Mới đây, các nhà khoa học và động vật học nổi tiếng đã nhận được khuyến cáo không đăng ảnh selfie với tinh tinh, đười ươi và các loài linh trưởng khác lên phương tiện truyền thông xã hội nhằm hạn chế rủi ro cho các nỗ lực bảo tồn.

IUCN đã tiến hành đánh giá 514 loài linh trưởng, khoảng 2/3 loài trong số đó đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh:agefotostock/Alamy

Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), cơ quan toàn cầu về bảo vệ thế giới tự nhiên, vừa đưa ra bản hướng dẫn mới dành cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và người dẫn chương trình truyền hình. Theo đó, họ không khuyến khích ôm khỉ con trước máy ảnh và chia sẻ các bức ảnh tương tác với các loài linh trưởng tại những khu bảo tồn lên Instagram.

Các chuyên gia lo ngại rằng hình ảnh các nhà linh trưởng học tương tác với động vật có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực bảo tồn, bởi chúng có thể vô tình thúc đẩy nhu cầu buôn bán động vật linh trưởng bất hợp pháp và khuyến khích công chúng chụp ảnh selfie với khỉ, đười ươi và vượn cáo.

Các nghiên cứu đã phát hiện, việc sử dụng động vật linh trưởng trong quảng cáo – chẳng hạn như những chú tinh tinh trong quảng cáo của hãng trà PG tips từ thập niên 1950 đến 1970 – có thể làm sai lệch nhận thức về tình trạng bảo tồn động vật. Các chuyên gia lo ngại rằng những hình ảnh con người tương tác với động vật linh trưởng trên mạng xã hội cũng sẽ mang lại hiệu ứng tương tự.

IUCN đã tiến hành đánh giá 514 loài linh trưởng, khoảng 2/3 loài trong số đó đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nông nghiệp, săn bắn, sự phát triển cơ sở hạ tầng của con người và khủng hoảng khí hậu.

Siân Waters, một chuyên gia về khỉ tại Đại học Durham, người đứng đầu nhóm chuyên gia của IUCN về tương tác giữa con người và linh trưởng, đã đưa ra các hướng dẫn này. Waters cho biết, cô nhận ra tác động tiêu cực của các bức ảnh trên mạng xã hội và các bài báo trên tạp chí trong quá trình nghiên cứu loài khỉ đuôi dài Barbary – loài linh trưởng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

“Đôi khi mọi người hỏi chúng tôi rằng liệu chúng tôi có thể mua cho họ một con khỉ cưng hay không. Chúng tôi nhận thấy bất cứ khi nào trên báo có một bức ảnh người Ma-rốc nổi tiếng hoặc người Pháp nổi tiếng chụp với khỉ Barbary, số người hỏi lại tăng lên đáng kể”, cô nói.

“Nhiều người có thiện ý khi đăng những bức ảnh này, nhưng vấn đề là mọi người sẽ tiếp nhận hình ảnh này như thế nào. Bối cảnh bức ảnh có thể dễ dàng bị lệch hướng trên mạng xã hội”.

“Bức ảnh ai đó đang ôm một con khỉ đuôi dài hoặc một con tinh tinh vừa bị tịch thu có thể mang một thông điệp bảo tồn rất rõ ràng, ‘Đừng nuôi động vật linh trưởng làm thú cưng’. Nhưng trên thực tế, khi bức ảnh được chia sẻ rộng rãi trên toàn thế giới, bối cảnh đó mất đi gần như ngay lập tức.”

Linh trưởng không phải là ‘nạn nhân’ duy nhất

Nhà linh trưởng học Jane Goodall đã đưa ra lời khuyên tương tự vào năm ngoái, sau khi hình ảnh một con tinh tinh nhỏ đang lướt điện thoại di động lan truyền trên mạng xã hội. Viện của bà đã ngừng sử dụng hình ảnh Goodall tương tác thân thiết với các loài linh trưởng.

Nhà linh trưởng học người Anh Jane Goodall chụp ảnh với một con khỉ bông. Viện Jane Goodall không còn chia sẻ hình ảnh Goodall tương tác với động vật. Ảnh: Getty

Shawn Sweeney, chuyên gia truyền thông của tổ chức, bày tỏ sự hoan nghênh trước khuyến nghị không nên chụp ảnh selfie với tinh tinh. “Chúng tôi đã học được nhiều điều sau hơn sáu thập kỷ nghiên cứu và làm việc với loài tinh tinh. Giờ đây, chúng ta biết rằng các loại virus như Covid-19 có thể ảnh hưởng đến con người và động vật linh trưởng. Những hình ảnh kiểu như vậy sẽ khiến con người nảy ra ý tưởng rằng họ có thể tương tác vật lý với tinh tinh và với các loài linh trưởng khác”.

Thời đại truyền thông xã hội đã tác động tiêu cực đến nhiều loài động vật – linh trưởng không phải là ‘nạn nhân’ duy nhất. Ở Costa Rica, việc chụp ảnh selfie với động vật là bất hợp pháp, điều này nhằm bảo vệ những con lười từng bị sử dụng trái phép làm đạo cụ chụp ảnh cho khách du lịch.

Laëtitia Maréchal, nhà linh trưởng học tại Đại học Lincoln, người giúp xây dựng bản hướng dẫn mới này, cho biết: “Khi bạn nhìn thấy một hướng dẫn viên đang cưng nựng một loài linh trưởng trên TV, tâm lý con người thúc đẩy chúng ta muốn lặp lại điều đó. Các hướng dẫn không phải để chỉ tay năm ngón vào người dân, mà để giúp mọi người nhận thức được hậu quả.”


Nguồn: