“Chúng ta biết rằng mình là cát bụi. Khi lấy cơ quan nội tạng từ một bệnh nhân, từ một thi hài, bạn chỉ lấy đi chút ít cát bụi mà thôi” – đây là nhận định của bác sĩ Guy Alexandre, người đã dấy nên tranh cãi vào đầu những năm 1960 khi thực hiện ghép tạng từ người hiến chết não. Sau này, cộng đồng y tế đã đón nhận những quan điểm táo bạo của ông.

Vào đầu tháng 6/1963, một nạn nhân bị chấn thương sọ não trong vụ tai nạn giao thông được đưa tới bệnh viện ở Bỉ. Người này ngay lập tức được đưa vào phẫu thuật, song thương tích trầm trọng tới nỗi các bác sĩ tuyên bố bệnh nhân “chết não” – cơ thể hoàn toàn không còn phản ứng nhưng trái tim vẫn còn đập.

Trong một phòng bệnh khác cũng ở đây, một bệnh nhân khác đang chống chọi với căn bệnh suy thận và cần được ghép thận khẩn cấp.

Có một bác sĩ tên Guy Alexandre vừa đi học từ Boston về đã tới văn phòng của trưởng khoa phẫu thuật và đưa ra yêu cầu chưa từng có: lấy thận của bệnh nhân gặp tai nạn giao thông nhân lúc tim người này chưa dừng đập, như vậy sẽ giảm tình trạng phân hủy sinh học xảy ra trong các nội tạng chỉ sau vài phút thiếu oxy.

Trưởng khoa phẫu thuật Jean Morelle đã ra “quyết định tối quan trọng trong sự nghiệp của mình” và chấp thuận thủ thuật này, theo lời kể của bác sĩ Alexandre.

Ca cấy ghép được thực hiện vào ngày 3/6/1963. Cuối cùng nó sẽ mở ra một cuộc cải cách trong y đức, thách thức những quan niệm về sự chết và thử thách những ranh giới của nguyên tắc y học nền tảng: “không gây hại”.

Song trước hết, bác sĩ Alexandre phải đối mặt với hàng vạn câu chất vấn và lời buộc tội khiến ông có nguy cơ mất sạch danh tiếng lẫn sự nghiệp. Bác sĩ Alexandre vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình. Ông lưu ý rằng bệnh nhân được ghép thận sống thêm được 87 ngày, đây được coi là kết quả đáng ghi nhận tại thời điểm khoa học cấy ghép nội tạng vẫn đang phát triển.

Alexandre coi những y bác sĩ buộc tội ông là tên sát nhân là kẻ giả nhân giả nghĩa. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Tablet vào năm 2019, ông bày tỏ: “Họ coi những bệnh nhân chết não là còn sống, tuy nhiên họ đâu có ngần ngại tắt máy thở để khiến tim [bệnh nhân] ngừng đập trước khi lấy thận ra”.

Cuối cùng, quan điểm của bác sĩ Alexandre đã thắng thế. Vào cuối những năm 1960, ông nhận được sự ủng hộ của các hiệp hội y tế có ảnh hưởng. Ngày nay, khi ghép tạng từ bệnh nhân thể hiện tiêu chí “chết não” của bác sĩ Alexandre, các bác sĩ không còn bị đánh giá là vi phạm y đức nữa. Những tiêu chí này bao gồm: đồng tử hai bên giãn hoàn toàn, không có phản xạ hay phản ứng với cơn đau, không có khả năng tự thở sau khi ngừng hô hấp cơ học năm phút, huyết áp tụt, cần tăng liều thuốc vận mạch và đo điện não đồ cho hình ảnh sóng điện não phẳng.

Khi bác sĩ Alexandre được chấp thuận thực hiện ca cấy ghép từ bệnh nhân “chết não” đầu tiên vào năm 1963, bệnh viện đã không liên hệ với gia đình người bệnh để xin phép. Về chuyện này, ông chia sẻ quan điểm trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018: “Nếu chúng tôi có đi xin phép thì họ chắc hẳn sẽ từ chối”. Ông biện minh cho quyết định này bằng chuyện rõ ràng bệnh nhân không có cơ may phục hồi.

Gia đình của người hiến tặng được thông báo rằng bệnh nhân qua đời trong đêm. Bác sĩ Alexandre thực hiện tám ca ghép tạng tương tự trong vòng hai năm tiếp theo. Vào năm 1965, ông được mời tới London để tham dự hội nghị y khoa về đạo đức cấy ghép tạng.

Ông nêu câu hỏi vì sao nhịp tim được cho là định nghĩa duy nhất về sự sống, trong khi đánh giá hoạt động của não bộ là một thước đo phù hợp không kém. Trong hội nghị, ông phát biểu mình “lấy nội tạng từ một người chết”, giữ được tiêu chuẩn đạo đức giống như bất kỳ bác sĩ nào. Ông sử dụng cụm từ “tử thi có nhịp tim”.

Một số bác sĩ tham gia hội nghị tỏ ra kinh hãi và nêu những tình huống như người bệnh dùng thuốc an thần barbiturat quá liều, khi đó bệnh nhân có điện não đồ phẳng nhưng rồi sẽ phục hồi. Bác sĩ Alexandre phản đối với lập luận rằng điện não đồ chỉ là một trong năm thước đo mà ông sử dụng để tuyên bố một bệnh nhân “chết não”. Sau cuộc tranh luận, Alexandre đã thuyết phục được một số bác sĩ và nhà quản lý bệnh viện đứng về phía mình, song những lời chỉ trích vẫn tiếp diễn.

Thomas Starzl, một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép người Mỹ cũng có mặt tại hội nghị này, đã thề rằng không một thành viên nào trong nhóm của ông sẽ coi một bệnh nhân “là tử vong miễn là vẫn còn nhịp tim”. Gần cuối cuộc họp, những người tham gia được yêu cầu cho biết ai ủng hộ định nghĩa của bác sĩ Alexandre về “chết não”.

“Tôi là người duy nhất giơ tay. Tất cả những người khác đều không”, bác sĩ Alexandre hồi tưởng.

Tuy nhiên, ông đã khuấy động cuộc tranh luận về “một cách tiếp cận mới để định nghĩa trạng thái tử vong”, theo nhà nghiên cứu Calixto Machado về phẫu thuật thần kinh người Cuba viết trong ấn bản tháng 7/2005 của tạp chí Neurology.

Bác sĩ Guy Alexandre (1934 – 2024).
Bác sĩ Guy Alexandre (1934 – 2024).

Vào tháng 12/1967, bác sĩ phẫu thuật người Nam Phi Christiaan Barnard đã thực hiện ca ghép tim đầu tiên từ người hiến tặng được tuyên bố “chết não”. Năm tiếp theo, khái niệm sử dụng tiêu chí thần kinh để xác định trạng thái tử vong đã nhận được sự ủng hộ từ Ủy ban Đặc biệt Harvard và Hội đồng Y tế Thế giới.

Tên đầy đủ của vị bác sĩ tiên phong này là Guy Pierre Jean Alexandre, ông sinh ngày 4/7/1934 tại vùng ngoại ô Uccle, Brussels. Bố ông làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước, còn mẹ là trợ lý điều hành.

Bác sĩ Alexandre lấy bằng y khoa vào năm 1959 ở Đại học Louvain, ông còn được đào tạo thêm để trở thành bác sĩ phẫu thuật cấy ghép. Năm 1961, ông được Đại học Harvard cấp học bổng, tới Bệnh viện Peter Bent Brigham để nghiên cứu các quy trình cấy ghép tiên tiến - đây là một trong những bệnh viện giảng dạy thuộc Harvard và là nơi diễn ra ca ghép thận đầu tiên vào năm 1954.

Bác sĩ Alexandre làm việc dưới sự hướng dẫn của Joseph E. Murray, người đồng nhận giải Nobel về sinh lý học hoặc y học năm 1990 vì những tiến bộ trong phẫu thuật cấy ghép. Trong một lần bác sĩ Murray thực hiện ca ghép thận, bác sĩ Alexandre được thầy mình cho vào phòng mổ. Ông nhận thấy quả thận của người hiến tặng bị tổn thương nhẹ do thiếu oxy sau khi tắt máy thở, chờ tim bệnh nhân ngừng đập.

Bác sĩ Alexandre đã quen thuộc với khái niệm hôn mê không hồi phục (coma dépassé), thuật ngữ này được các bác sĩ nói tiếng Pháp sử dụng từ cuối những năm 1950.

“Ngoài việc ‘giết’ bệnh nhân, họ còn ghép quả thận bị hư hại cho người nhận,” bác sĩ Alexandre kể lại suy nghĩ của mình khi theo dõi ca cấy ghép ở Boston.

Bác sĩ Alexandre trở lại Bỉ vào năm 1963, công tác tại Đại học Louvain và là chuyên gia cấy ghép tại các bệnh viện liên quan. Trong những năm 1980, ông đã phát triển các kỹ thuật cho phép cấy ghép giữa những người có nhóm máu không tương thích, và thực hiện thành công một trong những ca cấy ghép đầu tiên giữa các loài (ghép dị loài): ghép một quả thận lợn vào khỉ đầu chó.

Bác sĩ Guy Alexandre qua đời ngày 14/2/2024 ở tuổi 89.

Nguồn:
washingtonpost.com, journals.lww.com