Theo ThS Nguyễn Nhứt - Phó Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, hiện nay khi các công ty tiếp cận người dân ngày càng nhiều để bán CPSH, các hộ nuôi chỉ làm theo hướng dẫn của họ, tiếng nói của khoa học cũng mất dần trọng lượng.

Chuẩn bị thức ăn cho cá lồng trên sông Kinh Thầy. Ảnh: Văn Bộ

ThS Nguyễn Nhứt - Phó Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II - cho biết: “Trước đây, quy trình nuôi thuỷ sản do các nhà khoa học khuyến cáo được dân thực hiện khá tốt. Sau đó, khi các công ty tiếp cận người dân ngày càng nhiều để bán CPSH, các hộ nuôi chỉ làm theo hướng dẫn của họ, tiếng nói của khoa học cũng mất dần trọng lượng”.

Trên thị trường hiện có hàng nghìn sản phẩm hóa chất, men vi sinh dùng trong xử lý, cải tạo môi trường nuôi thuỷ sản, có loại nằm trong danh mục cho phép, có loại đang thử nghiệm, có loại nhập lậu… do hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ đưa xuống bán cho các đại lý, hoặc tuồn thẳng vào ao nuôi.

Thị trường sản phẩm hỗ trợ nuôi trồng thuỷ sản không chỉ loạn hoá chất, kháng sinh mà còn loạn cả CPSH. Những chế phẩm này được doanh nghiệp, đại lý quảng bá như là thần dược trong việc cải tạo, làm sạch môi trường, lập lại cân bằng sinh thái trong ao nuôi, giúp con tôm không dính bệnh tật do diệt được vi khuẩn trong nước, diệt tảo độc, ức chế khí độc...

“Người dân đang bị “ngộ độc” giữa một rừng kiến thức” - ThS Nhứt nói. Không nhiều nông dân nuôi thuỷ sản hiểu các thông tin ghi trên bao bì CPSH, men vi sinh, không biết những dòng ghi thành phần như “số lượng vi khuẩn hiếu khí Bacillus lichenniformis (109 CFU/g); Saccharomyces cereviseae (109 CFU/g); Lactobacillus acidophilus (5x1011 CFU/kg)…” có ý nghĩa gì.

Họ cũng không phân biệt được CPSH nào tốt, cứ thấy công ty, đại lý bán thuốc nào đến tận nơi quảng cáo rầm rộ thì tin và mua. Ngoài ra, do không được hướng dẫn sử dụng một cách khoa học, họ có xu hướng cho CPSH xuống ao nuôi một cách tuỳ tiện, sai cách.

“Trong khi đó, quy trình nuôi thủy sản phải phù hợp với cơ cấu bệnh, khi các bệnh mới xuất hiện thì quy trình phải thay đổi. Người nuôi phải hiểu rằng, nuôi tôm cá là rủi ro, do đó cần biết kỹ thuật, phương pháp nào giúp giảm rủi ro xuống mức thấp nhất. Các hộ nên chia thành các ao nhỏ để nuôi chứ không nên nuôi ao lớn vì khi có sự cố sẽ rất khó xử lý, khi tôm cá chết sẽ chết hàng loạt, rủi ro rất cao. Người dân phải biết nguồn gốc gây ô nhiễm, gây bệnh cho thủy sản mới có thể ngăn ngừa và xử lý được bệnh. Việc “đánh thức” người dân nuôi trồng thuỷ sản bằng kiến thức và biện chứng khoa học là điều cần thiết nhất hiện nay” – ThS Nguyễn Nhứt chia sẻ.