Dương Hữu Điện, người Tày, 31 tuổi, bí thư Đoàn xã Chiêu Vũ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn đứng trên sân khấu và nói chuyện “Nước xốt mắc mật ra thế giới”.

Anh Dương Hữu Điện. Ảnh: KH&PT.
Dương Hữu Điện. Ảnh: KH&PT.

Nhiều người tưởng anh bị “thần khởi nghiệp” nhập nên nói một điều không tưởng. Vậy mà, một platform thương mại điện tử của Bắc Âu đến làm việc, và nhiều cố vấn kinh doanh từ Sài Gòn đến bắt tay: Làm thôi.

Một câu chuyện…thoát Trung

Điện sinh ra và lớn lên ở biên giới với Trung Quốc. Người Tày, được trời phú cho một nguồn gene tráng kiện hơn hẳn các bạn người dân tộc ít người khác, nên làm nương, đi rừng, hay làm gì cũng khỏe lắm. Và những thương lái Trung Quốc ở vùng biên thường thuê những chàng trai người Tày đi rừng, hái lá và quả mắc mật, vốn là một đặc sản trời cho của núi rừng Bắc Sơn quê anh. Điền làm bí thư Đoàn xã, nhưng ngoài giờ cũng có… làm thêm công việc này.

Bắc Sơn, có tới hơn 350 ha rừng mắc mật. Mà cái thứ cây kỳ lạ, ở rừng rét mướt chả ai chăm sóc gì thì khỏe như vâm, cứ bứng lên, mang về trồng thì sống èo uột vô cùng. Mỗi năm, có tới 5.000 tấn quả mắc mật được thu hoạch. Hái mang về, phơi khô, bán được 80.000 đồng/kg. “Có lúc họ mua cả trái tươi, trái non, trái dập hoặc sắp hỏng tới nơi luôn”. Điện nghĩ hoài, bên kia biên giới, hẳn là người ta có công thức làm ra sản phẩm gì đó hay ho và kiếm được nhiều tiền lắm từ cây mắc mật quê mình.

Cho đến khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên Lạng Sơn, và nhắn nhủ: “Làm sao để khách du lịch đến Lạng Sơn ai cũng phải mua một con vịt quay về”. Điện nghĩ, chả cần biết người Trung Quốc làm gì, mình biết làm xốt mắc mật để quay vịt, quay gà, quay lợn cơ mà. Người Tày mà, nghĩ là làm. Anh bắt tay vào chế biến nước xốt mắc mật. Chế biến tới lui, thì ra được hai dòng sản phẩm: bột gia vị hỗn hợp của mắc mật khô và xốt mắc mật dùng để ướp các loại thịt, khi nướng lên sẽ thơm lừng hương vị đặc trưng này.

Điện bảo: “Em mà bán được cái nước xốt này nhiều, thì sẽ bảo dân làng không đi rừng hái mắc mật bán rẻ nữa, mình cũng biết làm ra sản phẩm ngon cơ mà”.

Lời hứa của núi rừng

Điện ôm cái túi sản phẩm còn thô sơ của mình, cùng câu chuyện thật thà này đến cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp của BSA và Trung ương Đoàn. Qua vòng loại, qua bán kết ở Hà Nội. Anh chàng hào hứng hứa: em mà vào chung kết, sẽ quay một con lợn mắc mật để mời mọi người thưởng thức hương vị đặc sản quê em. Người viết bài, lúc đó là giám khảo cuộc thi, cũng hào hứng hứa: Em mà được vào chung kết, thì tôi không làm giám khảo nữa, mà sẽ đi thi cùng em.

Cuối tuần rồi, vòng chung kết diễn ra ở Sài Gòn. Điện lặn lội ôm theo nào là lá, là thân, là quả mắc mật cùng một lọ rất to nước xốt của mình. Đi loanh quanh hết bao nhiêu là trại nuôi lợn từ Sài Gòn tới Bình Dương, nơi nào cũng… “lợn toàn mùi cám anh ạ, không quay được. Lợn quê em từ nhỏ tới lớn không biết mùi cám là gì…”. Ơ hay, “lợn không ăn cám thì ăn gì?” – “Cám là công nghiệp đấy, làm hỏng cả vị thịt của nó, còn gì mà ngon nữa”. Cuối cùng, anh chàng lựa được một con lợn lai từ lợn rừng được nuôi thuần chủng. 120 đồng/cân, hơn 30 cân con này. Điện có chút lúng túng. Nhiều tiền quá. Rồi anh chặc lưỡi, đã hứa rồi, và bố đã bảo là phải tìm cho được con lợn ngon đúng chuẩn Bắc Sơn. Anh dốc hết túi, mua con lợn về quay…

Lợn chưa chín, Điện ghé Phiên Chợ Xanh tử tế, xem người ta bán hàng ở Sài Gòn ra làm sao. Thấy chợ bán khô gà lá chanh, khô gà lá chúc, Điện nghĩ: “Giá mà làm được khô gà lá mắc mật thì hay nhỉ?”. Người Tày mà, nói là làm. Điện mua 2 ký thịt gà, chạy xe mười mấy cây số về nhà bà chị quen ở Thủ Đức, bắc bếp lên làm khô gà lá mắc mật, pha thêm chút ớt, quện với quả mắc mật khô. Ăn ngon muốn xỉu…

Mắc mật ra thế giới

Tôi hỏi: “Ai là người làm gia vị số một thế giới”. Anh chàng bảo: “Em chưa biết, chờ em một lát”. Rồi anh chàng tìm ra, đó là một đầu bếp người Hồng Kông, người phát minh ra dầu hào và nước xốt xá xíu, sau này tên của ông thành một thương hiệu gia vị hàng đầu thế giới: Lee Kum Kee. Tôi lại hỏi: “Nhắm làm được vậy không?”. “Chưa anh ạ, nhưng không phải là không được. Bản đồ gia vị Việt Nam lớn thế này, vẫn ghi công mắc mật rõ to. Phở của mình chinh phục thế giới được, thì sao xốt mắc mật không ra thế giới được”.

Vừa lúc đó, anh chàng Kiệt Võ, giám đốc Việt Nam của sàn thương mại điện tử TradingFoe chuyên phục vụ thị trường Bắc Âu ghé qua. Kiệt mới chốt xong hợp đồng với YesHuế để đưa gia vị bún bò Huế bán qua Bắc Âu. Kiệt hỏi nhiều, nhiều lắm. Và đúng như mọi người hay nói, đặc tính quan trọng nhất của người Tày là thành thật, câu nào cũng khai hết ruột gan ra. Sản phẩm chưa hoàn chỉnh, mới làm đưa cho năm lò quay vịt của Lạng Sơn dùng thử để đánh giá chất lượng, và còn một núi việc phía trước chưa làm xong nữa. Kiệt nói: “OK, mình theo”. Ồ, nhìn Điện mừng, mà thấy niềm vui lan đi lớn vô cùng…

Điện ôm con heo quay mắc mật ra, chặt nhỏ để mời mọi người dùng. “Ơ, hơi nhạt..”. Anh chàng cười, có phần lúng túng: “Vâng ạ, em chưa điều chỉnh được khẩu vị vùng miền nên làm nhạt chút, để chấm thêm nước xốt là vừa. Với lại em hiểu là người Sài Gòn không ăn bột ngọt nên không cho vào…”. Anh chàng cười, cái lúm đồng tiền hiện ra thật sâu, thật rõ và thật rạng ngời…

Buổi chiều, sau khi cuộc thi kết thúc, đã thấy email của Điện, liệt kê ra danh sách 12 việc cần làm sau cuộc thi để hiện thực hóa giấc mơ đưa mắc mật ra thế giới. “Và chỉ là một món bắt đầu thôi, em còn muốn đưa nhiều món gia vị ngon quê em đi xa nữa. Và như vậy, trai gái già trẻ của người Tày đều có việc làm ổn định, không cần đi rừng thuê cho người Trung Quốc nữa anh ạ…”.

Và chẳng hiểu sao, tôi bảo: “OK, anh theo!”.