Những chia sẻ rất chân thành và cởi mở từ chính những trải nghiệm trong quá trình nghiên cứu của giáo sư Ngô Bảo Châu giúp cho các bạn sinh viên phần nào mường tượng ra công việc, suy nghĩ của một nhà khoa học, điều mà không phải lúc nào cũng được mọi người biết tới.

Buổi trao đổi của giáo sư Ngô Bảo Châu tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Mỹ Hạnh
Buổi trao đổi của giáo sư Ngô Bảo Châu tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Mỹ Hạnh

Đã rất lâu rồi hội trường tầng 7 tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, mới lại đông đúc đến như vậy. Dù đã chật kín chỗ ngồi, những người “chậm chân” đến sau vẫn tìm cách xếp hàng dọc theo lối đi bên hội trường để được nghe những trao đổi đang diễn ra - bài giảng đại chúng với chủ đề “Trao đổi về nghiên cứu khoa học” của giáo sư Ngô Bảo Châu do Viện nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM) và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup tổ chức vào chiều ngày 28/9/2020. Sự đông đúc khác hẳn thường lệ này đã cho thấy mối quan tâm không nhỏ của các bạn học sinh, sinh viên với công việc nghiên cứu khoa học.

Không nói về những gì xa xôi hay hoa mỹ, tại buổi trao đổi này, giáo sư Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ chân thật về những dấu ấn đặc biệt trên bước đường làm khoa học của mình cũng như những chiêm nghiệm được anh đúc rút được sau nhiều năm “ăn, ngủ” cùng toán học - góc nhìn mà có lẽ một người đang chập chững bước vào con đường nghiên cứu rất cần được biết đến. Những gì diễn ra trong cuộc trao đổi khiến mọi người nhận ra rằng 10 năm sau ngày được trao giải thưởng Fields - giải thưởng quốc tế danh giá dành cho các nhà toán học dưới 40 tuổi, cuộc sống của anh đã thay đổi hoàn toàn “trên mọi phương diện”, nhưng có một điều vẫn vẹn nguyên không suy suyển, đó là tình yêu của anh với toán học.

Vượt qua những lần nghi ngờ bản thân

Ở ngoài nhìn vào những ánh hào quang mà toán học đem lại cho giáo sư Ngô Bảo Châu, ai cũng nghĩ là con đường học vấn và sự nghiệp của anh ắt hẳn rất thuận lợi, “thuận buồm xuôi gió”. Vì vậy, trong cuộc trò chuyện, ai cũng hết sức bất ngờ khi nghe anh thổ lộ từng có lúc… mất niềm tin vào chính mình. “Có người hỏi rằng đã bao giờ tôi có ý định rời bỏ con đường nghiên cứu khoa học không? Câu trả lời về cơ bản thì là không nhưng có một số thời điểm, tôi nghi ngờ vào khả năng nghiên cứu khoa học của mình”, giáo sư Ngô Bảo Châu nói.

Câu chuyện này có vẻ hơi kỳ lạ bởi xuất phát điểm của anh hết sức thuận lợi, đó là từ niềm vui và sự ham thích giải được các bài toán khó, “càng khó lại càng thích” ngay từ những năm học cấp 2 và có những bước tiến xa hơn khi anh giành được hai huy chương vàng trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế lúc đang học lớp 11 tại lớp chuyên toán. Nhưng niềm vui chiến thắng qua đi, anh bỗng cảm thấy bối rối và buồn chán vì không biết phải làm gì vào năm học tiếp theo nữa bởi các bài toán khó, các bài luyện thi đã được học và giải nhuần nhuyễn hết cả rồi.

GS. Ngô Bảo Châu trao phần thưởng cho các em học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đạt thành tích trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2020. Ảnh: HUS
GS. Ngô Bảo Châu trao phần thưởng cho các em học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đạt thành tích trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2020. Ảnh: HUS

Tuy nhiên “nỗi buồn toán học” này không kéo dài lâu bởi cũng tình cờ vào năm học tiếp theo đó, anh được nghe đến toán cao cấp - môn toán được “tương truyền” là khó và rất khác so với toán sơ cấp ở phổ thông. Với sự tò mò khám phá cái mới, anh đến gặp thầy Đoàn Quỳnh - người hướng dẫn đội tuyển thi toán quốc tế - để mượn đọc một cuốn giáo trình toán cao cấp là Cơ sở giải tích. “Và tôi không hiểu gì cả. Dù đọc được từng chữ một, bổ đề này, định nghĩa kia, nhưng toàn bộ nó thì như là một mớ logic loằng ngoằng, không hiểu sẽ áp dụng vào đâu và ý nghĩa của nó là gì”, giáo sư Ngô Bảo Châu nhớ lại, “sau đó thì tôi bỏ cuộc, cảm thấy rằng mình không có khả năng học toán lý thuyết. Đó là một khoảnh khắc mà tôi thấy chán nản, nghi ngờ bản thân mình”.

Những thời điểm cảm thấy hoang mang như vậy không chỉ đến một lần trong đời giáo sư Ngô Bảo Châu nhưng ở tầng nấc khác. Đó là lần thứ hai khi anh đi du học ở Pháp, “có nhiều bài mà các bạn Pháp giải kém xa mình nhưng các bạn ấy hiểu rất nhiều thứ mà mình không biết”. Nỗi “dày vò” đó cũng bám theo anh ngay cả đến khi học thạc sỹ khi nhiều lần thấy mình rơi vào tình trạng làm mà không hiểu. “Mình có một số kỹ năng nhất định rất tốt nhưng các kỹ năng này càng ngày ko đủ bù đắp nổi cho phương pháp tư duy”, giáo sư Ngô Bảo Châu nói và chỉ ra vấn đề, “đó là những khó khăn mà các bạn có thể gặp phải khi chuyển từ học phổ thông hay đại học sang việc làm nghiên cứu khoa học. Có nhiều thứ khác nhau lắm, như tôi thì bị ngợp hoàn toàn”.

Song thời kỳ khiến anh “vỡ ra” nhiều nhất, có lẽ là giai đoạn postdoc (sau tiến sỹ), một giai đoạn đặc biệt mà lần đầu tiên người nghiên cứu phải tự chủ động tìm cho mình bài toán để làm và phương pháp để áp dụng mà không nhận được sự hướng dẫn của giáo sư nữa. Mặc dù đã có một số bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín, song anh bắt đầu cảm thấy nhàm chán, không thỏa mãn, “hứng thú ban đầu với bài toán mất đi, không đem lại cảm xúc mãnh liệt như khi khám phá ra một chân trời mới hồi làm tiến sỹ nữa”.

Do đó, trong cái nhìn tự vấn của mình, ý tưởng ban đầu mà anh thấy rất hay đã trở nên luẩn quẩn, “cứ xây lên lại sụp” dù đã “thử hết các cách ở trên đời”, khiến anh rơi vào cảm giác vô cùng tuyệt vọng và tan nát khi không tìm được lối ra cho ý tưởng về bổ đề cơ bản. “May mắn là” - theo cách nói của giáo sư Ngô Bảo Châu - trong một lần tham gia bài giảng khác, anh cũng được trò chuyện với một giáo sư và đã hiểu ra được vấn đề còn thiếu mà mình trăn trở bấy lâu nay. “Khi hiểu ra đầu tôi như có điện giật, đến hai ngày sau tôi vẫn không ngủ được, tất cả những thứ “xây lên lại đổ” của tôi như được ghép lại với nhau”, giáo sư Ngô Bảo Châu nói.

Bởi vậy, anh đã đi đến một quyết định cá nhân đầy táo bạo: viết thư xin phép các đồng nghiệp cho rút lui khỏi các đề tài đang làm để tập trung vào vấn đề của riêng mình - ý tưởng mới về bổ đề cơ bản mà anh thực sự hứng thú. “Tất nhiên là rủi ro vì lúc đó tôi chưa có vị trí ổn định trong lĩnh vực khoa học. Nhưng tôi chỉ nghĩ là nếu mình không làm bây giờ thì sau sẽ không làm được nữa. Và tôi cảm thấy đó như là sứ mệnh của mình”, giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ.


Nhà khoa học thực sự có tham vọng sẽ phải luôn có ý thức đổi mới mình liên tục, không bao giờ dùng một ý tưởng để viết quá hai bài báo. Đồng thời cũng phải biết hợp tác với những người khác để học hỏi và tìm ra những vấn đề mới cần giải quyết.

GS. Ngô Bảo Châu


Nhìn lại những lần hoang mang như vậy trên con đường làm khoa học, giáo sư Ngô Bảo Châu trao đổi với các bạn trẻ: để trở thành một người thành người nghiên cứu khoa học thực sự thì mỗi người cần phải có phương pháp tư duy và kỹ năng tư duy, và để làm được điều này thì nhà khoa học phải luôn luôn đổi mới và xem xét lại những định kiến của bản thân. "Kỹ năng khó nhất trong nghiên cứu là kỹ năng luôn đổi mới và thay đổi đề tài nghiên cứu của mình một cách nhẹ nhàng. Bởi nếu bạn nghe thấy một hướng nghiên cứu mới nào đó và nhảy vào làm mà không có lợi thế, không đem lại được ý tưởng gì mới thì chỉ như một con vẹt nói lại những cái đã nói. Nhưng cũng không bao giờ nên nghĩ có một miền dành riêng cho mình mà cứ thế cả đời đào mãi". Đã tự mình trải qua những điều như vậy nên anh càng hiểu rõ ý nghĩa của việc phải “thay đổi mình liên tục”.

Nghiên cứu song hành với niềm vui

Nỗ lực bền bỉ và kiên trì của anh đã được đền đáp khi công trình nghiên cứu về Bổ đề cơ bản được trao giải thưởng Fields vào năm 2010. Tuy nhiên, giải Fields cho công trình này không phải là điều mà anh hướng đến, thậm chí còn từng có ý nghĩ muốn từ chối giải thưởng. “Giải Fields vô cùng danh giá đối với tôi, nhưng tôi có cảm giác rằng cuộc sống của mình sẽ hoàn toàn thay đổi với một giải thưởng lớn như thế, dù muốn hay không mình cũng sẽ trở thành người của xã hội”.

Và quả đúng như vậy, cuộc sống của anh đã “thay đổi trên mọi phương diện” sau khi nhận giải. “Những năm đầu rất khó khăn, nhiều khi đi ra đường mua thuốc lá người ta cũng hỏi “giáo sư cũng hút thuốc lá à?””, giáo sư Châu hóm hỉnh chia sẻ. Song, dần dần anh nhận ra, cơ hội này cũng chính là may mắn đặc biệt của mình khi có thể được gặp gỡ và trò chuyện với những người thú vị mà bình thường rất khó để tiếp cận. “Quả thực cuộc sống cả về mặt tinh thần và xã hội phong phú và giàu có hơn nhiều”, GS. Châu nói.


Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng anh rất may mắn khi gặp được giáo sư Gérard Laumon - người hướng dẫn luận án tiến sỹ và sau này tiếp tục gắn bó với anh trong những nghiên cứu về bổ đề cơ bản - có tầm nhìn xa và hiểu rõ điểm mạnh, yếu của học trò để chỉ ra cho anh hướng nghiên cứu phù hợp. Dù nhiều người khuyên anh nên đổi thầy hướng dẫn khác có tên tuổi hơn lúc đó, song “linh tính” mách bảo khiến giáo sư Ngô Bảo Châu vẫn kiên định ở lại cùng người thầy này. Và quả thực sau đó anh học hỏi được vô vàn điều quý báu. Đây cũng là một điểm lưu ý quan trọng của anh đối với những người vừa bước vào con đường nghiên cứu, “việc chọn thầy giáo và đề tài nghiên cứu cũng quan trọng như chọn vợ, chọn chồng vậy”, anh hóm hỉnh chia sẻ.


Nhưng niềm vui và sự thú vị thực sự đối với các nhà khoa học không phải chỉ đến sau khi được trao một giải thưởng nào đó mà nó hiện hữu ngay trong quá trình lao động, sáng tạo của mình. “Lúc còn nhỏ, tôi chỉ thích làm các bài toán khó, càng loằng ngoằng thì tôi lại càng thích. Nhưng sau này khi trưởng thành hơn thì tôi nhận ra vẻ đẹp khác của toán học. Tôi không thích làm những thứ phức tạp nữa mà lại muốn tìm hiểu bản chất của toán học, tìm hiểu vẻ đẹp trong sáng và đơn giản của nó. Càng phức tạp tôi lại càng muốn làm cho nó đẹp hơn, đơn giản hơn”, GS. Châu chia sẻ.

Trước câu hỏi về những khó khăn, thiệt thòi của người làm nghiên cứu do một sinh viên đưa ra, anh cho rằng “dù đôi lúc tôi cũng có cảm giác công sức các nhà khoa học bỏ ra chưa được xã hội đền đáp xứng đáng” khi thực tế mức lương mặt bằng chung dành cho các nhà nghiên cứu còn khá thấp, đến mức anh từng bị “sốc” khi nhận bảng lương đầu tiên ở Pháp, nhưng những điều thú vị nho nhỏ trong quá trình lao động kể trên đã giúp cho anh và các nhà khoa học nói chung tiếp tục niềm đam mê của mình.

Chia sẻ tại buổi trò chuyện, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cũng cho biết, “nếu chỉ xét về thu nhập thì ngay cả ở nước ngoài, nghề nghiên cứu cũng không so được với những ngành nghề khác. Tuy nhiên, mỗi nghề lại có một niềm vui khác nhau và tôi nghĩ rằng niềm vui với người làm khoa học là được khám phá những điều mới và được chứng tỏ bản thân mình”. Ông cũng chia sẻ, nhờ công việc nghiên cứu, nhiều giảng viên trẻ đã có những cơ hội mà nhiều người làm trong lĩnh vực khác không có được như đi giao lưu học hỏi, tham dự các hội nghị khoa học quốc tế; hay nhận được lời mời phản biện bài báo ở nước ngoài. “Những cơ hội này cũng khiến mình cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy khả năng của mình được công nhận”, PGS Vũ Hoàng Linh nói.

Thêm vào đó, giáo sư Ngô Bảo Châu cũng nhận thấy những biến chuyển tích cực trong đãi ngộ dành cho các nhà nghiên cứu hiện nay: “Tôi thực sự nghĩ rằng điều kiện làm khoa học ở Việt Nam đã tốt hơn nhiều. Dù không quá dư dả nhưng các thầy cô đã có thể sống được bằng nghề của mình mà không phải đi làm thêm các việc khác. Hiện nay, cũng đã có một số quỹ tư nhân, nhà nước được hình thành để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học”. Đồng thời, cộng đồng toán học Việt Nam hiện nay cũng đang ngày càng có “chỗ đứng” trên thế giới với nhiều cá nhân được công nhận như GS. Vũ Hà Văn (được trao giải Pólya), GS. Phan Thành Nam (được trao giải thưởng EMS - giải thưởng dành cho các nhà khoa học xuất sắc ở châu Âu); nhiều nhà khoa học được mời đi tham dự các hội thảo quốc tế.

Nhưng trên tất cả, đối với GS. Ngô Bảo Châu, toán học không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu mà nó còn mang một ý nghĩa và vai trò đặc biệt. “Tôi nghĩ cuộc đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những lúc khó khăn tôi thấy mình có một may mắn vô cùng lớn bởi luôn có toán học là [điểm tựa] vững chắc trong cuộc sống của mình. Toán học không bao giờ bỏ mình”.