hai thập kỷ kể từ khi được đưa ra thị trường, tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới. IR64 được phổ biến lần đầu tiên ở Philippines vào năm 1985, ngay sau đó là ở Bhutan, Burkina Faso, Campuchia, Trung Quốc, Ecuador, Gambia, Ấn Độ, Indonesia, Mauritania, Mozambique, Việt Nam và các vùng Sahelian của Tây Phi. Đến năm 2018, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia và là giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới Châu Á, chứng minh tính ưu việt và khả năng thích nghi đặc biệt của chúng.

Việc sử dụng các giống lúa kháng bệnh năng suất cao như IR36 và IR64 không chỉ làm giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, mà còn hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phẩn thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu. Ngoài ra, tiến bộ về năng suất lúa gạo trên toàn cầu đảm bảo rằng việc tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm ổn định trở nên công bằng và đáng tin cậy hơn. “Phát kiến này có ảnh hưởng sâu rộng với những tác động tiềm năng đến cấu trúc kinh tế xã hội, bảo tồn môi trường và sức khỏe toàn cầu, và đóng vai trò to lớn trong việc kiến tạo một tương lai an toàn và bền vững hơn cho tất cả mọi người”, Hội đồng giải thưởng nhận định.

Phát biểu nhận giải, GS Võ Tòng Xuân gửi lời cảm ơn đến người vợ quá cố, đồng nghiệp, sinh viên của ông tại trường Nông nghiệp - Đại học Cần Thơ, và hàng triệu người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Nỗ lực ứng dụng các giống gạo mới để đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp đã giúp Đồng bằng sông Cửu Long đạt năng suất lúa cao hơn cũng như cải thiện sinh kế cho nông dân khu vực này."

Nền tảng cho các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường và béo phì

Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới năm nay thuộc về GS. Daniel Joshua Drucker (Viện nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum, Đại học Toronto, Canada), GS. Joel Francis Habener (Đại học Harvard, Hoa Kỳ), GS. Jens Juul Holst (Đại học Copenhagen, Đan Mạch) và PGS. Svetlana Mojsov (Đại học Rockefeller, Hoa Kỳ) với công trình tiên phong Khám phá vai trò của các peptide giống glucagon 1 (GLP-1), là nền tảng cho các phương pháp điều trị bệnh tiểu đường và béo phì hiệu quả và thúc đẩy các liệu pháp điều trị mới đối với các bệnh thoái hóa thần kinh.

h
Các nhà khoa học nhận giải Đặc biệt cho Nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Từ trái qua phải là GS. Daniel Joshua Drucker, PGS. Svetlana Mojsov và GS. Jens Juul Holst. Riêng GS. Joel Francis Habener không thể tham dự vì lý do sức khoẻ. Ảnh: VinFuture Prize

Công trình đặt nền móng và mở ra hy vọng mới trong việc điều trị cho hơn 400 triệu người mắc bệnh tiểu đường loại 2, hơn 1 tỷ người mắc bệnh béo phì và hơn 3 triệu người mắc hội chứng ruột ngắn.

Năm 2023, có hơn 20 triệu liều thuốc GLP-1 được sử dụng trên thế giới với tỷ lệ tăng ấn tượng 6,7%. Ngoài ra, việc khám phá cơ chế hoạt động của các peotide đã thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị mới cho bệnh tim mạch, thoái hóa thần kinh (Alzheimer, Parkinson…), những loại bệnh đứng vị trí đầu tiên trong danh sách nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất toàn cầu.

Trong trường hợp của bệnh Alzheimer, một trong những bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến, thuốc GLP-1 có khả năng làm chậm quá trình phát triển của bệnh và mở ra hy vọng mới cho hơn 55 triệu bệnh nhân trên khắp thế giới.

Công trình nền tảng của Daniel Johsua Drucker, Joel Francis Habener, Jens Juul Holst, và Svetlana Mojsov đã đem lại các tác động đột phá cho các lĩnh vực khoa học nội tiết, trao đổi chất và tiêu hóa. Việc áp dụng những khám phá về GLP-1 và DDP-4 vào các giải pháp y học lâm sàng đã thay đổi phương pháp điều trị cho nhiều loại bệnh, từ đó giúp kiến tạo một thế giới khỏe mạnh hơn.

“Công trình của họ là một minh chứng cho sức mạnh biến đổi của khám phá khoa học sáng tạo và khả năng của các khám phá này trong việc định hình các phương pháp điều trị và giải pháp y tế”, Hội đồng Giải thưởng nhận định.

GS Drucker cho biết công trình khoa học này là thành quả chung của hàng nghìn nghiên cứu sinh, những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm và những bệnh nhân tình nguyện tham gia thư nghiệm lâm sàng. GS Holst bày tỏ hy vọng tiềm năng GPL-1 sẽ tiếp tục được tận dụng và nhờ đó thực sự giải quyết được vấn đề mà thế giới đang gặp phải.

Khám phá cơ chế gây suy giảm tầng ozone ở Nam Cực

Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học nữ vinh danh GS. Susan Solomon (Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ) cho đóng góp quan trọng trong việc “Khám phá cơ chế gây suy giảm tầng ozone ở Nam Cực”, góp phần thúc đẩy Nghị định thư Montreal một nỗ lực quan trọng giúp giảm lượng lớn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

GS Susan Solomon
GS Susan Solomon được trao giải nhờ nỗ lực khám phá cơ chế gây suy giảm tầng ozon ở Nam Cực, góp phần thúc đẩy Nghị định thư Montreal – một nỗ lực quan trọng giúp giảm lượng lớn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Ảnh: MIT News

GS Solomon đã thu thập những bằng chứng tin cậy về lỗ thủng tầng ozone đặc biệt lớn gây ra bởi chất chlorofuorocabons (CFC), tạo nền tảng thúc đẩy và dẫn đến sự ra đời của Nghị định thư Montreal. Đây là một trong những hiệp định quốc tế thành công nhất trong việc giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu, giúp đạt được sự đồng thuận trên toàn thế giới để loại bỏ dần các chất gây hại cho tầng ozone như CFC.

Năm 2016, Giáo sư Solomon và các đồng nghiệp công bố kết quả cho thấy lỗ thủng tầng ozon đã thu hẹp hơn 4 triệu km vuông so với mức đỉnh của năm 2000 và sẽ phục hồi hoàn toàn trong những thập kỷ tới. Việc thi hành Nghị định thư Montreal cũng đã giúp giảm một lượng lớn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Minh chứng rõ nét nhất là trong giai đoạn 1990-2010, các biện pháp kiểm soát của Nghị định thư Montreal ước tính đã giúp làm giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đương 135 tỷ tấn CO2 – gấp 5 lần mục tiêu hàng năm mà Nghị định thư Kyoto đặt ra cho giai đoạn 2008-2012. Cùng với các Hiệp ước chống biến đổi khí hậu khác, Nghị định thư Montreal đã góp phần đáng kể vào việc bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu và được kỳ vọng sẽ ngăn chặn thêm 100-200 tỷ tấn CO2 phát thải tới năm 2050, góp phần giảm mức nhiệt độ nóng lên toàn cầu từ 2-5°C xuống 0,5°C vào năm 2100.

Bên cạnh lợi ích môi trường, tầng ozon được bảo vệ cũng mang lại những lợi ích quan trọng đối với sức khỏe con người. Theo ước tính của Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, chỉ trong lãnh thổ nước này, tới năm 2100, việc thi hành đầy đủ Nghị định thư Montreal có thể giúp ngăn chặn tới 443 triệu ca mắc ung thư da, giảm 2,3 triệu trường hợp tử vong do bệnh này và ngăn chặn 63 triệu ca mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Chia sẻ khi nhận giải, GS Solomon cho biết giải thưởng không chỉ có ý nghĩa với bà mà sẽ góp phần tạo động lực cho các nhà khoa học nữ khác trên toàn thế giới trong hành trình nghiên cứu khoa học vốn đầy thử thách.

Những công trình trên đều là các sáng kiến đột phá, có tác động sâu rộng tới hiện tại và tương lai nhân loại, thuộc các lĩnh vực quan trọng và có tác động ngày càng rõ rệt đến đời sống của hàng tỷ người trên thế giới gồm Năng lượng xanh và bền vững, Ứng phó với biến đổi khí hậu, Nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực cùng Y học sức khỏe.

Việc trao những giải thưởng này lại càng thêm ý nghĩa khi “Lễ trao giải VinFuture diễn ra ngay sau Hội nghị khí hậu COP28 năm nay, tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất”, GS. Richard Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture cho biết. “Mặc dù đã có những dự báo bi quan, thỏa thuận cuối cùng đạt được trong Hội nghị năm nay đã lần đầu tiên kêu gọi tất cả các quốc gia chuyển đổi và dần dần từ bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việc nhìn nhận rằng cần phải được mục tiêu này là điều là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là tất cả chúng ta đều cần tìm ra giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đó, thông qua các công nghệ mới để tạo ra, lưu trữ và sử dụng năng lượng hiệu quả.”