Các nhà khoa học nhận thấy ChatGPT là một công cụ hữu ích đối với các tổ chức phi chính phủ hướng tới những mục tiêu tốt đẹp trong xóa đói, giảm nghèo. Dù vậy, người sử dụng cũng cần cảnh giác và thận trọng với những thông tin mà hệ thống AI này mang lại.

Các nhân viên ở tổ chức FIN.Nguồn: Shyama V Ramani.
Các nhân viên ở tổ chức FIN.Nguồn: Shyama V Ramani.

Các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Maastricht về Đổi mới và Công nghệ (UNU-MERIT), Đại học Liên hợp quốc đã hợp tác với Friend in Need India Trust (FIN), một tổ chức phi chính phủ (NGO) đặt trụ sở tại một làng chài biệt lập có tên Kameswaram ở bang Tamil Nadu, trong việc sử dụng ChatGPT để tìm hiểu tình trạng thiếu trao quyền cho phụ nữ, ô nhiễm và điều kiện vệ sinh không được cải thiện hiệu quả ở làng chài này, và liệu chatbot AI này có thể giúp tạo ra nhận thức, động lực và khuyến khích cộng đồng hưởng ứng với các mục tiêu bền vững ở làng chài Kameswaram hay không.

Để tìm hiểu điều này, các nhà khoa học đã làm việc với một số phụ nữ địa phương đang hoạt động trong tổ chức FIN, những người này không có trình độ học vấn cao. Trong môi trường sống đầy rẫy những quan điểm gia trưởng, họ gặp rất nhiều khó khăn khi làm công tác tư tưởng và vận động người dân. Chẳng hạn, họ không biết làm thế nào để đưa ra những luận điểm hấp dẫn nhằm động viên những người cùng làng – nhất là trẻ em trai và đàn ông – tiết kiệm nước, sử dụng nhà vệ sinh và không xả rác bừa bãi.

Họ được hướng dẫn sử dụng ChatGPT để hỗ trợ bản thân trong cuộc sống và công việc. Sau khi cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, họ phát hiện thấy nó vô cùng hữu ích. ChatGPT hoạt động như một người bạn đồng hành và ghi nhớ mọi điều mà họ đã thảo luận trước đó.

Tuy nhiên, khi một nhân viên muốn sử dụng nó để tranh luận về các vấn đề chính trị với chồng mình trước thềm cuộc bầu cử cấp bang, kết quả mà nó mang lại khiến cô ngần ngại không muốn dùng nữa. Cô đã hỏi ChatGPT về ứng viên mà cô ấy thích có những ưu điểm và nhược điểm gì, rồi yêu cầu nó xác nhận điều này bằng dữ liệu. Sau đó, cô lặp lại hành động trên với đối thủ của chính trị gia đó. Cô nhận thấy rằng phản hồi về cả hai ứng cử viên đều thuyết phục như nhau. Nhân viên này không có kiên nhẫn để kiểm tra tính xác thực của các luận điểm, thành ra cuối cùng cô còn thấy rối rắm hơn.

Trong một lần khác, các nhà khoa học yêu cầu ChatGPT viết ra một bài phát biểu nhằm ngăn chặn đám đông cương quyết muốn thực hiện hành động giết người vì danh dự.

Trong thời đại văn minh ngày nay, Ấn Độ vẫn đầy rẫy những hành vi bạo lực cộng đồng như giết người vì danh dự, chẳng hạn như với những cặp vợ chồng kết hôn với người không cùng đẳng cấp với họ, hoặc phụ nữ trẻ tìm việc làm ở ngoài làng. ChatGPT đã chứng tỏ được khả năng viết rất hiệu quả, nó đưa ra những lập luận vô cùng thuyết phục chống lại những hành vi này.

Tuy nhiên, những người muốn duy trì hiện trạng cũng có thể sử dụng chatbot để biện minh cho hành vi bạo lực của chúng với cộng đồng. Điều này có thể xảy ra nếu những người đó đang tìm cách giữ lại địa vị của mình trong làng, chống lại bất kỳ nỗ lực nào muốn khuyến khích thành viên trong cộng đồng chấm dứt những tập tục như vậy. Họ thấy rằng hệ thống AI cũng rất giỏi đưa ra những lập luận ủng hộ hành vi giết người vì danh dự.

Trong một thử nghiệm khác, các nhà nghiên cứu hướng tới mục đích là xem chatbot có thể hỗ trợ các NGO thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ như thế nào để mang lại lợi ích cho cộng đồng. Họ yêu cầu ChatGPT viết ra một bài phát biểu giải thích sự liên quan của Ngày Quốc tế Phụ nữ đối với dân làng.

Các nhân viên ở tổ chức FIN bàn luận về chiến dịch trao quyền cho phụ nữ. Nguồn: Shyama V Ramani.
Các nhân viên ở tổ chức FIN bàn luận về chiến dịch trao quyền cho phụ nữ. Nguồn: Shyama V Ramani.

Bài phát biểu rất ấn tượng, song nó lại có những lỗi sai thực tế về tỷ lệ giới tính, tình trạng nạo phá thai ngoài giới hạn pháp lý, và sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động. Khi họ yêu cầu ChatGPT giải thích về các sai sót này, nó trả lời: “Tôi xin lỗi vì bất kỳ nhầm lẫn nào. Tôi đã cung cấp một số liệu thống kê giả định nhằm làm rõ quan điểm”.

Vấn đề ô nhiễm

Trong một ví dụ khác, các nhà khoa học muốn giải quyết vấn đề ô nhiễm từ các lễ hội truyền thống tại Ấn Độ. Trong các lễ hội này, người dân thường xuyên ăn mừng bằng cách cho nổ bánh pháo và tổ chức tiệc tùng, điều này làm tăng mức độ ô nhiễm không khí và nước.

Mặc dù trước đây việc diễn kịch trên đường phố để thúc đẩy thay đổi hành vi đã thành công, song không nhân viên nào ở tổ chức FIN hay cố vấn biết viết kịch bản cả. Họ đã sử dụng ChatGPT để làm việc này thay mình. Và chỉ sau ba phút đưa vào từ khóa phù hợp, công cụ này đã cho ra một tiểu phẩm sinh động.

Vở kịch này có cả nhân vật nam và nữ, sử dụng các tên quen thuộc và chứa đựng sắc thái địa phương. Nhân viên của FIN đã tăng thêm tính địa phương của tiểu phẩm bằng cách thêm vào đó những câu nói đùa thông dụng. Vở kịch ngắn này bàn về tác động của sợi siêu nhỏ từ quần áo làm bằng vải đối với đại dương của chúng ta, không những vậy, nó còn ảnh hưởng tới cả sinh kế của những người dân sống bám biển như làng chài mà họ đang sinh sống.

Hỏi đáp với AI

Các nhà nghiên cứu đã hỏi ý kiến của ChatGPT về những kết quả mà họ đạt được. ChatGPT tự khẳng định rằng nó có thể là một công cụ giá trị cho những người bất lợi về mặt kinh tế và các tổ chức NGO, bởi vì nó cung cấp những thông tin giá trị, hỗ trợ về mặt cảm xúc và khiến việc giao tiếp diễn ra hiệu quả hơn. Song, chatbot này cũng tránh không bàn luận tới những nhược điểm rõ ràng của mình, chẳng hạn như đưa ra luận điểm dựa trên các thông tin sai lệch hay không đầy đủ.