Quyển sách của Alain Badiou, bên cạnh việc đưa ra một quan niệm mới về tình yêu, đã tranh luận về vấn đề này với ba trường phái của các nhà thần học Kito giáo, các nhà hoài nghi cùng luân lý gia, và các nhà siêu thực phương Tây.

Năm 1955, Alain Badiou, ở tuổi 18, tại Toulouse, gặp Francoise, “dục vọng đầu tiên của tôi, tình yêu lớn đầu tiên của tôi” [1]. Sáu năm sau, họ kết hôn, có với nhau hai người con, rồi ly hôn, hay nói đúng hơn, đã “từ bỏ một tình yêu” (tr. 70). Sự từ bỏ Francoise là ân hận lớn nơi Alain Badiou. Rất nhiều năm sau, ông để lộ nỗi đau ấy trong cuộc đối thoại nổi tiếng năm 2008 làm thành tập sách mỏng Tụng ca tình yêu. “Đó là mối tình đầu của tôi, và tôi đã dần có ý thức rất mạnh rằng sự từ bỏ này là một lầm lỗi, tới nỗi tôi đã quay trở lại với tình yêu ban đầu ấy, rất muộn, khi đó người ấy đã sắp chết, nhưng với một cường độ và một nhu cầu lớn vô song” (tr. 70).

Đôi tình nhân Alain Badiou và Francoise Bourgade tại Paris đầu thập niên 1960. Nguồn: Phim tài liệu Badiou, 2018.
Đôi tình nhân Alain Badiou và Francoise Bourgade tại Paris đầu thập niên 1960. Nguồn: Phim tài liệu "Badiou", 2018.

Sở nghiệm của ông dẫu vậy không làm ông sầu muộn hoặc hoài nghi về tình yêu, bởi vì ông “biết bằng gan ruột” rằng tình yêu và hạnh phúc là có thật.

“Biết bằng gan ruột” mà ông nói ở đây có thể được hiểu trong truyền thống cá nhân luận phổ quát theo kiểu Pháp [2], nghĩa là Alain Badiou, từ sở nghiệm của riêng ông, đã hướng tới một đề xuất về tình yêu như một kinh nghiệm nền tảng và phổ quát của nhân loại. Ông vì vậy là típ triết gia gần gũi với những tiền nhân cổ đại, gắng đưa tác phẩm và cuộc sống của mình trở nên nhất quán. Và sự nhất quán ấy có khả năng thuyết phục và quyến rũ người khác rất lớn.

Tụng ca tình yêu, xét vậy, được đọc như một lời ca ngợi bài học lớn về lòng dũng cảm, để đương đầu với những trở ngại và đe dọa. Bởi vì tình yêu “chứa đựng những cãi cọ dữ dội, những đau đớn đích thực, những phân ly” (tr. 89), là con đường nhiều sức công phá nhất mà nhân loại đã biết tới nhằm dựng nên một quan hệ thân mật giữa ta với người khác.

Tình yêu, theo đề xuất của Alain Badiou, là nỗ lực vượt qua sự cô đơn tột cùng trong các xã hội tư bản chủ nghĩa, nơi con người sở hữu ý thức sai về người khác và thế giới như phóng đại sự tự luyến và tư lợi của anh ta hay cô ta. Trong kinh nghiệm tình yêu, ta không thấy người ta yêu như một đối tượng bị vật hóa nhằm thỏa mãn tư lợi ích kỷ của ta – vốn điển hình trong “Friend with benefits” hay “One night stand”, những quan hệ của sự hèn nhát, chạy khỏi sự nghiêm túc với cuộc đời. Ta, ngược lại, thấy nơi người ta yêu một sự khác tuyệt đối và nền tảng, để từ đó “cô ấy và tôi đã gộp vào chủ thể duy nhất, chủ thể của tình yêu, nó xử lý sự bày ra của thế giới xuyên qua lăng kính của sự khác của chúng tôi, thành thử thế giới đó đến, sinh ra, thay vì chỉ là những gì lấp đầy cái nhìn riêng của tôi” (tr. 40-1).

Nguồn: Phanbook.
Nguồn: Phanbook.

Như vậy, tình yêu được sinh ra từ hai chủ thể tuyệt đối khác nhau, mà Alain Badiou gọi là “cảnh của Đôi” (scene of Two). Đề xuất của ông do đó không thể không tranh luận với ba quan niệm về tình yêu của các nhà thần học Kito giáo, các nhà hoài nghi cùng luân lý gia, và các nhà siêu thực phương Tây. Sự phê phán của Alain Badiou hướng tới các học thuyết đó, dẫu không dài, rất nhiều sức công phá.

Alain Badiou, trước hết, xét kinh nghiệm về tình yêu trong Kito giáo, mà ông thừa nhận “dẫu sao cũng là một tôn giáo của tình yêu” (tr. 28). Plato, trong diễn giải của Alain Badiou, là tiền thân của nhánh này, do đã thực hiện nỗ lực vĩ đại đầu tiên hướng tình yêu có tính cách kinh nghiệm đi tới nguồn gốc đích thực của nó: thế giới của các ý (world of ideas). Thánh Augustine, đại diện xuất chúng của thần học Kito giáo thuở ban đầu, đi tiếp con đường của Plato để chỉ ra: khi hai cá nhân yêu nhau, một cách kinh nghiệm và ngẫu nhiên, thì đồng nghĩa họ cũng yêu sự yêu với tư cách thành quả của Chúa. Tình yêu thực sự, theo thần học Kito giáo, vì vậy là tình yêu mà Chúa dành cho con người và tình yêu mà con người hướng tới Chúa.

Alain Badiou thừa nhận các nhân vật Kito giáo đã hiểu sự phổ quát cùng quyền năng của tình yêu. Họ dẫu vậy đã không nói tới tình yêu hiện thực giữa hai cá nhân, mà bàn tới một nguồn thiêng liêng duy nhất đưa tới cho con người kinh nghiệm đặc thù ấy. Thế giới, trong diễn giải về tình yêu của các nhân vật Kito, xét cho cùng, xuất phát từ một chủ thể tuyệt đối toàn tri là Chúa. Ngược lại, Alain Badiou đòi hỏi cần đem tình yêu trở lại mặt đất. Cách diễn đạt “mang trở lại mặt đất” là điển hình trong ngôn ngữ của các nhà nghiên cứu theo Marx, ở đó Alain Badiou là một triết gia trọng yếu. Điều này có nghĩa: cần đưa nguồn gốc của tình yêu khỏi một chủ thể tuyệt đối, để trở lại với đời sống hiện thực của con người, với tư cách thế giới của sự khác.

Thứ hai, Alain Badiou xét lại các triết gia hoài nghi và luân lý gia, được kết tinh nơi Schopenhauer. Ông ta chống tình yêu quyết liệt, bởi vì coi nó là sự thao túng mà vũ trụ giáng xuống con người, nhằm duy trì nòi giống đau khổ này. Tình yêu vì vậy là một ảo tưởng vĩ đại của con người. Miêu tả về ảo tưởng ấy ở Giới phụ của Simone de Beauvoir, trong sở nghiệm đọc của Alain Badiou, rất ấn tượng. “Bà miêu tả, sau hành động dục tình, cảm giác xuất hiện ở người đàn ông là cơ thể phụ nữ trở nên nhẽo nhợt, còn tình cảm đối xứng của người phụ nữ là cơ thể đàn ông, ngoài dương vật dựng cứng, thông thường xấu xí, thậm chí có phần dị hợm” (tr. 35). Phản ứng của Alain Badiou với các tư tưởng gia trên là mỉa mai, đôi lúc kinh tởm. Nếu tình yêu chỉ là dục tình thuần, thì ta dùng cơ thể của người kia như trung gian để tự thỏa mãn chính ta, nghĩa là, một biến thể của thủ dâm. Ngược lại, trong tình yêu, dục tình là những cam kết liên tục, bằng cơ thể, về lòng trung thành của cặp đôi. Nói khác, hai cá nhân trong tình yêu – được kết lại thành một đôi từ sự kiện, nghĩa là khoảnh khắc tuyệt đối ngẫu nhiên đã rạch một vết rất đau vào tồn tại của cả hai, buộc mỗi người phải mở ra toàn bộ bản thể của mình để đón nhận người yêu – nỗ lực chuyển hóa sự tình cờ lúc bắt đầu thành định mệnh. Ngoài ra, đứa trẻ được sinh ra trong tình yêu không thể là một đích đến tất yếu và tối hậu, như các luân lý gia đã miêu tả, mà như một giai đoạn khả thi trong tình yêu. Bằng chứng là sự tồn tại của những đôi tình nhân lựa chọn không sinh con hoặc đồng tính.

Cuối cùng, ông tranh luận với nhà siêu thực lớn Andre Breton. Suy tư của Breton phần nào gần với Badiou, bởi vì ông ta hiểu sự ngẫu nhiên tuyệt đối, không thể quy về mọi quy luật, trong cuộc gặp giữa hai cá nhân khác nhau về căn bản, sẽ trở nên tình nhân. Cuộc gặp đó, theo Breton, đã bùng nổ, để rồi tự thiêu đốt tình yêu trong một thời điểm, vì vậy đã rút kiệt mọi triển hạn của nó. Tình yêu đối với Andre Breton, trong diễn giải của Badiou, là sự đầu hàng gần như ngay lập tức của tình yêu, với tư cách một thế giới vừa được dựng nên từ kinh nghiệm về sự khác tuyệt đối. Thế giới mới được dựng từ một cặp tình nhân, trái lại, cần được tái tạo liên tục, trong cố gắng của họ đương đầu với những mâu thuẫn nội tại gay gắt.

Những mâu thuẫn nội tại trong tình yêu, như Alain Badiou sở nghiệm, rất đau, có thể ở cường độ không thể chịu nổi đối với tồn tại của con người. Tiến trình kiên nhẫn xử lý những mâu thuẫn ấy tương ứng với sự chuyển hóa từ lo lắng tới can đảm. Sự kiên nhẫn của đôi tình nhân, theo Badiou, sẽ không thể diễn ra trong thế giới xuất phát từ chủ thể tuyệt đối, hoặc trong những lạc thú thân xác thuần túy, hoặc nơi sự tự hủy diệt tình yêu trong một quãng ngắn. Ngược lại, tiến trình đó diễn ra trong đời sống hiện thực của con người, với tư cách thế giới của sự khác. Theo nghĩa này, hạnh phúc trong tình yêu không phải một ảo tưởng. Hạnh phúc đó có thật, và được tìm thấy trong nỗ lực liên tục đối đầu với những mâu thuẫn của cặp tình nhân, nhằm tái tạo tình yêu.


[1] Phim tài liệu Badiou, 2018.

[2] Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Hà Nội: NXB Văn hóa thông tin, 1998, tr. 491-92.