Từ một kẻ vào tù ra khám vì nhiều tội danh, Eugène-François Vidocq trở thành người đứng đầu một lực lượng an ninh của Pháp và đạt được nhiều thành tựu lớn lao.

Eugène François Vidocq (1775 – 1857). Nguồn: Wikimedia Commons
Eugène François Vidocq (1775 – 1857). Nguồn: Wikimedia Commons

Thời niên thiếu bất hảo


Eugène-François Vidocq ra đời tại Arras, Paris (Pháp) vào ngày 24/7/1775. Cha ông là người có học thức, đã tạo dựng được gia sản giàu có nhờ nghề làm bánh kiêm bán ngũ cốc. Không may là, đứa con trai Vidocq từ nhỏ đã bất trị.

Với nhiệm vụ giao bánh mỳ quanh thành phố, Vidocq thừa cơ lẻn vào phòng đấu kiếm để học ké. Không lâu sau, cậu nổi danh là tay kiếm cự phách. Cũng trong thời gian này, cậu ta đánh bạn với những tay giang hồ cộm cán, trộm cắp, lừa đảo... ở quán rượu, và học hỏi mánh lới từ chúng. Chẳng hạn, cậu ta nhúng lông vũ vào keo dán để “câu” những đồng xu nhỏ từ lỗ hổng ở hộp tiền. Thấy “thành quả” ít quá, cậu ta liền nhờ con trai một người thợ khóa đánh chìa giả để dễ bề ăn trộm.

Năm 14 tuổi, cậu ta trộm bộ đồ ăn bằng bạc của mẹ đem đi bán và tiêu sạch khoản tiền 150 franc trong nhõn một ngày. Ba ngày sau, hai viên cảnh sát xuất hiện chộp cổ Vidocq và tống cậu ta vào tù trong 10 ngày, để rồi biết rằng ông bố đã nhờ giam con trai mình lại, ngõ hầu nó học được bài học nhớ đời. Nhưng rõ ràng, Vidocq vẫn ngựa quen đường cũ. Chỉ một năm sau, cùng bạn xấu, Vidocq trộm tiền trong nhà và định trốn tới Mỹ. Ngờ đâu, khi đi tìm thuyền, cậu ta gặp kẻ lừa đảo cao tay hơn, chuốc cho cậu say mèm và khoắng hết của nả.

Mất hết tiền bạc, Vidocq xin gia nhập một đoàn tạp kỹ lưu động. Trong lúc học làm xiếc, chàng trai bị ông chủ đánh đập tàn bạo và bỏ đói thường xuyên. Thậm chí, Vidocq còn bị ép giả là kẻ man rợ và phải ăn thịt sống. Không chịu được nữa, Vidocq bỏ trốn, tình cờ gặp được một cặp vợ chồng múa rối thương hại cho hoàn cảnh của anh chàng và cho phép đi cùng. Công việc này cũng chẳng kéo dài lâu vì ông chồng phát hiện anh ta mồi chài cô vợ trẻ đẹp của mình. Bị tống ra đường lần nữa, Vidocq muốn trở về quê hương, nhưng chẳng có đồng nào làm lộ phí. Bất đắc dĩ, anh ta đồng ý thồ hành lý cho một người bán hàng rong. Khi đến gần Arras, anh ta bỏ trốn về nhà và được bà mẹ tha thứ.

Tuy người bố cũng đồng ý bỏ qua, nhưng ông đã đưa con trai vào quân đội. Chỉ sau sáu tháng nhập ngũ, anh ta đã có biệt danh “Thằng liều” khi tham gia mười lăm vụ đấu kiếm và giết chết hai người.

Năm 1792, khi Pháp tuyên chiến với Áo, Vidocq tham gia vài trận đánh và được cử làm lính ném lựu đạn, nhưng rồi anh đào ngũ sau khi phải ra tòa án quân sự vì đánh một sĩ quan. Vidocq khai tên giả để tham gia một lữ đoàn khác nhưng bị phát hiện vụ đào ngũ. Một đội trưởng đã cầu xin hộ nên anh ta thoát tội. Sau khi bị bắn vào chân, chàng trai Vidocq 18 tuổi trở về nhà.

Vào tù ra tội


Thời thanh niên của Vidocq hầu như chia thành hai nửa: đằng sau song sắt và trong quân đội. Trong những lần hiếm hoi không ở nơi nào trong hai chỗ trên, anh ta vướng vào những vụ phiêu lưu tình ái hay phạm tội.

Những cuộc phiêu lưu đưa Vidocq đến Brussels. Tại đây, chàng trai tự nhận mình là Rousseau vì đang bị truy nã tội đào ngũ. Vào năm 1795, anh ta gia nhập Armée Roulante – một đám ô hợp giả danh quân đoàn và tự phong chức. Rousseau ban đầu là thiếu úy, sau được phong thành đại úy. Với thân phận này, anh ta lọt vào mắt xanh của một nữ nam tước góa bụa, giàu có. Chưa kể, những kẻ đồng lõa còn khiến cô tin rằng đây là một chàng quý tộc lưu vong do Cách mạng Pháp. Nhưng rồi, lòng áy náy đã khiến anh ta thú nhận một phần với nữ nam tước trước khi đám cưới của họ diễn ra. Vidocq rời đi cùng khoản trợ cấp kếch sù.

Sau đó, Vidocq tới Paris và mất phần lớn số tiền trong tay vì một người phụ nữ. Anh trở lại phía Bắc và gia nhập một nhóm người du mục, rồi bỏ họ đi theo một người phụ nữ có tên là Francine Longuet. Đây chính là nguyên nhân khiến Vidocq vào tù lần nữa: cô ta ngoại tình với một tên lính, Vidocq bắt gặp và đánh cả hai người. Tên lính đã kiện anh và thế là Vidocq bị kết án ba tháng tù trong nhà ngục Tour Saint-Pierre ở Lille. Tại đây, anh ta như cá gặp nước và nhanh chóng phạm thêm tội danh mới: tham gia làm giả tài liệu, hỗ trợ và tiếp tay cho phạm nhân vượt ngục. Vidocq bị đưa ra xét xử và kết án tám năm lao động khổ sai. Vào năm 1798, anh ta giả trang thành thủy thủ và trốn thoát. Nhưng rồi do thiếu giấy tờ, anh ta lại bị bắt; rồi lại trốn bằng cách trộm một bộ đồ nữ tu và giả gái. Ở Cholet, Vidocq làm lái tàu và rong ruổi đi khắp Paris, Arras, Brussels, Ancer và cuối cùng là Rotterdam, tại đây anh ta bị người Hà Lan bắt lên tàu làm hải tặc. Sự nghiệp này cũng không kéo dài lâu, Vidocq lại bị bắt và đưa tới Douai, nơi anh ta bị xác định danh tính và chuyển tới nhà tù Toulon vào cuối tháng 8/1799. Vidocq cố vượt ngục một lần nhưng không thành, song chẳng vì thế mà nản chí. Vào tháng 3/1800, với sự giúp đỡ của một gái điếm, Vidocq đã thành công trốn thoát.

Bước ngoặt


Phiêu lưu thêm vài chuyến, Vidocq lại sa vào tay cảnh sát năm 1809. Lần này, anh ta lập công khi chỉ điểm cho cảnh sát vài tên tù nhân khác. Việc này thành công trót lọt vì đám tù tội rất tin tưởng anh ta. Trong vòng 21 tháng, Vidocq đã moi được thông tin từ nhiều bạn tù và chuyển chúng tới tay cảnh sát trưởng Paris Jean Henry, qua bạn gái mình là Annette. Để không khiến bạn tù mất lòng tin, họ đã dàn dựng một cuộc “vượt ngục” vào ngày 25/3/1811. Tuy nhiên, Vidocq không được tự do vì mắc nợ Henry, và tiếp tục làm đặc vụ bí mật cho cảnh sát Paris. Anh ta sử dụng các mối liên hệ và danh tiếng của mình trong thế giới ngầm để lấy lòng tin. Nhờ thế, Vidocq đã tham gia hỗ trợ tìm kiếm và bắt giữ tội phạm bị truy nã. Tỷ lệ thành công của anh ta vô cùng cao.

Tổ chức điều tra tội phạm

Cuối năm 1811, Vidocq thành lập không chính thức Lữ đoàn an ninh. Sau khi Bộ Cảnh sát nhận ra giá trị của các đặc vụ dân sự, tổ chức này nhanh chóng nằm dưới sự bảo trợ của cảnh sát Paris vào tháng 10/1812. Vidocq được bổ nhiệm làm người đứng đầu. Ông đã thực hiện một số đổi mới trong lĩnh vực pháp y, chẳng hạn như điều tra hiện trường vụ án sơ bộ, nghiên cứu đạn đạo, kỹ thuật theo dõi, lấy dấu vân tay. Ngoài ra, ông còn là người đầu tiên lưu giữ hồ sơ tội phạm.

Đến năm 1813, tội phạm ở Paris đã giảm 40%. Ấn tượng trước thành quả của đơn vị này, vào ngày 17/12/1813, Napoléon Bonaparte ký sắc lệnh biến lữ đoàn thành lực lượng An ninh Quốc gia. Nhân viên trong đơn vị đều là tội phạm hoặc người thuộc thế giới ngầm, thay vì nhận lương, họ được cấp phép kinh doanh sòng bạc. Một số người được tuyển từ các nhà giam để hoạt động tại chỗ. Vidocq đích thân đào tạo cấp dưới và tiếp tục săn lùng tội phạm.

Nghỉ hưu lần đầu

Những biến động chính trị vào thời điểm đó khiến Vidocq quyết định rút lui vào năm 1827. Ông dành thời gian viết hồi ký, kể lại ông đã đánh lừa tội phạm ra sao, hay có lần giả chết như nào. Vidocq trở thành bạn của các nhà văn lẫy lừng như Victor Hugo, Honoré de Balzac, Eugène Sue và Alexandre Dumas cha. Ông là cảm hứng cho nhiều nhân vật văn học nổi tiếng: thiên tài tội phạm Vautrin của Balzac, Thám tử C. Auguste Dupin của Edgar Allan Poe, Javert và Jean Valjean trong cuốn tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo

Với gia sản kếch xù kiếm được trong thời gian qua, Vidocq mở nhà máy giấy, đem lại công ăn việc làm cho tù nhân mãn hạn. Song, ông cũng vấp phải nhiều phản đối từ xã hội, đây là một trong những nguyên nhân khiến ông phá sản.

Nghỉ hưu lần hai

Quận trưởng cảnh sát Delavau và cảnh sát trưởng Duplessis phải từ chức vắng mặt và Vua Charles X thoái vị trong Cách mạng Tháng bảy năm 1830. Sau khi Vidocq đưa ra lời khuyên giá trị để phanh phui một vụ trộm, quận trưởng cảnh sát mới là Henri Gisquet phục chức cho ông. Thế nhưng, những lời chỉ trích với cá nhân Vidocq và lực lượng của ông ngày càng tăng. Thậm chí, Vidocq còn bị nghi ngờ đứng sau vụ trộm mà nhờ giúp phá án ông đã được phục chức.

Vidocq từ chức vào năm 1832. Cùng ngày, đơn vị của ông bị giải tán và thành lập lại. Đặc vụ có lý lịch đen không còn được sử dụng nữa. Tuy nhiên, đơn vị mà ông thành lập vẫn tồn tại tới ngày nay, là một phần quan trọng trong lực lượng cảnh sát Pháp. Tiếp theo, Vidocq thành lập văn phòng thám tử tư đầu tiên trên thế giới là Le Bureau des Renseignements (Văn phòng Thông tin), nhưng bị chính quyền đàn áp dữ dội.

Vidocq vào tù lần cuối trong một thời gian ngắn vào năm 1849 vì cáo buộc gian lận, nhưng rồi đã được minh oan. Ông sống ngày càng khép kín và chỉ nhận những phi vụ nhỏ. Eugène-François Vidocq qua đời vào ngày 11/5/1857, nơi chôn cất ông mãi là điều bí mật.

Nguồn: thecrimewire.com, scihi.org, britannica.com, biographics.org