Trong cuộc khảo sát toàn diện mới đây, sinh viên của hơn 3.600 trường đại học ở 126 nước cho biết họ hài lòng hơn với nền giáo dục đại học sau sự gián đoạn do COVID-19 gây ra.

Giữa tuần trước, Studyportals, Unibuddy và British Council IELTS công bố Báo cáo Sự hài lòng của sinh viên Toàn cầu 2023. Đây được coi là cuộc khảo sát toàn diện nhất về trải nghiệm học tập của sinh viên toàn cầu.

Cuộc khảo sát giới hạn ở 3.610 trường đại học có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Để được đưa vào Báo cáo, các trường phải có tối thiểu 30 đánh giá từ sinh viên đang theo học hoặc sinh viên mới ra trường.

Cả sinh viên trong nước và quốc tế đều được mời đóng góp đánh giá nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan phong phú và đa dạng. Studyportals cho phép sinh viên chấm điểm trải nghiệm học tập của mình thông qua dịch vụ thu thập đánh giá chuyên biệt theo thang điểm từ 1 đến 5 ở bảy khía cạnh: mức độ hài lòng nói chung; tương tác giữa sinh viên và giảng viên; quy trình tuyển sinh; sự đa dạng của sinh viên; chất lượng cuộc sống sinh viên; phát triển sự nghiệp; và trải nghiệm lớp học trực tuyến.

Khảo sát bắt đầu được tiến hành thường niên từ năm 2013 để tìm hiểu mức độ hài lòng của sinh viên châu Âu. Từ năm 2019, khảo sát mở rộng ra toàn cầu và được tiến hành hai năm một lần. Tính đến nay, sáng kiến này đã thu thập được hơn 400.000 đánh giá.

Trong đó, cuộc khảo sát năm 2023 nhận được đánh giá của khoảng 126.000 sinh viên và sinh viên mới ra trường từ 126 quốc gia. Các đánh giá được thu thập từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2023.

Trong số 3.661 trường đã nhận được đánh giá, 480 trường, tương đương 13%, thu được từ 51 đánh giá trở lên. Tính trung bình, mỗi trường thu được 27 đánh giá.

Kết quả, Báo cáo cho thấy, ba trong số “bốn điểm đến hàng đầu” của du học sinh - gồm Vương quốc Anh, Úc và Canada - nằm dưới mức trung bình toàn cầu về sự hài lòng nói chung của sinh viên, với điểm số lần lượt là 4,18 - 4,13 - 4,11.

Chỉ có Mỹ được đánh giá cao hơn mức trung bình toàn cầu về mức độ hài lòng nói chung của sinh viên với 4,32 điểm. Các trường đại học Mỹ vẫn được đánh giá cao về Quy trình tuyển sinh, Tương tác giữa sinh viên và giáo viên, và Phát triển sự nghiệp.

Các trường đại học Úc chỉ đạt điểm trên mức trung bình toàn cầu ở hạng mục Phát triển sự nghiệp.

Sinh viên ở Vương quốc Anh kém hài lòng hơn với Quy trình tuyển sinh, Tương tác giữa giảng viên và sinh viên và Sự đa dạng của sinh viên so với năm 2021. Tuy nhiên, họ hài lòng hơn với Trải nghiệm lớp học trực tuyến, Chất lượng cuộc sống sinh viên và Phát triển sự nghiệp.

Sự hài lòng của sinh viên ở Canada tăng ở mọi hạng mục so với cuộc khảo sát năm 2021, nhưng điểm hài lòng nói chung của sinh viên vẫn thấp hơn rõ so với mức trung bình toàn cầu.
Theo Báo cáo, mức độ hài lòng nói chung của sinh viên toàn cầu đã tăng từ trung bình 4,06 điểm vào năm 2021 lên 4,21 vào năm nay. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi sinh viên được trở lại trường sau sự gián đoạn do COVID-19.

Trải nghiệm của sinh viên toàn cầu cũng được cải thiện ở mọi hạng mục. Ví dụ: sinh viên hài lòng hơn với Quy trình tuyển sinh của trường (4,41), Tương tác giữa sinh viên và giảng viên (4,35), Sự đa dạng của sinh viên (4,37), Chất lượng cuộc sống sinh viên (4,33), Trải nghiệm lớp học trực tuyến (3,86) và Phát triển sự nghiệp (4,08).

Mặc dù Trải nghiệm lớp học trực tuyến nhận được số điểm thấp nhất nhưng hạng mục này lại chứng kiến mức tăng trưởng lớn nhất (tăng 7,22% so với năm 2021). Từ phản hồi của sinh viên, có thể nhận thấy những thách thức của việc học trực tuyến gồm sự mất tập trung, sự cố Wi-Fi, thiếu giám sát, và khó duy trì động lực. Ngoài ra, một số sinh viên mô tả cảm giác bị cô lập hoặc cô đơn do thiếu trải nghiệm lớp học thực tế.

Xét theo quốc gia, Hungary có mức độ hài lòng chung của sinh viên cao nhất với 4,39 điểm – xếp trước Đức (4,36) và Bồ Đào Nha (4,33).

Xét theo khu vực, châu Mỹ đứng đầu với điểm trung bình về mức độ hài lòng nói chung là 4,27; châu Á - Thái Bình Dương đứng thứ hai với 4,25 điểm.

Ở Đông Nam Á, Thái Lan đứng đầu về mức độ hài lòng ở hầu hết các khía cạnh. Nhưng riêng ở hạng mục Trải nghiệm lớp học trực tuyến, Thái Lan có điểm đánh giá thấp nhất, xếp dưới Malaysia và Philippines.

Cô Cara Skikne, biên tập viên cao cấp tại Studyportals, cho Khoa học & Phát triển biết, trong đợt khảo sát mới nhất, sinh viên Việt Nam chỉ gửi tổng cộng 21 đánh giá, bởi vậy Việt Nam chưa đủ điều kiện để được đưa vào Báo cáo năm 2023.

ĐH Navarra (Tây Ban Nha) giành Giải thưởng Sự hài lòng của Sinh viên Toàn cầu 2023 ở hạng mục Mức độ hài lòng nói chung. Nguồn: en.unav.edu
ĐH Navarra (Tây Ban Nha) giành Giải thưởng Sự hài lòng của Sinh viên Toàn cầu 2023 ở hạng mục Mức độ hài lòng nói chung. Nguồn: en.unav.edu

Dựa trên đánh giá của sinh viên, ban tổ chức đã trao Giải thưởng Sự hài lòng của Sinh viên Toàn cầu cho các trường đứng đầu ở mỗi hạng mục. Tổng cộng có 7 trường nhận giải, trong đó có hai trường của Mỹ, còn lại đều là các trường ở châu Âu.

“Giải thưởng Sự hài lòng của Sinh viên Toàn cầu là chương trình toàn cầu duy nhất công nhận các trường đại học tốt nhất từ góc độ sinh viên,” Edwin van Rest, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Studyportals, cho biết. “Sự hài lòng của sinh viên cao hơn ở tất cả các hạng mục và đây là một lời khen tuyệt vời dành cho lĩnh vực giáo dục đại học. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy các vấn đề về hiệu quả hoạt động mà bốn cường quốc du học cần giải quyết; và với 1/5 số chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh được cung cấp bên ngoài bốn điểm đến hàng đầu này, sinh viên phải cạnh tranh ở nhiều điểm đến hơn.”

Studyportals là nền tảng lựa chọn học tập giới thiệu 250.000 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của hơn 3.750 trường đại học trên toàn cầu, được sử dụng bởi hơn 50 triệu sinh viên mỗi năm để tìm kiếm các chương trình học phù hợp.


Những hạng mục được khảo sát để tìm hiểu mức độ hài lòng của sinh viên:

* Mức độ hài lòng nói chung của sinh viên: Bạn đánh giá tổng thể trải nghiệm học tập của mình như thế nào?

* Quy trình nhập học: Quy trình nhập học của bạn đơn giản đến mức nào? Thông tin bạn tìm thấy trên trang web có đủ rõ ràng không? Bạn có nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ nhân viên của trường không?

* Tương tác giữa sinh viên và giảng viên: Giảng viên hỗ trợ, gắn kết và quan tâm đến bạn như thế nào? Bạn có dễ dàng tương tác với họ trong hoặc sau giờ học không?

* Trải nghiệm lớp học trực tuyến: Bạn đánh giá thế nào về khả năng giảng dạy các lớp học trực tuyến của trường?

* Sự đa dạng của sinh viên: Bầu không khí tại trường đa dạng/thân thiện như thế nào? (Ví dụ: sự đa dạng về các quốc gia, nền văn hóa, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nhu cầu đặc biệt v.v.)

* Chất lượng cuộc sống: Cuộc sống hằng ngày của bạn thế nào? Thành phố nơi bạn sống có đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của bạn không?

* Phát triển sự nghiệp: Trường có hỗ trợ bạn phát triển sự nghiệp không? (Ví dụ: các khóa học ngoại khóa, hội thảo và hội nghị, hỗ trợ tìm kiếm cơ hội thực tập, v.v.)