Không chỉ biết rõ hơn về các trò chơi, cuốn sách của Ngô Quý Sơn còn giúp độc giả hôm nay phần nào nhận ra trạng thái, điều kiện kinh tế-xã hội, và nhất là, một số tính cách người, tính cách văn hóa của Việt Nam trong quá khứ.

Viết bằng tiếng Pháp, Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ (Activités de la Société enfantine Annamite du Tonkin) được nhà in Alexandre de Rhodes Hà Nội ấn hành năm 1944, Ngô Thúc Dung minh họa. Vào thời điểm đó, Ngô Quý Sơn dường như muốn cung cấp, trước hết, cho giới nghiên cứu dân tộc học Pháp biết thêm về một đặc tính Việt Nam thông qua tìm hiểu các trò chơi trẻ em. Chính vì thế, Paul Lévy, trưởng ban Dân tộc học thuộc Viện Viễn Đông Bác cổ, đã nồng nhiệt ghi nhận cuốn sách “là một công trình mang lại nguồn tư liệu đáng quý, liên quan đến một chủ đề hiếm khi được khai thác, lại còn về một dân tộc lớn, điều này giúp ta hiểu rõ hơn không chỉ tổng thể dân tộc đó mà cả các dân tộc khác”.

Cuốn sách do Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành vào cuối năm 2022.
Cuốn sách do Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành vào cuối năm 2022. Ảnh: NN

Trò chơi, trong cái nhìn của giới nghiên cứu Pháp bấy giờ, quả thật, là một dữ kiện dân tộc học quan trọng nhưng chưa được quan tâm xứng đáng. Ngoài một số giới thiệu, mô tả bước đầu của L. Cadière, G. Dumoutier, G.Cordier, hay của Nguyễn Văn Vĩnh thì, như Ngô Quý Sơn nhận thấy, “chưa có bất kỳ tác phẩm nào khai thác chủ đề trò chơi của trẻ em An Nam”.

Khuyết thiếu này thúc đẩy Ngô Quý Sơn tiến hành điền dã, khảo sát thực địa các vùng Hà Đông, Bắc Ninh và Sơn Tây, nỗ lực “đưa ra một danh sách toàn vẹn” các trò chơi trẻ em Bắc Kỳ. Ông “cẩn thận nói chuyện với lũ trẻ” để kiểm chứng thông tin và đồng thời, phân loại, sắp xếp trò chơi theo từng loại hình. Việc phân loại này, dĩ nhiên, sẽ còn cần nhiều thảo luận kĩ càng hơn nhưng theo tôi, đã cho thấy những sở cứ khoa học nhất định, trong đó, chủ yếu nảy sinh từ những hiểu biết và phương pháp dân tộc hiện đại.

Trò chơi thả đỉa. Minh họa: Ngô Thúc Dung

Theo đó, có các trò chơi “liên quan đến thân thể” như “rồng rắn”, “nu na nu nống”, “hú tim”, “bơi lội”, “đánh đu”,… Lại có các trò chơi dùng que như “giã gạo”, “đánh chuyền”… Có trò chơi may rủi như “đánh bò”, “rối hến”, “khảo tù”, “cờ chân chó”. Lại có những trò đa dạng cách chơi như đánh đáo. Số lượng trò chơi dùng sỏi cũng không ít, như “cua gắp”, “giần con sàng”, “ô quan”,… Nhưng đáng chú ý hơn là “các trò ma thuật” và “các trò chơi dùng lời nói”. Trong khi các trò ma thuật được sử dùng để “trù ẻo” người khác, thể hiện niềm tin vào thế giới phù thuật, linh hồn của “cây cỏ muông thú”, thì các trò “dùng lời nói” như hát ru, đồng dao, “hò khoan” lại thể hiện khả năng biến hóa, sáng tạo ngôn ngữ. Tuy chúng không quá nhiều ngữ nghĩa sâu xa nhưng nhờ vần điệu, dễ ứng tác mà trẻ con có thể nhập cuộc vui vẻ.

Có thể thấy, các trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ thường phổ biến trong đời sống làng xã, thôn quê, rồi lan sang thành thị. Trước khi bước vào độ tuổi lao động, trẻ em làng quê tự tạo lập cho mình những niềm vui và cả nỗ lực thi thố. Không có điều kiện kinh tế dư giả, trẻ em làng quê chỉ tận dụng những gì có sẵn, gần gũi để vui chơi, bộc lộ mình, tìm kiếm và kết nối các nhóm bạn trong nhà ngoài ngõ thay vì phải chịu đựng đời sống đơn điệu, thiếu thốn quá lâu. Cũng từ các trò chơi mà trẻ em dần hình thành ý thức tuân thủ qui tắc và luật lệ, các kĩ năng hoạt bát, khéo léo hay dẻo dai, sức khỏe, mưu trí,… Mức độ khéo léo, “nghệ thuật” chơi còn bộc lộ qua việc người chơi là trẻ em gái hay trai. Trẻ em gái thường chọn các trò chơi khéo tay, nhẹ nhàng, ít vận động; trong khi trẻ em trai thì thích các trò đòi hỏi thể chất, khỏe khoắn, đua tranh, mẹo mực. Chơi, như thế, còn là một cơ hội để thể hiện tâm tính, khả năng riêng của mỗi đứa trẻ.

Trò chơi chồng đống chồng đe. Minh họa: Ngô Thúc Dung
Trò chơi chồng đống chồng đe. Minh họa: Ngô Thúc Dung

Từ mô tả của Ngô Quý Sơn, chúng ta cũng có thể hình dung bước đầu về sự hắt bóng của đời sống văn hóa, xã hội trong các trò chơi. Phần lớn trò chơi đều thiên về sự đơn giản, dễ thực hiện, diễn ra trong phạm vi không gian nhỏ. Tổ chức trò chơi, cách chơi, phần thưởng cho người thắng và “hình phạt” cho người thua nhìn chung cũng chỉ để tạo tiếng cười, mua vui. Có thể thấy, trẻ em, và rộng ra là người Việt bình dân, ưa thích, bằng lòng với các trò chơi “tùng tiệm”, không nhiều tính chất phiêu lưu, nguy hiểm. Một vài trò chơi như thả diều (với rất nhiều kiểu diều như diều con bướm, diều con quạ, diều chữ thập, diều có đuôi, diều con rết,…) tiết lộ tính cách mơ mộng, tinh tế của người dân quê. Với một số trẻ được học hành thì các trò chơi dùng ngôn ngữ, nói giễu nói lái lại cho thấy lối ứng xử ưa trào tiếu, trào lộng, đùa cợt vốn nổi bật trong sinh hoạt thường ngày ở nông thôn. Trong mỗi câu hát, tích truyện được lấy ra làm nguyên liệu cho trò chơi, trẻ em cũng sẽ lắng nghe được những tiếng nói vang vọng từ quá khứ, chẳng hạn là bài đồng dao: “Chi chi chành chành/Cái đanh thổi lửa/Con ngựa chết trương/Ba phương ngụ đế/Cấp kế thượng hài/Ú tim ù ập!” Theo giải thích của học giả Nguyễn Văn Huyên, “ba phương ngụ đế” ở đây là chuyện ba người xưng đế ở ba vùng đất: Nguyễn Văn Huệ (Quang Trung) ở miền Bắc, Nguyễn Văn Nhạc (Thái Đức) ở miền Trung và Nguyễn Ánh ở miền Nam. Giải thích này là một thông tin hữu ích và cũng được đính kèm trong cuốn sách của Ngô Quý Sơn.

Các trò chơi, theo thời gian, sẽ biến đổi và có cả biến mất. Nhiều trò chơi của trẻ em mà Ngô Quý Sơn giới thiệu đã vắng dần trong đời sống ở miền Bắc từ sau 1954. Trong bối cảnh hiện nay, trò chơi trẻ em truyền thống, mà chúng ta hay gọi là trò chơi dân gian, càng lép vế trước sự bùng nổ của trò chơi điện tử, trò chơi công nghệ. Cuốn sách của Ngô Quý Sơn, vì thế, có lẽ là một gợi dẫn căn bản cho những ai muốn phục hoạt trò chơi truyền thống, biến chuyển nó một cách hợp lí hơn với nhu cầu, tính cách trẻ em hiện nay.

Một điểm khá “cắc cớ” về tác giả Ngô Quý Sơn: dù đã tìm kiếm thông tin nhưng đơn vị dịch, in cuốn sách này (Nhã Nam) vẫn chưa biết rõ tiểu sử, hành trạng cuộc đời, sự nghiệp của ông. Theo Ngô Thế Long (Viện Thông tin Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Ngô Quý Sơn là thành viên của Viện Nghiên cứu con người Đông Dương (Institut Indochinois pour l’étude de l’homme).