Văn hóa của con người có thể được định hình bởi các đặc điểm chính của môi trường mà con người sinh sống, như lượng mưa, nhiệt độ, bệnh truyền nhiễm và mật độ dân số.

g
Những người sống tại các khu vực thiếu nước thường có xu hướng hay lo xa. Ảnh: Peter Adams/Stone via Getty Images

Ở một số nơi trên thế giới, người dân có lối sống kỷ luật, đúng giờ (chẳng hạn như Đức); ở nơi khác, người dân lại có phần phóng khoáng và giờ cao su hơn (như Tây Ban Nha). Ở một số nơi, người dân thường lo xa, trong khi ở những nơi khác, người dân lại sống vô tư hết mình để tận hưởng giây phút hiện tại. Có người thì thích tận hưởng không gian riêng; có người lại cảm thấy thoải mái khi ở gần những người xa lạ.

Tại sao lại có những khác biệt như vậy? Các nhà khoa học xã hội đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau để giải thích, chẳng hạn như yếu tố tôn giáo, tiến trình lịch sử v.v.

Nhưng có một câu trả lời khả dĩ khác. TS. Alexandra Wormley và PGS Michael Varnum (Phòng thí nghiệm Văn hóa và Sinh thái, Đại học bang Arizona) phát hiện ra rằng văn hóa của con người có thể được định hình bởi các đặc điểm chính của môi trường mà con người sinh sống.

Hệ sinh thái là một hệ thống mở hoàn chỉnh gồm các thành phần sống (quần xã) và các thành phần vô sinh như không khí, nước và đất khoáng (gọi chung là sinh cảnh). Hệ sinh thái có các đặc điểm như mức độ phong phú của tài nguyên, mức độ phổ biến của các bệnh truyền nhiễm, mật độ dân cư, và mức độ rủi ro đối với sự an toàn của con người. Các biến số như nhiệt độ và sự sẵn có của nước có thể là những đặc điểm sinh thái quan trọng.

Những yếu tố này có thể định hình đặc điểm của một cộng đồng. Chẳng hạn, ở những khu vực thường xuyên gặp phải các thảm họa tự nhiên, lối sống kỷ luật có thể giúp các thành viên trong xã hội gắn bó và hợp tác khi đối mặt với những mối nguy hiểm này.

Ở những nơi có nguồn nước sạch hạn chế, người dân có xu hướng tiết kiệm, lo lắng về tương lai nhiều hơn. Khi nước ngọt khan hiếm, họ lập tức lên kế hoạch để không rơi vào tình thế cạn kiệt nước.

Và ở những nơi có nhiệt độ lạnh hơn, mọi người sẽ thích tụ tập với nhau, có thể là để giữ ấm.

Tất cả những ví dụ này cho thấy rằng các nền văn hóa được định hình, ít nhất là một phần, bởi những đặc điểm cơ bản của môi trường mà con người sinh sống.

Định lượng mối liên quan

Để làm rõ hơn điều này, “chúng tôi đã tiến hành khảo sát 200 cộng đồng, thu thập dữ liệu toàn diện về chín đặc điểm chính của hệ sinh thái – chẳng hạn như lượng mưa, nhiệt độ, bệnh truyền nhiễm và mật độ dân số – và hàng chục khía cạnh của sự biến đổi văn hóa con người – bao gồm các giá trị, sức mạnh của chuẩn mực, tính cách, động lực và đặc điểm thể chế”, TS. Alexandra Wormley và PGS Michael Varnum cho biết. Từ đó, họ đã tạo ra Bộ dữ liệu EcoCultural Dataset truy cập mở.

Thông qua bộ dữ liệu, các nhà khoa học có thể ước tính về mức độ biến đổi văn hóa của con người liên quan đến hệ sinh thái.

Họ đã chạy một loạt các mô hình thống kê xem xét mối quan hệ giữa các biến số sinh thái (chín yếu tố sinh thái khác nhau) và từng khác biệt văn hóa trong số 66 khác biệt văn hóa mà họ xác định được. Nhóm nhận thấy rằng gần 20% sự khác biệt về văn hóa có liên quan đến các đặc điểm sinh thái này.

Mật độ dân số cũng là một yếu tố tác động đến lối sống, văn hoá của một cộng đồng
Mật độ dân số cũng là một yếu tố tác động đến lối sống, văn hoá của một cộng đồng. Ảnh:Patrick Altmann/Moment via Getty Images

Điều quan trọng là các thống kê của nhóm có tính đến các khía cạnh phổ biến trong nghiên cứu đa văn hóa, chẳng hạn các cộng đồng gần nhau về mặt không gian sẽ giống nhau theo những cách khó có thể kiểm soát. Theo cách tương tự, có khả năng sẽ có những điểm tương đồng không thể đo lường được giữa các cộng đồng có chung nguồn gốc lịch sử. Ví dụ, có thể lý giải sự tương đồng về văn hóa giữa miền nam nước Đức và Áo là bởi di sản văn hóa và ngôn ngữ chung của họ, cũng như khí hậu tương tự và mức độ phát triển.

Kết quả nghiên cứu đã được các nhà khoa học công bố trên tạp chí truy cập mở Scientific Data của Nature.

Vẫn tiếp tục biến đổi

Trong quá trình theo dõi mối liên hệ chồng chéo giữa hệ sinh thái và văn hóa, các nhà khoa học đã xác định được một số mối quan hệ mới hấp dẫn. Ví dụ, họ nhận thấy rằng mức độ bệnh truyền nhiễm liên quan đến mức độ đề cao các chuẩn mực xã hội, chẳng hạn như Ấn Độ - với tỷ lệ lây nhiễm vi trùng cao và các quy tắc xã hội chặt chẽ.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng khi hệ sinh thái của một nơi thay đổi thì lối sống, văn hóa cũng vậy, ví dụ như sự gia tăng mật độ dân số dường như liên quan đến tình trạng sụt giảm tỷ lệ sinh trên toàn thế giới trong vài thập kỷ qua.

Bởi vì Bộ dữ liệu EcoCultural Dataset không chỉ bao gồm các biện pháp đo lường sinh thái hiện đại mà còn chứa thông tin về mức độ biến đổi và khả năng dự đoán trước theo thời gian, “chúng tôi tin rằng nó sẽ là một nguồn tài nguyên phong phú để các học giả khác khai thác. Chúng tôi đã cung cấp tất cả dữ liệu này miễn phí, mọi người đều có thể truy cập và khám phá”, nhóm chia sẻ.

Tất nhiên, sinh thái không phải là lý do duy nhất khiến con người trên thế giới suy nghĩ và hành xử khác nhau, “nhưng công trình của chúng tôi gợi ý rằng, môi trường của chúng ta đã góp phần định hình nền văn hóa của chúng ta”, nhóm kết luận.

Nguồn: