Rainer Weiss, Barry Barish và Kip Thorne - 3 nhà khoa học người Mỹ thực hiện thí nghiệm Ligo, từ đó tìm ra được sóng hấp dẫn vừa vinh dự trở thành chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 2017.

Đây là 3 nhà khoa học có công lớn nhất trong việc Đài quan trắc sóng hấp dẫn bằng giao thoa kế laser - hay còn gọi là Ligo - phát hiện sóng hấp dẫn vào tháng 9/2015.

Giáo sư Vật lý Weiss - làm việc tại Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ - là người có đóng góp chính trong việc xây dựng ý tưởng, thiết kế, gây quỹ và cuối cùng là xây dựng Ligo.

Kip Thorne - là giáo sư Vật lý lý thuyết tại Viện Công nghệ California, Mỹ - là người đưa ra những dự đoán quan trọng về việc quá trình tìm kiếm sóng hấp dẫn sẽ diễn ra thế nào và làm sao để nhận diện được tín hiệu của sóng hấp dẫn trong nguồn dữ liệu thu được.

Từ trái qua phải: Rainer Weiss, Barry Barish and Kip Thorne. Ảnh: NobelPrize.org

Barry Barish là giáo sư vật lý về các hạt cơ bản thuộc Viện công nghệ California. Ông được đánh giá là người có công lớn trong việc triển khai thí nghiệm Ligo. Khi ông nhận chức danh đồng Giám đốc điều hành Ligo vào năm 1994, dự án này đang có nguy cơ bị đổ bể. Chính ông đã giúp dự án được tiếp tục vào năm 1999.

Ngoài 3 nhà vật lý trên, thí nghiệm Ligo còn có sự đóng góp của rất nhiều các nhà thực nghiệm - những người đã xây dựng một trong những máy dò tìm nhạy cảm nhất trên thế giới, cũng như các nhà lý thuyết - những người đã tìm ra tín hiệu về việc 2 lỗ đen va chạm sẽ ra sao.

Nhà vật lý học người Scotland Ronald Drever đã cùng với Weiss và Thorne đóng vai trò lớn trong việc phát triển Ligo, nhưng ông đã qua đời 18 tháng sau khi sóng hấp dẫn được phát hiện lần đầu tiên do căn bệnh mất trí (giải thưởng Nobel không trao cho những người đã qua đời).

Phát biểu khi biết tin nhận giải, nhà khoa học Weiss cho biết: “Đây là sự công nhận với đóng góp của gần 1.000 người. Đã 40 năm mọi người nghĩ về việc tìm ra sóng hấp dẫn, cố gắng phát hiện ra nó và chậm nhưng chắc, chúng ta đã có công nghệ để làm được điều này”.