Các công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) đang được triển khai với quy mô và tốc độ chưa từng có. Điều này có ý nghĩa gì đối với giáo dục?

Bà Stefania Giannini - Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Giáo dục
Bà Stefania Giannini - Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Giáo dục

Tốc độ không ngừng của những cuộc cách mạng kỹ thuật số

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã chứng kiến ít nhất bốn cuộc cách mạng kỹ thuật số: sự ra đời và phổ biến của máy tính cá nhân; sự mở rộng của Internet và tìm kiếm; sự gia tăng và ảnh hưởng của truyền thông xã hội; và sự phổ biến ngày càng rộng của các thiết bị điện toán di động và kết nối.

Những thay đổi sâu rộng mà các cuộc cách mạng này mang lại có thể đột ngột và đôi khi không được chào đón. Chúng thay đổi đáng kể cách chúng ta sống cũng như cách chúng ta dạy và học. Đáng chú ý, nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, giờ đây dành nhiều thời gian để đắm mình trong không gian và tương tác kỹ thuật số hơn là trao đổi trực tiếp - điều mà chỉ một thế hệ trước thôi nghe như khoa học viễn tưởng.

Phát triển gắn với công nghệ số dường như chỉ có tăng tiến, và thế giới mới mà chúng tạo ra khiến ta cảm thấy xa lạ, mất phương hướng, ngay cả khi ta hiểu được tiềm năng mà chúng đem lại sẽ làm giàu lên cho cuộc sống, cải thiện các mối quan hệ và mở ra những chân trời giáo dục mới.

Mặc dù hầu hết chúng ta vẫn đang cố gắng chấp nhận tác động sâu rộng của những cuộc cách mạng kỹ thuật số trước đó vẫn đang diễn ra, nhưng trong vài tháng vừa rồi, con người đã thức dậy và thấy mình đột ngột bước vào một cuộc cách mạng kỹ thuật số khác – một cuộc cách mạng khiến cho tất cả những cuộc cách mạng khác trông nhỏ bé hơn nhiều. Đó là cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI).

Ngôn ngữ có giá trị

Bằng cách sử dụng sức mạnh tính toán, mạng thần kinh tổng hợp và mô hình ngôn ngữ lớn, công nghệ AI nếu không muốn nói là đột phá thì ít nhất cũng bắt chước khéo léo được 'điểm mấu chốt' của nền văn minh nhân loại: Ngôn ngữ.

Cho đến gần đây, chúng ta gần như độc quyền sử dụng và kiểm soát ngôn ngữ. Nhưng thực tế là máy móc đang vượt qua rất nhiều ngưỡng cửa của ngôn ngữ và đi nhanh đến mức buộc ta phải suy ngẫm. Máy móc giờ đây có thể mô phỏng một cuộc trò chuyện phức tạp, vượt ra ngoài các nhiệm vụ hẹp [mà chúng được thiết kế].

Chúng ta đang dần hiểu rằng sự độc quyền của con người với ngôn ngữ không còn là điều hiển nhiên nữa. Nhận thức này buộc con người phải xem xét lại những niềm tin và giả định đang chống đỡ cho hệ thống giáo dục và xã hội của chúng ta.

Các ứng dụng AI tạo ngôn ngữ đặt ra những câu hỏi cơ bản: Công nghệ này sẽ thay đổi quan niệm về con người như thế nào? Nó sẽ điều chỉnh lại sự hiểu biết của chúng ta về trí thông minh của con người ra sao? Nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của con người với nhau?

Vì những công nghệ AI này không có sự chỉ đạo rõ ràng của con người và không thể đoán trước được nên tại một thời điểm nào đó, liệu nó có thể phát triển khả năng nhận thức, hiểu biết về sự tồn tại của chính mình và mong muốn quyền tự chủ cao hơn? Có khôn ngoan không khi trao kiến thức hàng thiên niên kỷ cho những cỗ máy dường như có khả năng học hỏi và hoạt động vượt ra ngoài ranh giới do con người đặt ra?

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải suy xét đến sự tương tác của con người với những cỗ máy này: Chúng ta nên ‘đối xử’ với chúng như thế nào? Có thích hợp để một cỗ máy không phải con người nói chuyện với một người lớn như thể đó là một người khác? Còn khi nói chuyện với một đứa trẻ thì sao? Chúng ta nên nghĩ gì khi chatbot dùng giọng nói của một nhân vật lịch sử hiện đang sống hoặc đã khuất từ lâu một cách tự do và không ngần ngại?

Ý nghĩa của tri thức

Công nghệ không bao giờ trung lập về mặt ý thức hệ. Nó thể hiện và ưu tiên những thế giới quan nhất định và phản ánh những cách suy nghĩ, hiểu biết cụ thể. Các mô hình và tiện ích AI thế hệ mới cũng không ngoại lệ.

Về cơ bản, những chatbot AI như ChatGPT cho phép người dùng có trải nghiệm khác với các công nghệ AI hỗ trợ tìm kiếm như Google. Công nghệ tìm kiếm sẽ sắp xếp và xếp hạng một menu nội dung phần lớn do con người tạo ra để đáp ứng các truy vấn của người dùng. Ngược lại, chatbot của các mô hình AI ngôn ngữ lớn chỉ tạo ra những phản hồi đơn lẻ và có vẻ có thẩm quyền nội dung cao hơn. Nói cách khác, các chatbot AI hoạt động như một nhà tiên tri thông thái biết tất cả mọi điều.

Tuy nhiên, các câu trả lời của chatbot AI không bắt nguồn từ tâm trí con người. Chúng bắt nguồn từ một mê cung các phép tính phức tạp đến mức ngay cả những người phát triển công nghệ cũng không thể hiểu hết được. Chúng ta có một công cụ đưa đến cho người dùng những câu trả lời duy nhất cho các câu hỏi, nhưng lại không thể truy lại câu trả lời đó đến một người khác. Như vậy rõ ràng là các câu trả lời thiếu đi tính nhân văn.

Các câu trả lời ngắn gọn, dứt khoát mà máy móc tạo ra có thể hữu ích cho người học, giáo viên và những người khác. Nhưng nó cũng mở ra một thế giới, nơi mà tri thức máy móc thống trị và các mô hình AI độc quyền được nâng lên cấp độ toàn cầu, thậm chí được tôn sùng như một kẻ nắm giữ thẩm quyền tri thức. Bất chấp những hứa hẹn rằng AI và các công nghệ số khác sẽ làm đa dạng hóa hệ thống tri thức của nhân loại, chúng ta có thể đang đi theo hướng ngược lại. Điều này đặc biệt đúng nếu chỉ có một hoặc hai mô hình/nền tảng AI.

Khi công nghệ AI tiếp tục thâm nhập vào thế giới, chúng ta phải bảo tồn và bảo vệ sự đa dạng của hệ thống tri thức của con người, và phải phát triển công nghệ AI theo hướng sẽ bảo vệ và mở rộng nguồn tri thức phong phú chung đó. Chúng ta không thể cho phép các hệ thống sản xuất tri thức đa dạng của mình bị hao mòn, và phải đề phòng việc tách rời con người khỏi quá trình sáng tạo tri thức.

Mặc dù một ngày nào đó máy móc có thể hiểu được đạo đức và luân lý của con người, nhưng ngày đó vẫn chưa đến. Như nhiều nhà khoa học và triết gia đã khẳng định, việc liên kết trí thông minh của máy móc với các giá trị của con người là một nhiệm vụ cấp bách.

Ngụ ý cho tương lai giáo dục

Sự phát triển của AI tổng quát đặt ra những câu hỏi cơ bản cho tương lai của giáo dục. Vai trò của giáo viên là gì khi công nghệ này được phổ biến rộng rãi? Việc đánh giá sẽ ra sao khi các tiện ích AI có thể thực hiện rất tốt các kỳ thi mà cho đến gần đây vẫn được nhiều người coi là không thể hack được, chẳng hạn như các bài kiểm tra chứng minh khả năng thông thạo một lĩnh vực chủ đề cụ thể hoặc các kỳ thi cấp chứng chỉ cho chuyên gia lành nghề như bác sĩ, kỹ sư, luật sư?

Là một giáo sư đại học, từ lâu tôi đã coi việc dạy viết là một trong những cách hiệu quả nhất để trau dồi và thể hiện kỹ năng tư duy phân tích và phản biện. Nhưng AI tạo sinh khiến tôi đặt câu hỏi về những giả định như thế, ngay cả khi tôi tiếp tục giữ chúng.

Trong một thế giới mà các hệ thống AI tạo sinh dường như đang phát triển khả năng mới theo từng tháng, hệ thống giáo dục của chúng ta nên trau dồi những kỹ năng, triển vọng và năng lực nào? Những thay đổi nào là cần thiết trong trường học và xa hơn để giúp học sinh định hướng một tương lai, nơi trí tuệ con người và máy móc dường như ngày càng kết nối chặt chẽ hơn, cái này hỗ trợ cái kia và ngược lại?

Rất có thể chúng ta sẽ sớm đạt được trí thông minh nhân tạo tổng quát – một cột mốc mà máy móc sẽ vượt qua con người không chỉ trong những lĩnh vực hẹp như chơi cờ mà còn ở những lĩnh vực lớn hơn nhiều, chẳng hạn khuyến nghị các hành động để giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu. Vậy thì giáo dục nên như thế nào? Mục đích và vai trò của nó sẽ là gì trong một thế giới mà con người không nhất thiết phải là người mở ra những biên giới hiểu biết và kiến thức mới?

Đây là những câu hỏi hóc búa. Chúng buộc ta phải nghiêm túc xem xét những lo ngại mà chúng ta đã tránh né quá lâu. Ở cấp độ cơ bản nhất, những mối quan tâm này liên quan đến thế giới mà chúng ta muốn sống. Hệ thống giáo dục của chúng ta thường coi việc thế giới đang, sẽ và nên như thế nào là điều hiển nhiên. Các hệ thống học tập chính thống được thiết kế để giúp mọi người phát triển năng lực cần thiết nhằm định hướng và trở nên thịnh vượng trong thế giới đó.

AI đang buộc chúng ta đặt câu hỏi về ‘thế giới đã biết’ mà chúng ta thường lấy làm điểm khởi đầu cho giáo dục. Nhiều giả định và chuẩn mực cũ, đặc biệt là những giả định và chuẩn mực liên quan đến kiến thức và học tập, dường như không thể duy trì được dưới ‘sức nặng’ của công nghệ mới này.

Chúng ta không còn có thể chỉ hỏi ‘Làm thế nào để chuẩn bị cho một thế giới có AI?’ Chúng ta phải đi hỏi sâu hơn: ‘Một thế giới với AI sẽ trông như thế nào? Công nghệ mạnh mẽ này nên đóng vai trò gì? Theo điều kiện của ai? Ai là kẻ quyết định?’

Các hệ thống giáo dục cần trả lại quyền tự quyết cho người học và nhắc nhở những người trẻ tuổi rằng chúng ta vẫn nắm quyền kiểm soát công nghệ. Không có bất kỳ một khóa học định trước nào cả.

Trì hoãn và điều chỉnh việc sử dụng AI trong giáo dục

Tốc độ các công nghệ AI tạo sinh được tích hợp vào trong hệ thống giáo dục mà không cần bị kiểm tra hoặc kiểm soát thật đáng kinh ngạc. Tôi nhận thấy ngày nay ở hầu hết quốc gia, lượng thời gian, các bước và giấy phép cần thiết để phê chuẩn một cuốn sách giáo khoa mới vượt xa những yêu cầu cần thiết để đưa các tiện ích AI vào trong lớp học.

Các tiện ích AI thường không cần thông qua gì cả. Chúng được ‘thả’ vào phạm vi công cộng mà không cần thảo luận hay xem xét. Có một vài công nghệ được triển khai cho trẻ em và thanh thiếu niên trên khắp thế giới chỉ vài tuần sau khi chúng được phát triển. Các chính phủ và trường học đang sử dụng một công nghệ hoàn toàn xa lạ mà ngay cả những nhà công nghệ hàng đầu thế giới cũng không hiểu hết được.

Có rất ít tiền lệ cho sự phát triển này. Internet và điện thoại di động không ngay lập tức được đón nhận trong trường học và cho trẻ em sử dụng khi chúng được phát minh. Chúng ta đã tìm ra cách hiệu quả để tích hợp chúng vào hệ thống giáo dục, nhưng đó không phải là quá trình một sớm một chiều.

Đại học VinUni đang nghiên cứu ChatGPT và dự kiến đưa vào  giảng dạy môn AI trong học kỳ tới.
Đại học VinUni đang nghiên cứu ChatGPT và dự kiến đưa vào giảng dạy môn AI trong học kỳ tới.

Chúng ta biết rằng một trong những rủi ro chính và dễ thấy nhất của AI là khả năng thao túng người dùng. Có rất nhiều ví dụ về việc AI trượt ra khỏi giới hạn và khiến trẻ em dính dáng đến những “cuộc nói chuyện” không phù hợp với lứa tuổi và ảnh hưởng xấu đến chúng - đặc biệt là khi các công cụ AI được hiệu chỉnh để tạo ra sức ảnh hưởng, tính giải trí và tương tác kéo dài như trên mạng xã hội.

Có nhiều tiền lệ về việc trì hoãn, tạm dừng hoặc ngừng sử dụng những công nghệ mà ta chưa hiểu rõ trong khi vẫn tiếp tục nghiên cứu, xem xét chúng. Việc nghiên cứu rất quan trọng vì nó sẽ bổ sung kiến thức về công nghệ, và cho chúng ta biết khi nào và bằng cách nào thì công nghệ này có thể an toàn để sử dụng, và nên được sử dụng cho những mục đích gì.

Việc áp dụng AI có thể được hạn chế giống như trường hợp của các công nghệ khác. Ở mức tối thiểu, các tài nguyên giáo dục sử dụng trong trường học cần phải được xem xét theo bốn tiêu chí chính: (1) nội dung chính xác (2) phù hợp với lứa tuổi, (3) tuân theo các phương pháp sư phạm và (4) phù hợp với văn hóa, xã hội. Tại nhiều nơi, các học liệu còn được nhiều nhóm giáo viên, lãnh đạo nhà trường và các nhóm xã hội dân sự kiểm tra trước khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Các mô hình và ứng dụng AI dùng trong giáo dục nên được kiểm tra theo những tiêu chí tương tự và cả những tiêu chí khác nữa do mức độ phức tạp và phạm vi tiếp cận rộng của chúng trước khi được triển khai trên quy mô lớn.

Trong bối cảnh hiện tại, khi công nghệ còn mới mẻ và các biện pháp kiểm tra an toàn vẫn còn yếu kém, chúng ta nên dùng cách tiếp cận thận trọng đối với AI tạo sinh trong giáo dục.

Những thách thức đang nổi lên của công nghệ số

Công nghệ số cho thấy một sự phân chia ngày càng lớn về giáo dục trong và giữa các quốc gia. AI có lẽ sẽ đẩy nhanh quá trình tự động hóa khối lượng lớn công việc. Nó cũng có khả năng cải thiện đáng kể năng suất của một số người lao động, đặc biệt là những người đã làm trong các lĩnh vực và ngành nghề được trả lương cao.

Chúng ta cần chống lại những AI làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng vốn đã quá rộng ở nhiều xã hội. Việc triển khai công nghệ mới nên ưu tiên thu hẹp khoảng cách công bằng. Trong trường hợp AI tạo sinh, chúng ta cần đặt câu hỏi: 'Liệu việc triển khai AI theo một kế hoạch và mốc thời gian cụ thể có khả năng mở rộng hay thu hẹp khoảng cách giáo dục hiện tại không?' Nếu câu trả lời là không, kế hoạch và thời gian đó nên được sửa đổi.

Chúng ta nên cảnh giác hơn về tiềm năng của công nghệ AI có thể làm suy yếu quyền lực và địa vị của giáo viên, ngay cả khi nó đòi hỏi nhiều hơn từ họ. Sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng các tiện ích AI trong tương lai không thúc đẩy những lời kêu gọi tự động hóa giáo dục hơn nữa: trường học không có giáo viên, giáo dục không có trường học và những viễn cảnh lạc hậu khác. Những hướng phát triển như thế này đôi khi được thực hiện dưới danh nghĩa ‘hiệu quả’ và thường tác động đầu tiên đến những người học có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Tự động hóa giáo dục từ lâu đã được đề xướng như một ‘giải pháp’, một cách ‘khắc phục’ cho các cộng đồng bị thiếu hụt giáo dục nghiêm trọng. Trong những tháng năm tới, một số người sẽ tranh luận về việc sử dụng AI để mang lại nền giáo dục ‘chất lượng cao’ cho những nơi không có trường học và thiếu giáo viên, hoặc giáo viên được trả lương thấp đến mức họ không thường xuyên đi làm. Nhưng công nghệ tiên tiến không phải là giải pháp trong những bối cảnh này, ngay cả khi nó có thể là một phần của giải pháp. Có được những ngôi trường vận hành tốt, đủ giáo viên được đào tạo và trả lương sẽ vẫn là yếu tố chính trong một giải pháp khắc phục bền vững.

Thế giới AI mới nổi cũng đã xuất hiện một tình thế lựa chọn đầu tư tiến thoái lưỡng nan: Ở mức độ nào chúng ta nên hướng các khoản đầu tư vào việc xây dựng năng lực của máy móc, hoặc hướng vào việc xây năng lực của con người?

Trước đây, chúng ta có thể chắc chắn rằng các thuật ngữ như ‘học tập’, ‘giáo dục’, ‘đào tạo’, ‘huấn luyện’, ‘dạy dỗ’ liên quan đến con người. Bây giờ điều này ít rõ ràng hơn. Việc kinh doanh trong lĩnh vực ‘giáo dục’ và ‘đào tạo’ máy móc cũng rất lớn và đang phát triển trên quy mô toàn cầu. Nó cũng ngày càng trở thành một lĩnh vực cạnh tranh giữa các công ty tư nhân, các chủ thể cũng như các quốc gia. Hàng tỷ đô la hiện đang được đầu tư vào các công ty AI tạo sinh.

Có thể hình dung các khoản đầu tư nhằm làm cho AI thông minh hơn sẽ vượt qua các khoản đầu tư cho giáo dục trẻ em và những người khác. Ngày nay, vào buổi bình minh của kỷ nguyên AI, vẫn có hơn 700 triệu người trên thế giới không biết chữ. Ngay cả khi AI bắt đầu vượt xa con người về nhiều khả năng trí tuệ thì việc giáo dục con người sẽ vẫn quan trọng.

Tư duy lại giáo dục để định hình tương lai

Trong môi trường AI đang tăng tốc và tương lai có nhiều điều không chắc chắn, chúng ta cần các hệ thống giáo dục giúp xã hội xây dựng ý tưởng về AI là gì và nên là gì, con người muốn làm gì với nó và đâu là ranh giới chúng ta phải vạch ra.

Chúng ta thường chỉ hỏi công nghệ mới sẽ thay đổi giáo dục như thế nào. Nhưng một câu hỏi thú vị hơn là: Làm thế nào giáo dục định hình sự tiếp nhận của chúng ta và chỉ đạo việc tích hợp các công nghệ mới – cả những công nghệ hiện có và những công nghệ sẽ xuất hiện trong tương lai?

Hệ thống giáo dục của chúng ta có thể xác định một quỹ đạo và thiết lập các tiêu chuẩn về cách chúng ta hiểu công nghệ đang thay đổi thế giới – và nói rộng ra là cách chúng ta cho phép nó ảnh hưởng đến con người và thế giới xung quanh.

Đây có lẽ là ‘lý do tồn tại’ của giáo dục: giúp chúng ta đưa ra những lựa chọn sáng suốt về cách chúng ta muốn xây dựng cuộc sống và xã hội của mình.

Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục tại thời điểm chuyển giao này không phải là kết nạp các ứng dụng AI mới và phần lớn chưa được thử nghiệm vào việc học, mà là giúp mọi người hiểu rõ hơn về việc khi nào và vì sao công nghệ này nên và không nên được sử dụng. AI đang cho chúng ta động lực để kiểm tra lại những gì chúng ta làm trong giáo dục.

Hồng Hạnh lược dịch