Dù các nhà khoa học đã tạo ra rất nhiều công nghệ mới tiềm năng cho năng lượng bền vững và giao thông xanh, nhưng quá trình chuyển giao, triển khai công nghệ ra đời sống vẫn còn chậm.

g
Chiếc ô tô chạy bằng điện Neta V, được trưng bày trong Triển lãm Ô tô Quốc tế Gaikindo Indonesia ở Tangerang, gần Jakarta, Indonesia, ngày 10/8 năm nay. Ảnh: Reuters/Willy Kurniawan

Phát triển bền vững tiếp tục là một trong những chủ đề được quan tâm nhất năm nay, đặc biệt là tại COP28. Những vật liệu và công nghệ mới tiềm năng cho năng lượng bền vững và giao thông xanh đang trở thành xu thế mới trên toàn thế giới, chẳng hạn như pin lithium phosphate - loại pin không sử dụng Cobalt, giúp giảm thiểu tác động cho cả môi trường và người lao động; các tấm màng năng lượng mặt trời mỏng và trong suốt che phủ tòa nhà văn phòng cao tầng nhằm sản xuất năng lượng từ mặt trời mà không tốn thêm diện tích

Tuy nhiên, theo GS Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley, nguyên Đặc phái viên khoa học của Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama về biến đổi khí hậu, thách thức mà thế giới đang gặp phải không nằm ở khía cạnh khoa học công nghệ. “Chúng ta đã và đang tạo ra những công nghệ mới để khử carbon, vấn đề là chúng ta chưa triển khai các công nghệ này đủ nhanh. Đồng thời, sự chia sẻ và chuyển giao những công nghệ với các nền kinh tế mới nổi diễn ra chưa đủ quyết liệt”, ông chia sẻ trước thềm toạ đàm “Cơ sở hạ tầng bền vững và giao thông xanh” do Quỹ VinFuture tổ chức ngày 19/12.

Chẳng hạn, tại Đông Nam Á - một khu vực đang phát triển, biến đổi khí hậu và các hiện tượng khí hậu cực đoan hiện nay không còn liên quan đến công nghệ nữa. “Vấn đề là chúng ta chưa thúc đẩy đủ nhanh nỗ lực phi carbon hóa hệ thống năng lượng. Và nguyên nhân nằm ở các yếu tố chính sách và xã hội nhiều hơn”, ông nhận định. “Theo quan sát của tôi, các công nghệ về năng lượng mặt trời, điện gió, địa nhiệt... đang phát triển rất nhanh, nhưng tốc độ này chưa đi đôi ở phương diện triển khai và áp dụng vào thực tế”. Đó là một thách thức lớn, các nước cần đưa nỗ lực phi carbon hóa trở thành cốt lõi của nền kinh tế hiện nay, chứ không chỉ là công nghệ đang tiến triển tới đâu.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều quốc gia chưa khẩn trương triển khai các kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu như cắt giảm tối thiểu 90% khí thải nhà kính cho đến năm 2050. Tất cả các quốc gia đã và đang phát triển cần tăng cường việc sử dụng phương tiện công cộng một cách hiệu quả hơn. Các quốc gia cũng cần đẩy nhanh xu hướng điện hóa để xe điện trở thành “một bình thường mới”, và pin cùng tấm năng lượng mặt trời cần đạt mức tái chế cao hơn.

Ngoài ra, ông cho rằng điều tối thiểu là cần phải thực hiện được, sau đó duy trì và mở rộng, cam kết tài chính 100 tỷ USD hằng năm cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong những cam kết chính được đưa ra tại Hội nghị Khí hậu Paris vào năm 2015.

Trong quá trình theo dõi quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông trên toàn cầu, GS Daniel Kammen nhận thấy châu Á đang có những bước tiến ấn tượng khi hầu hết các quốc gia đang tăng cường phát triển các ngành công nghiệp năng lượng sạch. “Việc các Tập đoàn như Vingroup đầu tư quyết liệt vào các phương tiện chạy điện đã gây tiếng vang lớn. Một tín hiệu tích cực khác là nỗ lực tăng cường xe máy điện ở Indonesia”, ông nhận định.

Tuy vậy, vẫn có thể nhận thấy sự mở rộng của những ngành gây ô nhiễm ở khu vực này. Việc thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng sạch cũng vẫn còn hạn chế. Ông cho rằng ở khía cạnh này, không chỉ Đông Nam Á, mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chưa giải quyết được triệt để vấn đề. Nhìn chung, để loại bỏ những nguồn năng lượng là tác nhân ô nhiễm đòi hỏi những chính sách mạnh mẽ.

GS. Daniel Kammen, Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, là Giáo sư James & Katherine Lau về Phát triển bền vững tại Đại học California, Berkeley (Hoa Kỳ). Vào tháng 4/2010, ông được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton bổ nhiệm làm chuyên gia năng lượng đầu tiên của sáng kiến Đối tác Môi trường và Khí hậu cho Châu Mỹ ECPA. GS. Kammen cũng đã được tin tưởng giao đảm nhiệm vị trí Đặc phái viên Khoa học cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.