Trong chuyến công du châu Âu mới đây, chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã hội kiến Đức Giáo hoàng Francis – người đứng đầu giáo hội Công giáo La Mã (Roman Catholic), một trong ba nhánh chính của Kitô giáo1 (tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 2,6 tỷ tín đồ).

Tranh trận chiến trên cầu Milvian của họa sĩ Giulio Romano (1520-1524).
Tranh trận chiến trên cầu Milvian của họa sĩ Giulio Romano (1520-1524).

Kitô giáo đã từng chịu rất nhiều đau khổ, tủi nhục trong hai thế kỷ đầu tiên dưới thời Đế chế La Mã. Không chỉ bị đốt sách (Kinh Thánh), tịch thu tài sản và phá hủy nhà thờ, các Kitô hữu còn có thể bị bắt giữ, bỏ đói hay thậm chí tra tấn bằng những hình phạt tàn bạo nhất như chặt chân tay, thiêu sống,… Sự truy bức chỉ chấm dứt khi Constantine Đại đế (272 – 337)2 lên nắm quyền. Khác với các vị vua tiền nhiệm, ông là người bảo trợ tuyệt vời của Giáo hội Kitô khi ra lệnh xây dựng vô số vương cung thánh đường trên khắp đế quốc, trả lại những tài sản bị tước đoạt trước đó và ban tặng thêm rất nhiều đặc quyền cho các tu sĩ.

Lý do khiến Constantine Đại đế quyết định cải đạo sang Kitô giáo hiện vẫn là một chủ đề tranh cãi sôi nổi trong giới thần học và sử học. Có thuyết cho rằng ông đã được mẹ – hoàng hậu Helena – dẫn dắt đến với Thiên chúa ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học khác lại tin Constantine đã trải qua một diễn biến tâm lý đặc biệt vào năm 312 – ngay trước thềm cuộc chiến ở Cầu Milvian3 trên bờ sông Tiber (ngoại thành Roma ngày nay), và chính nó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến lựa chọn của ông.

Giám mục Eusebius thành Caesarea (người Hy Lạp), một trong những nhà sử học đầu tiên của Giáo hội, đã mô tả: “Trong lúc vua Constantine đang thực hiện nghi thức cầu nguyện trước khi dẫn quân ra trận, trên bầu trời bỗng xuất hiện một hiện tượng lạ mà bất cứ ai khi nghe kể lại cũng sẽ cảm thấy khó tin. Đó là thời điểm giữa trưa hè và nhà vua đã tận mắt chứng kiến một quầng sáng hình thập giá Chi-Rho (biểu tượng ban đầu của Giáo hội Kitô) trên bầu trời. Cả Constantine và người của ông đều vô cùng sửng sốt. Ban đầu, có lẽ nhà vua chưa hiểu lắm về ý nghĩa của hiện tượng lạ trên, nhưng đêm đó ông đã mơ thấy Đức Chúa Kitô hiện lên và chỉ dẫn cách sử dụng dấu hiệu đó để chống lại kẻ thù. Tỉnh dậy, Constantine ra lệnh cho quân lính trang trí tấm khiên chắn bằng biểu tượng Chi-Rho và giành thắng lợi giòn giã; Khi ca khúc khải hoàn, nhà vua nói đó là vinh quang của Đức Chúa Kitô.”

Tuy nhiên, các nhà địa chất lại tin rằng diễn biến tâm lý của Constantine Đại đế còn tới từ một vụ thiên thạch va chạm với mặt đất và để lại tác động tồn tại đến tận hôm nay – vết lõm Sirente ở miền Trung nước Ý. Nhà địa chất Jens Ormö người Thụy Điển lý giải: “Sirente có kích thước rất vừa vặn và được bao quanh bởi nhiều vết lõm nhỏ hơn sinh ra từ tác động bởi những mảnh vỡ khác”.

Kết quả xác định niên đại bằng phương pháp Carbon 14 cho thấy vết lõm được hình thành vào khoảng thời gian trùng với lúc Constantine trải qua sự chuyển biến về tâm lý. Một vụ va chạm thiên thạch tạo ra vết lõm lớn như Sirente hoàn toàn có thể được quan sát thấy từ khoảng cách xa; và sức công phá của nó, theo tính toán, sẽ tương đương một quả bom hạt nhân4 cỡ nhỏ (ít nhất 1 kiloton). Chứng kiến sự kiện đó, rất có thể Constantine và đội quân của ông đã bị làm cho mê đắm. Ngoài ra, tuổi đời của vết lõm Sirente cũng rất trùng khớp với lịch sử vùng này khi một ngôi làng gần đó đã đột ngột bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ 4, với những ngôi mộ chứa các thi thể được mai táng một cách vội vàng – nguyên nhân có thể là do hỏa hoạn.

Vết lõm Sirente. Ảnh: visitabruzzo.altervista.org
Vết lõm Sirente. Ảnh: visitabruzzo.altervista.org

Truyền thuyết do người bản địa kể lại cũng mô tả như sau về sự kiện: “Một tiếng nổ lớn vang lên từ phía trên núi, âm thanh mạnh mẽ như muốn xé toạc cả những cây sồi khổng lồ. Trong khoảnh khắc, tất cả đều cảm nhận được một sức nóng mãnh liệt. Từ đằng xa, trên bầu trời bỗng xuất hiện một ngôi sao lớn chưa từng thấy, lao xuống ngày một nhanh và mất dạng sau rặng núi phía Đông,… Bỗng một quầng sáng lóe lên không khác gì ánh Mặt trời; lá của các cây sồi co rúm, bạc màu, và cả khu rừng dường như không còn một chút sức sống”.

Sự gần gũi cả về mặt thời gian lẫn địa lý giữa Cầu Milvian và Sirente đã khiến các nhà nghiên cứu phải lật lại biến cố trên. Một số ghi chép cho biết Constantine và đội quân của ông đã dựng trại tại nơi nằm cách Sirente chỉ khoảng 100 km. Như vậy, họ hoàn toàn có thể quan sát được đám mây hình nấm hình thành từ vụ nổ do tác động. Có lẽ chính điều này đã có ảnh hưởng sâu đậm đến diễn biến tâm lý của Constantine, kéo theo kết quả trận chiến trên Cầu Milvian cùng vận mệnh của Giáo hội Kitô sau này.
-----
Chú thích
1. Công giáo La Mã, Chính thống giáo phương Đông và Kháng Cách (Tin Lành) là ba nhánh của Kitô Giáo. Sự phân chia này đến từ những bất đồng về thần học và cách thực hành tín ngưỡng trong suốt hai thiên niên kỷ. Công giáo La Mã với Thánh địa Vatican hiện có khoảng 1,3 tỷ tín đồ.

2. Flavius Valerius Aurelius Constantinus, thường được biết đến là Constantinus I, Constantinus Đại Đế. Ông là vị vua La Mã đầu tiên cải đạo sang Kitô giáo sau khi ban bố Sắc lệnh Milano chấm dứt nạn thảm sát tín đồ Kitô giáo. Chính thống giáo phương Đông liệt kê Constantinus và mẹ của ông (hoàng hậu Helena) là hai vị thánh. Mặc dù không được Giáo hội phương Tây phong thánh nhưng Constantinus I vẫn được họ kính trọng với danh xưng “Đại Đế” vì những đóng góp cho Kitô giáo. Rất nhiều tín đồ Kitô giáo coi Constantinus I cùng với Đức Chúa Giêsu và Thánh Phaolô Tông đồ là ba nhân vật quan trọng nhất đối với sự phát triển của Giáo hội.

3. Trận chiến ở cầu Milvius diễn ra vào ngày 28/10/312 giữa hai đội quân của hoàng đế La Mã Constantinus I và Maxentius. Constantinus I đã giành chiến thắng và đặt nền móng cho việc chấm dứt chế độ Tứ đầu chế để trở thành người cai trị duy nhất của Đế quốc La Mã. Còn Maxentius thì bị chết đuối trên sông Tiber trong lúc giao tranh.

4. Hai quả bom hạt nhân Little Boy và Fat Man do Không lực Hoa Kỳ ném xuống Nhật Bản năm 1945 có sức công phá lần lượt là 15 và 21 kiloton.