Covid-19 sẽ còn tồn tại lâu dài, thậm chí có nguy cơ trở thành đặc hữu, và các nhà khoa học đang đưa ra những dự đoán về dịch bệnh này cho mùa đông tới và năm tiếp theo.

Nguy cơ trong mùa đông Covid-19 thứ hai

Nhiều loại virus gây bệnh đường hô hấp ở người bùng phát vào mùa đông, vì vậy có khả năng SARS-CoV-2 cũng sẽ tương tự. Akiko Iwasaki, nhà sinh học miễn dịch tại Trường Y Yale ở New Haven, Connecticut, cho biết: “Tôi cho rằng tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2, và cả hệ quả bệnh, sẽ tồi tệ hơn vào mùa đông."

Bà cho biết thêm, các bằng chứng cho thấy khả năng bảo vệ miễn dịch đường hô hấp có thể bị suy giảm do hít thở không khí khô về mùa đông.

Lực lượng chức năng phường Bưởi, quận Tây Hồ đã phong tỏa tạm thời ngõ 466 phố Hoàng Hoa Thám và một số ngõ nhỏ lân cận sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19. Ảnh: moh.gov.vn.

Ngoài ra, trong thời tiết lạnh, người dân ở trong nhà nhiều hơn và môi trường hẹp làm tăng nguy cơ lây truyền virus qua các giọt bắn so với môi trường ngoài trời - theo Richard Neher, nhà sinh vật học tính toán tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ. Mô phỏng của nhóm Neher cho thấy sự thay đổi của các mùa có khả năng ảnh hưởng đến sự lây lan của virus và khiến việc chống dịch ở Bắc bán cầu vào mùa đông này trở nên khó khăn hơn.

Trong tương lai, dịch SARS-CoV-2 có thể bùng phát thành từng đợt vào mùa đông. Neher cho biết, người trưởng thành đã nhiễm COVID-19 sẽ có ít nguy cơ hơn, giống như với bệnh cúm.

Ngoài ra, tổ hợp COVID-19, cúm và virus hợp bào hô hấp RSV sẽ là thách thức cho hệ thống y tế vào mùa thu và mùa đông, Velasco-Hernández, người đang thiết lập một mô hình về cách các loại virus này có thể tương tác với nhau, nhận định.

Vẫn chưa rõ liệu một người nhiễm các coronavirus khác thì có khả năng nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Trong một thí nghiệm nuôi cấy tế bào liên quan đến SARS-CoV-2 và SARS-CoV, các kháng thể đối với coronavirus này không vô hiệu hóa coronavirus khác.

Để chấm dứt đại dịch, virus phải bị loại bỏ trên toàn thế giới - hầu hết các nhà khoa học cho rằng điều này gần như là bất khả - hoặc con người phải xây dựng đủ khả năng miễn dịch thông qua việc đã từng bị nhiễm hoặc được tiêm vaccine. Ước tính, để chấm dứt đại dịch, 55–80% dân số phải miễn dịch, tùy theo từng quốc gia.

Sự phụ thuộc vào vaccine và khả năng miễn dịch

Diễn biến đại dịch năm tới phụ thuộc rất lớn vào sự xuất hiện của vaccine và khả năng miễn dịch.

Nhiều loại vaccine có khả năng bảo vệ con người trong nhiều thập kỷ - chẳng hạn như vaccine sởi hoặc bại liệt - trong khi khả năng bảo vệ của một số loại vaccine khác, bao gồm ho gà và cúm, bị bào mòn theo thời gian.

Tương tự như vậy, các bệnh do nhiễm virus có thể tạo ra khả năng miễn dịch kéo dài hoặc thoáng qua sau khi đã nhiễm một lần. Tỷ lệ người nhiễm SARS-CoV-2 đến năm 2025 phụ thuộc rất nhiều vào khả năng miễn dịch này, theo nghiên cứu của giáo sư Marc Lipsitch và các đồng nghiệp ở Khoa Dịch tễ học, ĐH Harvard.

Có thể sẽ cần giãn cách xã hội liên tục trong nhiều năm để ngăn chặn COVID-19 đạt đỉnh.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu biết rất ít về khả năng miễn dịch ở những người từng nhiễm SARS-CoV-2. Một nghiên cứu trên 15 bệnh nhân đang hồi phục cho thấy, các kháng thể vẫn tồn tại đến 40 ngày sau khi bị nhiễm. Một số nghiên cứu khác cho thấy mức độ kháng thể giảm dần sau vài tuần hoặc vài tháng. Nếu COVID-19 tuân theo mô hình tương tự như SARS thì các kháng thể có thể tồn tại ở mức cao trong 5 tháng, sau đó suy giảm chậm trong 2-3 năm.

Tuy nhiên, sản xuất kháng thể không phải là hình thức bảo vệ miễn dịch duy nhất. Các tế bào bộ nhớ B và T cũng chống lại các cuộc chạm trán với virus trong tương lai, và cho đến nay vẫn còn ít người hiểu biết về vai trò của chúng trong các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm (CIDRAP) tại Đại học Minnesota, Minneapolis, cho biết, để có câu trả lời rõ ràng về khả năng miễn dịch, các nhà nghiên cứu sẽ cần theo dõi một số lượng lớn người trong thời gian dài.

Theo các nhà khoa học, nếu các ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh mà không sản xuất được vaccine hay con người không có khả năng miễn dịch lâu dài, SARS-CoV-2 sẽ trở thành đặc hữu. Điều này đã từng xảy ra: sốt rét, một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị, vẫn lấy đi sinh mạng của hơn 400.000 người mỗi năm.

Nếu SARS-CoV-2 chỉ tạo ra khả năng miễn dịch ngắn hạn - tương tự như hai coronavirus khác ở người là OC43 và HKU1, tạo ra khả năng miễn dịch kéo dài khoảng 40 tuần - thì con người có thể bị tái nhiễm và dịch có thể bùng phát hằng năm, nhóm nghiên cứu ở ĐH Harvard dự đoán. Nếu khả năng miễn nhiễm với SARS-CoV-2 là vĩnh viễn, virus sẽ tự biến mất vào năm 2021 mà không cần có vaccine.

Một báo cáo khác của CIDRAP, dựa trên các xu hướng từ tám đại dịch cúm toàn cầu, chỉ ra rằng, COVID-19 vẫn lan truyền đáng kể trong ít nhất 18–24 tháng tới, với một loạt các đỉnh và đáy luân phiên, hoặc tiếp tục lan truyền mà không có mô hình rõ ràng.

Tuy nhiên, những kịch bản nêu trên vẫn chỉ là phỏng đoán, bởi vì đại dịch này cho đến nay không theo mô hình của đại dịch cúm nào trước đây, Osterholm nói. "Chúng ta đang ở trong một đại dịch coronavirus chưa có tiền lệ."

Nguồn:

https://www.nature.com/articles/d41586-020-02278-5#ref-CR1
https://go.nature.com/2dfmbqj
https://doi.org/10.1038/s41586-020-2405-7
https://doi.org/10.1146/annurev-virology-012420-022445