Nam Phi, đất nước đa sắc tộc, ngôn ngữ và văn hóa ở mũi phía Nam châu Phi, có một lịch sử rất khác biệt so với phần còn lại của “Lục địa đen”. Đó là kết quả của làn sóng nhập cư sớm từ châu Âu, bên cạnh tầm quan trọng chiến lược của tuyến hải trình biển Cape, và được cụ thể hóa bởi một vụ đắm tàu.

Cape Town với núi Table Mountain nhìn từ xa. Ảnh: Andrea Willmore/Shutterstock.com.
Cape Town với núi Table Mountain nhìn từ xa. Ảnh: Andrea Willmore/Shutterstock.com.

Ngày 16/1/1647, một đội tàu buôn gồm 3 chiếc của Hà Lan là Nieuwe Haerlem, Olifant và Schiedam, chất đầy hàng hóa và sản vật của vùng Viễn Đông, đã rời Batavia (nay là Jakarta, Indonesia) để trở về mẫu quốc. Trên đường đi, đoàn gặp phải một cơn bão lớn khiến các tàu bị tách khỏi nhau. Ngày 25/3/1647, một mình tàu Nieuwe Haerlem trôi dạt vào Vịnh Table và mắc kẹt trong một vũng nước nông.

Vì hàng hóa có giá trị rất lớn, chủ yếu là đồ gia vị, thổ cẩm, gốm sứ Trung Hoa và chàm (dùng làm thuốc nhuộm), thuyền trưởng của Nieuwe Haerlem đã phải cắt cử Leendert Janszen – một thương nhân trẻ – cùng khoảng 60 thuyền viên túc trực trông coi, đợi đến khi cứu viện tới.

Các thủy thủ đoàn bị mắc kẹt đã dựng trại trên bờ, ngay giữa những cồn cát, và sử dụng các tấm gỗ thu lượm được để xây một công sự nhỏ mà họ đặt tên là Zandenburch, hay “Sandcastle” (lâu đài cát) trong tiếng Anh. Những người đàn ông đã sống sót nhờ cá đánh bắt dưới sông Diep River, thịt chim cánh cụt, chim cốc và trứng của chúng – săn được trên đảo Robben Island gần đó. Bên cạnh trao đổi thịt tươi với người KhoiKhoi bản địa để lấy gia súc, họ cũng trồng thêm cả rau nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn.

Janszen và người của mình đã ở lại Cape khoảng một năm, trước khi họ được một hạm đội từ quê nhà cử tới trợ giúp. Quay trở lại Hà Lan, Janszen đã viết một bản báo cáo [tiền khả thi] mang tên Remonstrantie cho Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC), đề nghị thiết lập một cơ sở hậu cần tại Cape, nơi tàu bè nhận được sự tiếp tế cần thiết trước khi tiến vào Ấn Độ Dương. Trong báo cáo, Janszen đã nêu bật vị trí chiến lược của Cape, về đất đai màu mỡ nơi đây, nguồn lợi cá và gia súc phong phú, không thiếu gỗ để phục vụ hoạt động sửa chữa, và quan trọng nhất là thái độ thân thiện của người bản địa.

Tranh vẽ mô tả Jan van Riebeeck cùng người của mình đặt chân đến Table Bay. Ảnh: Charles Davidson Bell.
Tranh vẽ mô tả Jan van Riebeeck cùng người của mình đặt chân đến Table Bay. Ảnh: Charles Davidson Bell.

Sau khi cân nhắc, hội đồng quản trị của Công ty Đông Ấn đã phê duyệt bản kế hoạch này. Năm 1652, họ cử Jan Anthoniszoon van Riebeeck, một thành viên trong hạm đội cứu trợ Janszen và thủy thủ đoàn của ông, tới để thành lập trạm hậu cần tại Cape. Ngày 6/4/1652, năm chiếc tàu đã cập bến tại nơi mà sau này trở thành Cape Town (thủ đô lập pháp của Nam Phi, bên cạnh Pretoria là thủ đô hành pháp, còn Bloemfontein là thủ đô tư pháp).

Qua thời gian, Cape dần trở thành nơi cư trú của rất đông người Free Burgher – những công dân mang tinh thần tự do. Họ thường là cựu nhân viên công ty Đông Ấn, được cho phép nghỉ hưu tại các lãnh thổ hải ngoại của Hà Lan, và sống bằng nghề nông. Khi cộng đồng ngày càng trở nên đông đảo, những người định cư mạo hiểm bắt đầu tiến sâu hơn vào trong lục địa.

Cùng với nhu cầu phát triển nông nghiệp là sự thiếu hụt lao động, các thương nhân Hà Lan đã đưa hàng ngàn nô lệ từ Indonesia, Madagascar và đông châu Phi tới mảnh đất thuộc địa non trẻ này. Sau đó, thực dân Hà Lan dần thôn tính được toàn bộ đất đai vốn thuộc về người KhoiKhoi bản địa bằng cách gây chiến. Bên cạnh chiến tranh là dịch bệnh (những virus do người châu Âu mang từ nơi khác đến), khiến rất nhiều bộ lạc bị tàn phá và biến mất. Để tồn tại, người KhoiKhoi đã phải chấp nhận làm thuê, chăn gia súc cho các ông chủ thực dân.

Đầu thế kỷ 19, thực dân Anh bắt đầu xâm chiếm khu thuộc địa Cape, khiến những người Hà Lan phải từ bỏ đất đai và di chuyển sâu vào trong nội địa, thành lập nên khu định cư mới mang tên Boer. Việc tìm thấy vàng và kim cương vào cuối thế kỷ 19 càng khiến người Anh giành giật quyền kiểm soát đối với các bộ tộc bản địa, dẫn đến nhiều cuộc chiến với Boers. Kết quả là Liên minh Nam Phi được thành lập vào năm 1910 như một lãnh thổ tự trị thuộc Đế quốc Anh, chính là tiền thân của Nam Phi ngày nay. Đến năm 1961, Nam Phi đã hoàn toàn trở thành một nước cộng hòa độc lập.

Đi tìm xác con tàu đắm

Tiến sĩ Bruno Werz, một nhà khảo cổ học người Hà Lan thuộc Viện Nghiên cứu biển và khám phá dưới nước châu Phi (African Institute for Marine & Underwater Research) đã tìm kiếm xác tàu Nieuwe Haerlem trong suốt hơn ba thập kỷ qua, kể từ khi ông chuyển tới Nam Phi làm việc. Trong văn khố quốc gia, ông đã tìm thấy một số tài liệu quan trọng, bao gồm cả sổ nhật ký do Leendert Janszen viết trong thời gian lưu tại Cape sau vụ đắm. Cuốn sổ đã cung cấp cho Werz nhiều manh mối chi tiết về vị trí chính xác của xác tàu, cũng như hiểu thêm về nỗi gian truân mà thủy thủ đoàn phải đối mặt.

Hải đồ Table Bay thời điểm năm 1663, đánh dấu vị trí nơi con tàu Nieuwe Haerlem bị đắm. Ảnh: Văn khố Quốc gia, Hagel, Hà Lan.
Hải đồ Table Bay thời điểm năm 1663, đánh dấu vị trí nơi con tàu Nieuwe Haerlem bị đắm. Ảnh: Văn khố Quốc gia, Hagel, Hà Lan.

Năm 2016, Werz đã hợp tác với nhà địa vật lý Billy Steenkamp và bắt đầu tìm kiếm tại khu vực mà ông nghi ngờ xác tàu nằm ở đó. Kết quả của các cuộc khai quật này là một số hiện vật, nhưng rất khó phân loại bởi khu vực này hay xảy ra nhiều vụ đắm tàu. Werz cũng tìm thấy một chiếc vòng cổ làm bằng đồng, thứ mà ông nghĩ rằng do người KhoiKhoi chế tác và được đem trao đổi với tàu Nieuwe Haerlem.

Werz tin rằng xác con tàu nằm đâu đó dưới bãi triều ngập, hoặc trong vùng nước nông gần Rietvlei. Mặc dù có hàng chục con tàu từng bị đắm quanh Vịnh Table, nhưng Werz khẳng định có thể xác định vị trí của Nieuwe Haerlem từ những ghi chép của Leendert Janszen, và một điểm đáng lưu ý là thân tàu không được trang bị các tấm chắn bằng đồng.

“Một bằng chứng nữa cần đi tìm là 19 khẩu pháo và 4 mỏ neo bằng sắt bị vứt lại trong hầm tàu”, Werz cười rạng rỡ.