Bộ phận chân giả dành cho những người khuyết tật bị cắt chân trên đầu gối do các nhà khoa học Nga phát triển có khả năng đoán được các cử động tiếp theo nhờ thông tin từ các bộ cảm biến.

Bộ phận chân giả bao gồm phần xương bằng kim loại, động cơ, bộ giảm xóc, bộ điều khiển, máy vi tính và pin - Ảnh: iStock
Bộ phận chân giả bao gồm phần xương bằng kim loại, động cơ, bộ giảm xóc, bộ điều khiển, máy vi tính và pin - Ảnh: iStock

Theo Rossijskaja Gazeta, các kỹ sư ở Đại học quốc gia Sevastopol (Nga) đã giới thiệu một bộ phận chân giả đoán được các cử động tiếp theo. Hiện đã có một nguyên mẫu sẵn sàng để thử nghiệm. Bộ phận chân giả bao gồm phần xương bằng kim loại, động cơ, bộ giảm xóc, bộ điều khiển, máy vi tính và pin. Trọng lượng của thiết bị là khoảng 10 kg. Nhưng các nhà phát triển hứa hẹn rằng trọng lượng này trong quá trình hoạt động sẽ không được cảm nhận.

Tác giả công trình, phó giáo sư của khoa cơ học kỹ thuật và khoa học máy của trường, ông Alexander Poljakov, nhận xét rằng đây là một bộ phận giả hoạt động được sử dụng khi bị cắt bỏ các chi dưới bên trên khớp gối. Khác với các bộ phận chân giả cơ khí và chỉ hoạt động được một phần, loại chân giả này có nguồn điện và có thể quay khớp. Hoạt động của thiết bị dựa trên việc xử lý thông tin từ các cảm biến và dự đoán được chuyển động tiếp theo, được thực hiện tùy thuộc vào bước đi bộ. Đó là những bước đi trên bề mặt bằng phẳng, bề mặt nghiêng, bước lên và bước xuống bậc cầu thang, cũng như các động tác mà một người thực hiện như ngồi xuống và đứng lên.

Trong bàn chân giả có lắp đặt các bộ cảm biến áp suất và điện trở uốn. Cảm biến quán tính cũng được sử dụng để xác định vị trí của các bộ phận xương đùi và hông trong không gian. Theo thông tin từ các cảm biến, qua hình ảnh của pha đi bộ được tạo ra là có thể dự đoán chuyển động tiếp theo. Động cơ sẽ giúp người khuyết tật thực hiện bước vận động này.