Biến đổi khí hậu không gây ra cháy rừng. Nhưng nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm làm khô cây và đất, biến chúng thành nhiên liệu khuếch đại các đám cháy khi chúng bùng phát.

Các vụ cháy rừng hoành hành dọc bờ biển phía đông Australia đã phát thải khoảng 400 triệu tấn carbon dioxide vào khí quyển, đẩy nhanh biến đổi khí hậu - vốn là nguyên nhân làm cho đám cháy trầm trọng hơn.

400 triệu tấn carbon dioxide nhiều hơn tổng lượng phát thải hàng năm của 116 quốc gia phát thải thấp nhất và gấp 9 lần lượng phát thải trong vụ cháy ở California năm 2018. Lượng khí nhà kính này là ba phần tư tổng lượng phát thải của Úc năm 2019.

Chưa hết, 400 triệu tấn cũng không phải là lượng phát thải chưa từng thấy trước đây vào thời điểm này trong năm tại Úc, nơi thường xảy ra cháy rừng mùa hè, mùa cháy ngày càng kéo dài hơn và số ngày "nguy cơ cháy rất cao" đang tăng.

Kỷ lục phát thải cháy rừng ở Úc là 600 triệu tấn từ tháng 9 đến đầu tháng 1 trong mùa cháy dữ dội năm 2011 và 2012, theo Dịch vụ giám sát khí quyển của Liên minh châu Âu.

Hỏa hoạn trên đảo Kangaroo, Úc, tạo ra những đám khói dày.

Nhưng trong vụ cháy lần này, khí thải vượt quá mức tiêu biểu ở New South Wales, nơi tập trung các đám cháy năm nay. Hơn 5,2 triệu ha (diện tích Hà Nội là hơn 300 nghìn ha) đã bị đốt cháy trên khắp bang New South Wales kể từ ngày 1/7/2019, theo một tuyên bố từ Sở Cứu hỏa nông thôn bang.

Biến đổi khí hậu không gây ra cháy rừng. Nhưng nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm làm khô cây và đất, biến chúng thành nhiên liệu khuếch đại các đám cháy khi chúng bùng phát.

Một báo cáo năm 2018 của cơ quan khoa học quốc gia Úc và Cục Khí tượng học kết luận biến đổi khí hậu, với nhiệt độ trung bình đã tăng hơn 1˚C, đã góp phần làm cho cháy rừng ở quốc gia này trở nên tồi tệ hơn.

Và chính những đám cháy lớn này tiếp tục thúc đẩy biến đổi khí hậu. Khi cây và thực vật bị đốt cháy, chúng giải phóng carbon được lưu trữ trong thân, lá, cành và rễ. Đây giống như một vòng phản hồi luẩn quẩn, khi chính những tác động của biến đổi khí hậu càng làm trầm trọng biến đổi khí hậu, và việc giải quyết tình trạng này càng trở nên phức tạp.

Các vụ hỏa hoạn đã có những tác động tàn phá ở Úc.

Các báo cáo đưa tổng diện tích bị đốt cháy trong những tuần gần đây ở mức hơn 10 triệu ha, thậm chí vượt xa các vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở Amazon năm ngoái. Và diện tích bị đốt cháy ở Úc đợt này gấp gần 13 lần cả mùa cháy ở California 2018, vụ cháy tàn phá nghiêm trọng nhất trong lịch sử bang California.

Hơn 25 người đã chết, và hàng trăm ngàn người được kêu gọi sơ tán. Hàng ngàn ngôi nhà đã bị phá hủy, và khói đã bao phủ hơn 20 triệu km vuông (7,7 triệu dặm vuông).

Một giáo sư của Đại học Sydney ước tính rằng hơn một tỷ động vật đã bị giết trong các vụ hỏa hoạn, dựa trên các ước tính trước đó về các quần thể động vật có vú, chim và bò sát ở các khu vực bị ảnh hưởng.

"Úc đã khá nổi tiếng với tỷ lệ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới đối với động vật có vú", Chris Dickman, giáo sư về hệ sinh thái trên cạn, nói trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh quốc gia Úc. "Những sự kiện như thế này có thể thúc đẩy quá trình tuyệt chủng cho một loạt các loài."

Tình hình ngày càng nguy hiểm hơn trong những ngày gần đây, khi thời tiết nóng và gió trở lại. Hai đám cháy khổng lồ đã hợp nhất thành một đám cháy khổng lồ ở khu vực xung quanh New South Wales và Victoria, và bao phủ khoảng 600.000 ha (1,5 triệu mẫu Anh).

Nguồn:

https://www.technologyreview.com/s/615035/australias-fires-have-pumped-out-more-emissions-than-100-nations-combined/