3 nhà khoa học Jacques Dubochet, Joachim Frank và Richard Henderson đã được trao giải Nobel Hóa học năm 2017 nhờ đóng góp cho sự phát triển của “kính hiển vi điện tử đông lạnh (cryo) để xác định cấu trúc phân tử sinh học trong dung dịch với độ phân giải cao”.

Kính hiển vi này có khả năng làm đông lạnh phân tử và cho hình ảnh có độ phân giải cao về cấu trúc phân tử.

Hình ảnh so sánh một cấu trúc phân tử trước và sau khi được chụp bằng kính hiển vi điện tử đông lạnh. Ảnh: The Guardian.

Khi được hỏi về ứng dụng của kỹ thuật này, nhà khoa học Joachim Frank cho biết: “Ứng dụng của nó là rất lớn. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần có thêm nhiều nghiên cứu cơ bản nữa để có thể ứng dụng được vào y học”. Ông cũng cho biết mình từng nghĩ rằng cơ hội đoạt giải Nobel với kỹ thuật này là vô cùng nhỏ.


Tổng biên tập tạp chí Nature về Hóa học - Tiến sĩ Stuard Cantrill - cho rằng giải thưởng năm nay sẽ gây bất ngờ cho nhiều người bởi khám phá về pin lithium-ion và kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR cũng có trong danh sách đề cử nhưng lại không được chọn.

“Sẽ có những ý kiến cho rằng: đây không phải là hóa học, đây là sinh học, tuy nhiên kính hiển vi điện tử đông lạnh (cryo) là một kỹ thuật phân tích cho phép quan sát cấu trúc phân tử với mức độ chi tiết cao. Kỹ thuật này co phép các nhà khoa học hiểu biết nhiều hơn về cách hoạt động của những hệ thống sống ở mức độ phân tử. Nếu chúng ta nói về nguyên tử và kết nối hóa học, đó chính là hóa học dù nó nằm trong phạm vi của sinh học” - ông Cantrill nói.