Vào giữa tháng 9, các bác sĩ tại Viện Cấy ghép Langone thuộc Đại học New York (Mỹ) công bố kết thúc thí nghiệm cấy ghép thận lợn biến đổi gene vào một bệnh nhân chết não sau 61 ngày. Đây là trường hợp cấy ghép dị chủng (xenotransplant) lâu nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực y học.

Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật cấy ghép thận lợn. Ảnh: Shelby Lum
Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật cấy ghép thận lợn. Ảnh: Shelby Lum

Công nghệ mới này là một phần của lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển nhanh chóng, tập trung vào việc thúc đẩy cấy ghép giữa các loài. Đối với con người, các nhà nghiên cứu chủ yếu thử nghiệm trên những cơ thể hiến tặng vì mục đích khoa học.

“Chúng tôi đã học được rất nhiều trong suốt hai tháng qua thông qua việc quan sát và phân tích kỹ lưỡng. Cấy ghép dị chủng là một giải pháp đầy hứa hẹn, giúp giải quyết tình trạng thiếu nội tạng hiến tặng trong thời gian tới”, Robert Montgomery, Giám đốc Viện Cấy ghép Langone, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Khi tiến hành phân tích các mô, Montgomery và cộng sự phát hiện dấu hiệu đào thải nhẹ sau quá trình cấy ghép thận lợn, dẫn đến nhu cầu sử dụng thuốc ức chế miễn dịch của bệnh nhân tăng lên. Quá trình đào thải không diễn ra ngay lập tức là do nhóm nghiên cứu đã vô hiệu hóa gene chịu trách nhiệm tạo ra phân tử sinh học gọi là alpha-gal, một mục tiêu quan trọng mà các kháng thể trong cơ thể người thường tìm đến hoặc tấn công.

Dữ liệu từ thí nghiệm lần này sẽ là tiền đề quan trọng cho các thử nghiệm lâm sàng trên cơ thể người sống trong tương lai.