Vào khoảng giữa năm 2011, khi Airbnb mới được rót 7 triệu USD vốn đầu tư và có 40 nhân viên đang tập trung làm thị trường Mỹ thì nhận được đề nghị mua lại Wimdu, một công ty có mô hình tương tự với 400 nhân viên, đã được đầu tư 90 triệu USD đang thống lĩnh thị trường châu Âu.

.

Nếu không mua, Airbnb có nguy cơ bị đối thủ có nguồn lực lớn hơn đè bẹp. Với tâm thế “bị dí súng vào đầu”, sau một hồi suy nghĩ, Ban giám đốc Airbnb vẫn dũng cảm từ chối deal này. Brian Chesky, CEO Airbnb, sau này đã giải thích lý do anh quyết định không mua lại công ty đó là sự khác biệt văn hóa. Anh nhận thấy văn hóa hai bên khó hòa hợp với nhau “chúng tôi là những người truyền giáo còn họ là lính đánh thuê”, và hơn thế nữa với văn hóa của mình Airbnb sẽ chiến thắng đối thủ nếu cạnh tranh trực tiếp. Không ngoài dự đoán của anh, chỉ ít năm sau Airbnb tiến vào thị trường châu Âu, vượt qua đối thủ chiếm được hơn 50% thị phần ở đó. Còn Wimdu, sau vài lần đổi chủ và điều chỉnh mô hình đã đóng cửa năm 2018.

Câu chuyện trên cho thấy văn hóa có tác động lớn đến thế nào tới khả năng cạnh tranh của startup. Khi nói về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, rất nhiều founder sai lầm khi cho rằng đó là việc của sau này, khi công ty đã vượt qua giai đoạn khó khăn đi vào ổn định. Thực tế không phải vậy. Văn hóa là một phần của chiến lược phát triển cần phải được định hình, xây dựng và điều chỉnh càng sớm càng tốt. Ở góc độ khác, nhiều founder cho rằng văn hóa doanh nghiệp là thứ tốn kém không đem lại hiệu quả trực tiếp trong giai đoạn đầu. Điều này cũng không đúng. Xây dựng văn hóa ở startup không hề tốn kém, các bạn chỉ cần để tâm vào làm đúng cách là được.

Để hình dung rõ hơn, bạn hãy xem các giá trị cốt lõi của Airbnb trong hình (xin hãy đọc nguyên bản tiếng Anh để hiểu các hàm ý trong đó). Những giá trị cốt lõi phù hợp thường được nghĩ ra khá nhanh, như thể bạn đã sống với nó hằng ngày chỉ phải viết xuống mà thôi. Giá trị cốt lõi sẽ được duy trì nhiều năm đến mãi mãi. Vì vậy, founder cần có tầm nhìn tốt để có thể nghĩ được giá trị cốt lõi hay. Sau khi tuyên bố các giá trị cốt lõi, founder cần bắt tay vào xây dựng vòng ảnh hưởng thứ nhất bằng cách diễn giải các giá trị này thành các tình huống hằng ngày để suy nghĩ, hành động nhất quán với giá trị cốt lõi đó.

.

Giá trị cốt lõi thực chất là một bộ tiêu chí giúp bạn lựa chọn đối tác, khách hàng, nhân viên, cộng đồng... phù hợp. Và thể hiện bản thân với những đối tượng đó một cách nhất quán theo những gì mình coi trọng. Ở giai đoạn đầu, founder có thể điều chỉnh những điểm chưa phù hợp với mình và bắt đầu thu thập những câu chuyện xung quanh việc áp dụng các giá trị vào thực tế. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta được nghe rất nhiều các câu chuyện về Airbnb, từ chuyện Brian và Joe thiếu tiền phải thuê đệm hơi ở San Francisco rồi nghĩ ra ý tưởng như thế nào, chuyện Brian đến lúc gọi được hàng chục triệu USD tiền đầu tư vẫn bị mẹ than phiền vì đi làm không được đóng bảo hiểm ra sao, rồi họ tuyển người khó khăn với những câu hỏi tuyển dụng kỳ dị thế nào.... Có thể nói Airbnb là startup “giàu bản sắc” và có nhiều “selling story” nhất thế giới.

Từ các founders, những câu chuyện sẽ giúp lan tỏa giá trị cốt lõi đến các nhân viên ở vòng ảnh hưởng thứ hai. Sau mỗi lựa chọn khó khăn, founder phải giải thích cho những người xung quanh sự liên quan của quyết định đó tới giá trị cốt lõi, dần họ sẽ hiểu và hành động theo bạn. Và khi mỗi người trong doanh nghiệp thực hành tương tự, họ sẽ truyền thông và tạo ảnh hưởng văn hóa đến bên ngoài. Tốc độ hình thành các vòng ảnh hưởng như vậy phụ thuộc nhiều vào số lượng và chất lượng nội dung liên quan được tạo ra, tần suất, mức độ và phạm vi lan truyền nội dung đó đến các đối tượng mục tiêu. Ví dụ, nếu giá trị cốt lõi được lựa chọn là “Coi trọng chất lượng” thì founder sẽ lựa chọn các đối tác có cùng quan điểm, chọn các nhân viên có khả năng kỹ thuật cao, làm việc có trách nhiệm, tỉ mỉ, chi tiết .. có khả năng làm ra các sản phẩm chất lượng, chọn các khách hàng có đủ tinh tế để đánh giá đúng chất lượng của bạn. Là một thành tố của chiến lược, nên “coi trọng chất lượng” cũng sẽ định hình nên các quan điểm về tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ, học hỏi và phát triển tác động trực tiếp đến mọi hoạt động của doanh nghiệp.


Xuất phát từ founder, văn hóa startup có ba vòng ảnh hưởng: Vòng một là chính bản thân. Vòng hai là các đồng nghiệp cùng công ty. Vòng ba là xã hội bên ngoài. Để khởi xướng một “nền” văn hóa cho startup, founder cần lựa chọn những giá trị cốt lõi PHÙ HỢP NHẤT với anh ta và LIÊN QUAN đến mục tiêu và hoạt động của doanh nghiệp.

Ở khía cạnh truyền thông, việc sáng tạo và cóp nhặt các giai thoại thú vị, dễ nhớ được xây dựng, thu thập và lan truyền sẽ góp phần quảng bá các giá trị cốt lõi đến các đối tượng ở ngoài doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên chúng ta thường được nghe về câu chuyện các founder của Airbnb phải đi bán ngũ cốc để khởi nghiệp và trong giá trị cốt lõi của họ có “Be cereal entrepreneur”, coi khả năng xoay sở sáng tạo vượt khó như một phần văn hoá công ty, hay câu chuyện về các nhân viên của Zappos được phép tán chuyện với khách hàng bao lâu tùy thích và giá trị cốt lõi đầu tiên của họ là “Deliver WOW through service”. Những giai thoại chính là nội dung giúp truyền thông cho mọi người về giá trị của các công ty đó. Văn hóa càng giàu bản sắc thì các câu chuyện càng hay và sức lan tỏa của chúng càng lớn. Đến một mức độ nhất định, các bạn có thể khiến cho nhân viên, khách hàng, đối tác và những người biết đến công ty say sưa kể lại các câu chuyện của bạn. Đó chính là một dấu hiệu của sự thành công trong xây dựng văn hóa startup.

Tóm lại, các founder hoàn toàn có thể xây dựng văn hóa cho startup của mình bằng cách nghĩ ra, viết xuống các giá trị cốt lõi phù hợp nhất rồi thực hành nó hằng ngày cho bản thân, cho team rồi xây dựng những giai thoại đủ tốt để mọi người yêu quý và truyền bá không công cho doanh nghiệp. Rõ ràng đó không phải là vấn đề đầu tư bao nhiêu tiền mà là mức độ tâm huyết, say mê và khả năng chinh phục lòng người của các bạn.