Bức xạ có thể tạo ra các hiệu ứng vật lý, hóa học và sinh học nhất định, từ đó biến đổi một số tính chất của đối tượng bị chiếu xạ để khai thác và sử dụng hiệu quả hơn phục vụ đời sống con người.

Nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ đến khả năng tồn tại và trưởng thành của ruồi đục quả.
Nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ đến khả năng tồn tại và trưởng thành của ruồi đục quả.


Vai trò của công nghệ bức xạ trong nền kinh tế

Bức xạ có thể tạo ra các hiệu ứng vật lý, hóa học và sinh học nhất định, từ đó biến đổi một số tính chất của đối tượng bị chiếu xạ để khai thác và sử dụng hiệu quả hơn phục vụ đời sống con người. Xử lý bức xạ hay công nghệ bức xạ vì thế đã được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các quốc gia phát triển. Chẳng hạn, theo Báo cáo của Viện Năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA), năm 2005 đóng góp của công nghệ bức xạ trong công nghiệp, nông nghiệp và y tế đạt khoảng 4112 tỷ Yên, gần 1% GDP.

Ở Việt Nam, Công nghệ bức xạ (CNBX) bắt đầu được quan tâm nghiên cứu từ những năm 1960 để ứng dụng trong xạ trị và chiếu xạ thực phẩm. Sau khi được cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA) viện trợ thiết bị chiếu xạ bán công nghiệp đầu tiên tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đầu thập niên 1990, hàng loạt các nghiên cứu ứng dụng CNBX trong chiếu xạ thực phẩm, khử trùng y tế, biến tính vật liệu đã được thực hiện. Các kết quả nghiên cứu đạt được giúp CNBX phát triển rất nhanh với sự ra đời của các cơ sở chiếu xạ thuộc khu vực tư, và hiện đã trở thành một ngành công nghiệp năng động với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Xử lý chiếu xạ kiểm dịch quả tươi xuất khẩu tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội

Trong lĩnh vực nông nghiệp, xử lý chiếu xạ đã được chứng minh là công cụ hiệu quả để duy trì chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh và kéo dài thời gian bảo quản nhiều loại nông sản thực phẩm. Chiếu xạ với liều chiếu phù hợp cho phép kiểm soát và ngăn chặn sự phát tán của côn trùng, dịch hại, giảm tổn thất nông sản, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy giao thương quốc tế các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, chiếu xạ kiểm dịch thực vật đã trở thành biện pháp bắt buộc đối với hầu hết các loại hoa quả và một số sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào Mỹ, Úc, New Zealand, Chile và một số quốc gia khác.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ chiếu xạ trong việc nâng cao giá trị nông sản Việt Nam, năm 2015, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã thực hiện dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở phục vụ chiếu xạ kiểm dich hoa quả tươi xuất khẩu. Kết quả thực hiện đã giúp cho thiết bị chiếu xạ của Trung tâm đáp ứng quy định kỹ thuật của Mỹ và Úc đối với thiết bị chiếu xạ. Trung tâm đã hoàn thiện quy trình chiếu xạ kiểm dịch trái cây và lập bản đồ liều sản phẩm gửi Bộ Nông nghiệp Úc xin cấp phép xử lý chiếu xạ kiểm dịch quả tươi. Kết quả Trung tâm đã được phép xử lý chiếu xạ kiểm dịch quả vải thiều (năm 2016), quả xoài (2017) và quả nhãn (2019) nhập khẩu vào thị trường tiềm năng này.

Triển khai ứng dụng chiếu xạ kiểm dịch đối với quả vải thiều và quả xoài xuất khẩu sang Úc.
Triển khai ứng dụng chiếu xạ kiểm dịch đối với quả vải thiều và quả xoài xuất khẩu sang Úc.

Khó khăn, thách thức trong việc chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu sang Mỹ

Mặc dù, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã được phép chiếu xạ một số trái cây xuất khẩu sang Úc, song hiện chưa có cơ sở chiếu xạ nào ở miền Bắc được Cơ quan kiểm soát sức khỏe động, thực vật Mỹ (APHIS) cho phép xử lý chiếu xạ kiểm dịch. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chuyển quả vải từ Bắc Giang và Hải Dương vào thành phố Hồ Chí Minh (Công ty Sonson) hoặc Long An (Công ty Chiếu xạ Toàn Phát) để xử lý, làm tăng chi phí, thời gian, trong khi quả vải tươi chỉ có thê bảo quản tối đa 35 ngày với các công nghệ hiện có. Trước những khó khăn trên, từ năm 2022, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thiện các yêu cầu kỹ thuật và pháp lý gửi APHIS xin cấp phép cơ sở chiếu xạ kiểm dịch. Sau khi hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của APHIS, năm 2023, Trung tâm đã đầu tư hệ đo liều B3 gồm các liều kế (B3 DoseStix, Gex Corporation, USA), và thiết bị đo (quang phổ kế UV-Vis, Thermo Scientific, USA).
Mặc dù hệ đo liều mới đã được hiệu chuẩn trong dải đo 400-1200 Gy, song APHIS tiếp tục yêu cầu hệ đo phải truy xuất được dải liều 100-1000 Gy để kiểm soát những sai sót có thể xảy ra trong quá trình chiếu xạ. Do đó, Trung tâm đã tiếp tục mua hệ đo liều GafChromic và hiệu chuẩn trong dải liều 100-1000 Gy tại phòng thí nghiệm quốc gia RISO, Đan Mạch như khuyến cáo của APHIS để có thể thực hiện việc đánh giá cơ sở chiếu xạ. Ngày 21/6/2023, ông Ibrahim Shaqir, Phó phòng Kiểm dịch và Bảo vệ thực vật, APHIS đã gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật về kế hoạch kiểm tra và cấp phép cơ sở chiếu xạ kiểm dịch cho Trung tâm vào các ngày 29 và 30/6/2023. Tuy nhiên, Cục bảo vệ thực vật đã phải hoãn thời điểm kiểm tra do không đảm bảo được nguồn kinh phí.
Theo quy định của Mỹ, cần một đối tác (cooperator) có đủ năng lực tài chính để chi trả cho việc kiểm tra đánh giá cơ sở chiếu xạ, phối hợp lập bản đồ liều hấp thụ trong sản phẩm chiếu xạ, cũng như thực hiện việc kiểm dịch của các chuyên gia của APHIS đối với sản phẩm trước khi xử lý chiếu xạ. Như vậy, chi phí để được làm đối tác trong việc chiếu xạ kiểm dịch xuất khẩu sang Mỹ là tương đối lớn. Do đó, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Tân Kinh Bắc, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Rồng đỏ, Công ty Dragonberry (Oregon, Hoa Kỳ), trở thành đối tác của APHIS và thực hiện việc kiểm tra cấp phép cơ sở chiếu xạ của Trung tâm Chiếu xạ trong thời gian sớm nhất, đồng thời có cơ chế để đối tác này đảm bảo kinh phí cho chuyên gia APHIS thực hiện việc lập bản đồ liều và kiểm dịch quả vải trước khi chiếu xạ.

------
Tài liệu tham khảo:
Japan Atomic Energy Agency, Report on Study of Economic Scale of Radiation Application in Japan, 2007
Operational Work Plan Addendum for Irradiation Treatment of Articles from Vietnam into the Continental United States, Vietnam national plant protection, 2022.