Có khả năng mối quan hệ tình cảm khác giới ở người đã tiến hóa từ hành vi kết đôi cùng giới ở tổ tiên chung của người và tinh tinh - theo giả thuyết mới của một nhà nghiên cứu ở Đại học Texas ở Austin, Mỹ.

Cách giải thích phổ biến cho mối quan hệ của hai cá thể cùng giới và tình yêu lãng mạn khác giới ở con người, đó là cả hai đều tiến hóa từ sự gắn bó giữa mẹ và con xuất hiện ở nhiều loài động vật có vú.

Tuy nhiên, trong một bài báo đăng trên tạp chí Evolutionary Anthropology, giáo sư nhân học Aaron Sandel đã trích dẫn một số nghiên cứu về linh trưởng, bao gồm các công trình kéo dài hơn một thập kỷ của ông về tinh tinh ở Vườn quốc gia Kibale (Uganda), để đưa ra giả thuyết rằng tình yêu lãng mạn khác giới ở con người đã tiến hóa từ hành vi kết đôi cùng giới ở tổ tiên chung giữa người và tinh tinh.

Mối quan hệ theo cặp đôi là một mối quan hệ hợp tác kéo dài giữa hai cá thể trưởng thành không có họ hàng với nhau và bao gồm sự kết nối tình cảm, chứ không chỉ là mối quan hệ thuần túy thực dụng.

Hai con tinh tinh tuổi vị thành niên là Barron, 15 tuổi và PeeWee, 9 tuổi, đang chải lông cho nhau. Ảnh: Aaron Sandel
Hai con tinh tinh tuổi vị thành niên là Barron, 15 tuổi và PeeWee, 9 tuổi, đang chải lông cho nhau. Ảnh: Aaron Sandel

Tinh tinh, loài có họ hàng gần nhất với con người, không kết đôi với bạn tình, mà các con đực trưởng thành có tình bạn cùng giới kéo dài tới 13 năm.

Giáo sư Sandel cho biết: "Một câu hỏi hóc búa của vấn đề tiến hóa là những loài họ hàng gần nhất, còn sống đến ngày nay của chúng ta - như tinh tinh và vượn bonobo - đều không hình thành mối quan hệ lâu dài với bạn tình. Vì thế các nhà nhân chủng học sinh học đã giả định rằng nguyên nhân dẫn đến việc kết đôi [khác giới] ở người hẳn phải liên quan đến các đặc điểm riêng có của loài người, ví dụ như đứng thẳng, sinh con có bộ não lớn, hay khả năng săn bắt, làm ra lửa. Nhưng sẽ thế nào nếu các kiểu kết đôi đã diễn ra ở một số họ hàng vượn và chúng ta đã bỏ qua?"

Một vài dấu hiệu về kết nối tình cảm cũng được quan sát thấy trong các mối quan hệ cùng giới giữa những con tinh tinh đực, bao gồm bằng chứng về việc giảm căng thẳng, các hành vi tương tác đặc biệt với đối tác, và có thể là cả sự ghen tuông khi đối tác chải lông cho những cá thể khác.

Theo giáo sư Sandel, các nghiên cứu trước đây đã không phân loại những hành vi đó như biểu hiện của mối quan hệ cặp đôi. Lý do là vì tinh tinh cũng có các hành vi xã hội với những cá thể khác trong bầy đàn lớn, tương tự như cách con người xây dựng tình bạn với cả bạn tình lẫn các cá thể khác trong cộng đồng.

Ông đưa ra giả thuyết rằng các mối quan hệ gắn bó cùng giới như được quan sát thấy ở tinh tinh đã tồn tại ở loài người chúng ta trước khi xuất hiện hiện tượng kết đôi với cá thể khác giới.

Theo ông, điều này cho thấy có khả năng tình yêu lãng mạn ở con người là kết quả của sự tiến hóa từ tình bạn cùng giới ở vượn. Và có thể là trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đã đánh giá thấp tầm quan trọng của tình bạn và các mối quan hệ cùng giới.