Những câu hỏi mà cá nhân, tổ chức và quốc gia có thể đặt ra khi đọc báo cáo “Trends Shaping Education 2022” của OECD là: Những xu hướng này liên quan thế nào với bối cảnh sống của bản thân, tốc độ và tầm ảnh hưởng của chúng ra sao? Chúng ta có thể tác động trở lại đến những xu hướng này không? Còn những xu hướng nào khác cần được thảo luận?

4. Danh tính và sự thuộc về

So với 50 năm trước, ngày nay, tại các nước OECD, các thiết chế xã hội nhìn chung đã trở nên ít quan trọng hơn và kém quyền lực hơn, dẫn tới sự biểu hiện ít rõ nét hơn của danh tính tập thể.

Xem xét số liệu tổng thể, tôn giáo dường như trở nên bớt quan trọng hơn đối với những người dân thuộc các nước OECD. Số liệu ở từng quốc gia cho thấy sự gia tăng niềm tin tôn giáo ở Hy Lạp, Estonia, Latvia, Ba Lan,... nhưng con số này không đủ để bù cho sự suy giảm niềm tin tôn giáo mạnh mẽ ở những nước như Chile, Thụy Sĩ, Mỹ và Canada. Tỷ lệ tham gia công đoàn của khối OECD cũng giảm từ 39% xuống 16% trong giai đoạn 1978 - 2019, trong đó chỉ có các nước Bắc Âu vẫn duy trì tỉ lệ này ở khoảng 60%. Những thay đổi đó đến từ sự gia tăng dịch chuyển của con người và tư tưởng, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Các phát triển này tạo điều kiện cho các đối thoại và tranh luận về những niềm tin và thực hành truyền thống. Trong thời đại mà danh tính cá nhân đa dạng hơn và ít gắn kết hơn với các thiết chế, tổ chức xã hội, giáo dục cần chú ý tới việc hỗ trợ người học trong quá trình tìm kiếm bản sắc của mình. Cùng với đó, giáo dục cần xem xét lại những tiêu chuẩn và quy định truyền thống và ảnh hưởng của nó tới những người học có xuất thân khác nhau và đặc điểm cá nhân đa dạng, từ đó tạo ra một môi trường học tập thoải mái cho tất cả mọi người.

Trong bối cảnh xu hướng đa dạng hóa ngày càng phát triển, giáo dục cần bổ sung các nội dung giảng dạy về quốc tế hóa, đa dạng văn hóa cùng những lợi ích và thách thức của các xu hướng đó. Nguồn: ei-ie.org

Xu hướng đa dạng hóa ngày càng phát triển cũng đến từ quá trình quốc tế hóa và địa phương hóa đang đồng thời được đẩy mạnh ở các nước OECD. Ở cấp độ quốc gia, lượng người di cư nước ngoài đã tăng từ 9% lên gần 14% tổng dân số, chủ yếu là di cư lao động. Số các tổ chức phát triển đa phương (multilateral development organisations) tăng từ con số 9 vào năm 1944 lên hơn 180 xét đến nay. Các tổ chức dân sự quốc tế như Amnesty International cũng ngày mở rộng ra nhiều quốc gia. Xu hướng này mặc dù cho thấy tinh thần hợp tác được tăng cường, lại cũng khiến nhiều người lo sợ dự báo một tình trạng phân mảnh làm hạn chế những nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Lúc này, giáo dục cần bổ sung các nội dung giảng dạy về quốc tế hóa, đa dạng văn hóa cùng những lợi ích và thách thức của các xu hướng đó. Ngoài ra, trước tiến trình quốc tế hóa ngày càng mạnh mẽ, liệu chúng ta có thể nghĩ đến một tương lai với những hệ thống trường học quốc tế?

Những thay đổi về danh tính cũng được thể hiện rõ nét ở cách người dân tham gia vào chính trị. Số cử tri đi bỏ phiếu giảm cho thấy sự mất niềm tin vào các thiết chế chính trị tập thể. Người dân cũng ngày càng có nhiều cách thức để thể hiện tiếng nói của mình mà không cần thông qua đảng hay đoàn thể nhân dân, chẳng hạn như chủ động thay đổi hành vi tiêu dùng hay tham gia và các tổ chức độc lập về các vấn đề họ quan tâm. Trước một xã hội ngày càng phân mảnh, giáo dục cần đóng vai trò nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết và giá trị tập thể ở người học. Trường học cũng cần tạo điều kiện cho những đối thoại và hoạt động đề cao tiếng nói của học sinh, và bổ sung các nội dung giảng dạy về nhận thức chính trị khi mà độ tuổi quan tâm tới vấn đề này ngày càng trẻ hóa.

Trong các phong trào ủng hộ đa dạng hóa, sự đấu tranh cho đa dạng xu hướng tính dục, bản dạng giới và quyền của người khuyết tật đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Nhiều nước trong khối OECD đã thực hiện các hành động pháp lý để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBTQI+ như ngăn chặn phân biệt đối xử và bạo lực, hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và loại chuyển giới khỏi các danh mục bệnh tật. Đối với nhóm người khuyết tật, phong trào Paralympic đã góp phần quan trọng vào việc thay đổi các định kiến và khuôn mẫu về họ. Trong lần tổ chức đầu tiên, chỉ có 23 nước và 400 vận động viên tham gia Paralypic. Con số này đã tăng lên thành 163 quốc gia và 4.537 vận động viên trong năm 2021. Ở cấp độ trường học, nhà trường cần hợp tác với các dịch vụ và đối tác bên ngoài để hỗ trợ tốt hơn cho những học sinh có nhu cầu đặc biệt cả ở khía cạnh vô hình (kiến thức, tinh thần) lẫn hữu hình (cơ sở vật chất). Ngoài ra, sự đa dạng cá nhân trong lực lượng giáo viên cũng cần được chú ý trong việc đưa ra các quyết định về chính sách và chủ trương trong trường học.

Cuối cùng, một lực lượng quan trọng khác thúc đẩy sự bùng nổ của danh tính cá nhân cần được thảo luận là mạng xã hội. Các nền tảng như Facebook, Youtube và WhatsApp ngày càng phủ rộng với hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. Mạng xã hội cho phép cá nhân xây dựng, điều chỉnh, bộc lộ và cả che giấu những đặc điểm cá nhân của mình. Nó đã phát triển tới mức khiến cho nhiều người có thể thu được lợi nhuận lớn từ việc bán hình ảnh cá nhân. Để tận dụng sức mạnh cũng như hạn chế các mặt trái của nó, trường học cần để tâm tới việc trang bị các thiết bị và nền tảng công nghệ của mình, cũng như nâng cao năng lực số của học sinh.

5. Thiên nhiên và con người

Con người đang ngày càng đạt được nhiều “thành tựu” trong việc gây ô nhiễm trái đất. Các nước OECD tiêu thụ lượng tài nguyên mà phải 3 Trái đất mới đáp ứng được. Ngày Trái đất vượt ngưỡng (Earth Overshoot Day) mỗi năm là ngày đánh dấu thời điểm tài nguyên thiên nhiên con người tiêu thụ vượt quá khả năng cung cấp của trái đất trong năm đó. Năm 1970, ngày này rơi vào ngày 30/12. Và năm 2021 vừa rồi, ngày này rơi vào ngày 29/7. Phát thải khí CO2 từ ngành năng lượng toàn cầu đang đạt mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 33 Gt vào năm 2019, gấp 11 lần con số đó vào năm 1900. Năm 2020, lượng khí thải CO2 trong khí quyển đạt nồng độ trung bình năm cao nhất mọi thời đại, cao hơn khoảng 50% so với thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu. Trước tình trạng nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng, thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng,... giáo dục sẽ là chìa khóa trong việc nâng cao nhận thức của thế hệ tương lai về mối quan hệ giữa những quyết định cá nhân trong đời sống hằng ngày và ảnh hưởng của nó tới môi trường. Bên cạnh đó, trường học cũng cần chuẩn bị cơ sở vật chất hay các sắp xếp hệ thống khác để ứng phó và thích ứng với một tương lai hứng chịu các hậu quả của biến đổi khí hậu.

Thế giới đang đối mặt với sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu, với số các loài động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư và các loài cá giảm trung bình 68% kể từ năm 1970. Để khôi phục sự đa dạng sinh học trên trái đất, nhiều nỗ lực chung đã được tiến hành. Số lượng khu bảo tồn trên cạn đã tăng lên 9 lần từ năm 1950 đến năm 2021. Các khu bảo tồn biển cũng tăng từ 3% vào năm 2000 lên 21% vào năm 2021. Tuy vậy, nhìn chung vẫn còn nhiều khác biệt giữa các nước cả về khoảng rộng lẫn mức độ hiệu quả của các khu bảo tồn thiên nhiên. Cùng với đó, khi dân số tại các khu vực thành thị ngày càng tăng, nhiều sáng kiến về các không gian xanh đã được phát triển để bảo vệ sự đa dạng sinh học và cải thiện chất lượng không khí. Trường học có thể tích hợp các hoạt động và nội dung học gắn với thiên nhiên để vừa tăng chất lượng học tập lẫn nâng cao nhận thức của học sinh về bảo vệ thiên nhiên. Bên cạnh đó, các chiến lược quy hoạch đô thị cần xem xét tích hợp các không gian xanh vào xung quanh hoặc bên trong trường học.

Thách thức thứ ba mà con người phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên này là đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng trong khi chiến đấu với những áp lực lên môi trường gây ra bởi nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, nhiều phương pháp thay thế cho nông nghiệp thâm canh như nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp sinh thái (agroecology) và nông nghiệp dựa trên dữ liệu đã ra đời. Cùng với đó, những công nghệ sản xuất thực phẩm mới đang góp phần lớn vào việc nâng cao chất lượng thực phẩm (như là cho phép thời hạn bảo quản lâu hơn), cho phép vận chuyển đường dài và thậm chí là tạo ra các danh mục sản phẩm hoàn toàn mới. Sự gia tăng của các thực phẩm siêu chế biến một mặt giúp hỗ trợ các chế độ ăn an toàn với giá cả phải chăng, nhưng mặt khác dẫn tới nhiều bệnh dinh dưỡng nếu bị tiêu thụ quá mức. Giáo dục sẽ là giải pháp hạn chế nguy cơ này thông qua việc giảng dạy về dinh dưỡng lành mạnh cũng như đảm bảo an toàn dinh dưỡng trong trường học.

Sự phát triển của y học và sinh học đã giúp tuổi thọ trung bình của con người trên toàn cầu tăng đáng kể trong thế kỷ vừa rồi. Mặc dù dân số già đi và tăng lên khiến số tử vong do những nguyên nhân nghiêm trọng như ung thư tăng, năng lực điều trị và can thiệp cũng như nhận thức về bệnh tật cũng đồng thời ngày càng phát triển. Khi kiểm soát được tình trạng già hóa dân số, tỉ lệ tử vong do ung thư đã thực sự giảm 15% từ năm 1990 đến năm 2019. Thách thức lớn hơn lúc này lại đến từ những căn bệnh thoái hóa thần kinh như chứng sa sút trí tuệ - nhóm bệnh được dự đoán sẽ ngày càng lan rộng trong tương lai. Bên cạnh những phát triển về điều trị bệnh tuổi già, một thị trường cũng đang lớn mạnh khác là khoa học chống lão hóa, với mục tiêu xa nhất là giúp con người bất tử. Những nghiên cứu này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta định nghĩa sức khỏe và bệnh tật. Trước các phát triển vượt bậc về công nghệ y sinh, trường học cần nhanh chóng tận dụng để hỗ trợ tốt hơn các học sinh có nhu cầu đặc biệt, cùng với đó xem xét những bất bình đẳng mới đến từ khả năng tiếp cận các công nghệ và thuốc thông minh (smart drugs) khác nhau giữa các học sinh. Ngoài ra, mặc dù công nghệ khiến lối sống ít vận động gia tăng dẫn tới những chứng bệnh thường gặp ở học sinh như béo phì, nó cũng là một cơ hội để tích hợp các bài tập thể dục với các cơ chế game hóa giúp cải thiện sức khỏe của học sinh.

Sự hiện diện của con người trên các nền tảng ảo đã và đang định hình lại các kết nối và giao tiếp xã hội. Mặc dù vậy, những tương tác trực tiếp vẫn có những lợi ích quan trọng đối với con người, và đây sẽ là điều giáo dục cần quan tâm trong thời gian tới. Trong ảnh: Năm 2015, lần đầu tiên một biểu tượng cảm xúc được Từ điển Oxford chọn làm “từ của năm”. Ảnh: hubgets.com

Tiếp tục những ảnh hưởng của công nghệ, thực tế ảo (VR- Virtual Reality) và thực tế tăng cường (AR - Augmented Reality), đang làm thay đổi cách con người trải nghiệm thế giới. Công nghệ AR giờ đây đã được tích hợp trên hàng ngàn ứng dụng điện thoại như các bộ lọc trên Instagram và Snapchat. Còn công nghệ VR mặc dù chưa phổ biến như vậy, nhưng cũng mang tới nhiều hứa hẹn như trong tương lai, con người có thể tham dự các buổi họp ảo bằng các hình ảnh ảo của mình. Chưa cần tới những công nghệ cao như VR, sự hiện diện của con người trên các nền tảng ảo vẫn đã và đang định hình lại các kết nối và giao tiếp xã hội. Năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử, một biểu tượng cảm xúc đã được Từ điển Oxford chọn làm “từ của năm”, đó là biểu tượng “cười ra nước mắt” (hình trên). Mặc dù vậy, những tương tác trực tiếp vẫn có những lợi ích quan trọng đối với con người, và đây sẽ là điều giáo dục cần quan tâm trong thời gian tới. Các trường học phổ thông và đại học cần cân đối giữa học tập trực tuyến và trực tiếp để mang lại những trải nghiệm tối ưu cho người học. Và khi học tập trực tuyến thể hiện sức mạnh của nó trong thời kỳ Covid-19, hứa hẹn sự phát triển lớn mạnh của nó trong thời gian tới, chúng ta cần xem xét lại những bên sẽ giữ một vị thế lớn trong thị trường giáo dục tương lai: các công ty công nghệ và phần mềm.

Kết

Không có gì đảm bảo rằng tương lai sẽ là một sự chuyển giao mượt mà từ những xu hướng trong quá khứ và hiện tại. Đại dịch COVID-19 chính là lời nhắc nhở quan trọng về việc những sự kiện không lường trước được có thể làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta như thế nào. Cách tốt nhất để tối ưu việc ứng dụng các phân tích về các xu hướng trên là thông qua đối thoại, bởi tương lai không thể được quan sát thụ động, mà phải liên tục được bàn luận để có thể học hỏi từ đó.